Mặc dù mang sứ mệnh gìn giữ hòa bình nhưng “căn cứ hậu cần” của Trung Quốc ở Djibouti lại có cơ sở cầu cảng có thể tiếp nhận hầu hết các tàu trong hạm đội hải quân nước này.
Mặc dù với sứ mệnh chính thức là gìn giữ hòa bình, căn cứ quân sự mới tại nước ngoài của Trung Quốc có đủ điều kiện neo đậu cầu cảng, có thể tiếp nhận hầu hết các tàu trong hạm đội hải quân của Trung Quốc.
Các binh sĩ Trung Quốc đã lần đầu tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật vào tuần trước tại Djibouti – Vùng sừng châu Phi, gần các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Bắc Kinh miêu tả căn cứ quân sự mới như là một “cơ sở hậu cần” để hỗ trợ các tàu Trung Quốc cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và nhân đạo.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) cho biết, những hình ảnh vệ tinh và thông tin từ các báo cáo không chính thức cho thấy căn cứ này có cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm các doanh trại, các đơn vị bảo dưỡng, cơ sở neo đậu có thể tiếp nhận hầu hết các tàu trong hạm đội hải quân nước này.
Trung Quốc là quốc gia thứ bảy thiết lập sự hiện diện quân sự ở quốc gia châu Phi nhỏ bé và cũng là một trong những nước nghèo nhất trong khu vực, trước đó có Mỹ, Pháp, Nhật Bản và một vài nước khác.
Tuy nhiên, căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti với vị trí quan trọng về chiến lược – nằm tại cửa ngõ vào Biển Đỏ, trên tuyến đường đến kênh đào Suez – đã gây ra mối lo ngại về những tham vọng địa chính trị ở nước ngoài của Bắc Kinh, SCMP viết.
Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật lần đầu ở Djibouti.
Vị trí chiến lược
SCMP nhận định, nhiều quốc gia khác cũng có sự hiện diện quân sự tại Djibouti, đây là một yếu tố quan trọng trong quyết định của Bắc Kinh khi xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở quốc gia Châu Phi này. Ví dụ, Djibouti là nơi duy nhất của mà Mỹ thiết lập quân đội tại lục địa đen.
Zhang Baohui, Giáo sư Đại học Lingnan về Chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nói: “Sẽ ít gây tranh cãi hơn nếu Trung Quốc chọn Djibouti đơn giản vì đã có nhiều nước khác có mặt ở đó”.
Djibouti cũng nằm cách xa những “đối thủ chính” của Trung Quốc – ví dụ như một căn cứ tại cảng Gwadar ở Pakistan, đã gây sự lo ngại cho New Delhi.
Zhang cho biết thêm việc đặt căn cứ tại Djibouti cũng giúp Trung Quốc dễ dàng giải thích về những tuyên bố với mục đích nhân đạo như những nỗ lực chống nạn cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia và Yemen.
Theo ông Cảnh Sảng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã triển khai các tàu tại Somalia cho những nỗ lực trên từ năm 2008.
Ông này nói: “[Căn cứ] cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở Djibouti”.
Bảo vệ lợi ích đầu tư từ Trung Quốc
Theo Malcolm Davis, Chuyên gia an ninh châu Á tại Học viện Chính sách Chiến lược Australia, Trung Quốc muốn có thể bảo vệ lợi ích của mình dọc theo “Con đường tơ lụa thế kỷ 21”, phần thuộc tuyến giao thông trên biển trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Ông nói: “Có rất nhiều người Trung Quốc đầu tư các dự án thương mại tại khu vực này. Quan trọng là việc có thể hiện diện ở một khu vực chiến lược quan trọng.”
Theo báo cáo của CNA, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Virginia, khoảng 40% hàng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Vịnh Aden, gần Djibouti tính năm 2008.
CNA cũng cho biết Djibouti dựa nhiều vào nguồn vốn từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đầu tư 1,4 tỷ USD tiền vốn cho các dự án lớn của quốc gia này.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại đây nằm cạnh khu cảng đa năng Doraleh, được tài trợ một phần và được điều hành bởi công ty thuộc sở hữu nhà nước China Merchants Holdings của Trung Quốc. Các công ty nhà nước Trung Quốc cũng đã tài trợ và xây dựng tuyến đường sắt Ethiopia-Djibouti và đường ống dẫn nước Ethiopia-Djibouti.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti rất gần trại Lemonnier của Mỹ.
Các mục tiêu chiến lược tại nước ngoài
Theo báo cáo CNA, căn cứ tại Djibouti có thể giúp Trung Quốc trong việc thực hiện các sứ mệnh “bảo vệ vùng biển xa” để hỗ trợ các hoạt động như chống cướp biển, di tản người dân Trung Quốc, giữ gìn hòa bình, chống khủng bố, thu thập thông tin và bảo vệ các tuyến đường biển chiến lược.
Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh có thể dùng căn cứ này để dự đoán sức mạnh của mình tại Bắc Phi, cũng như để tăng cường vị thế của mình tại Ấn Độ Dương.
Rahul Roy-Chaudhury, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở London cho biết: “Lợi ích khi triển khai tàu tới Ấn Độ Dương sẽ giúp Bắc Kinh có thể duy trì tuần tra lâu dài tại Ấn Độ Dương. Hải quân Trung Quốc đã thông thuộc Ấn Độ Dương hơn nhiều.”
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, điều này đã khiến Ấn Độ lo ngại về an ninh hàng hải khu vực, đặc biệt là khi nhìn vào các căn cứ hải quân khu vực khác của Trung Quốc ở các nước như Maldives và Sri Lanka.
Bawa Singh, nhà nghiên cứu Quan hệ quốc tế tại Đại học Punjab, nói: “Chiến lược biển của Trung Quốc đang được định hướng để đối phó New Delhi ở Ấn Độ Dương, đặc biệt là việc xây dựng các căn cứ hải quân xung quanh các vùng lân cận của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương.