Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngVai trò của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề an...

Vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề an ninh quan trọng của khu vực

ASEAN là tổ chức quốc tế lâu đời và lớn nhất tại khu vực với 10 nước thành viên, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đến năm 2020, theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ASEAN rất có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu. Bên cạnh các mục tiêu phát triển về kinh tế, ASEAN còn là một tổ chức chính trị quan trọng tại khu vực, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoà bình và an ninh Đông Nam Á.

ASEAN có đầy đủ tư cách pháp lý để giải quyết các điểm nóng trong khu vực

Điều 3 của Hiến chương ASEAN đã khẳng định rằng ASEAN là một tổ chức quốc tế có tư cách pháp lý rõ ràng. Điều khoản này cũng chứng minh sự quyết tâm của các quốc gia thành viên công nhận tư cách pháp lý của ASEAN. Ngoài ra, Hiến chương còn cho phép ASEAN đưa ra các quyết định lên các thành viên thông qua Hội nghị cấp cao ASEAN và các cơ quan, trong đó có Hội đồng điều phối ASEAN (ACC), Uỷ ban các đại diện thường trực (CPR) hay Tổng thư ký ASEAN và ban thư ký ASEAN, để đảm bảo việc thi hành các quyết định trên. Quan trọng hơn, theo Điều 41 của Hiến chương, ASEAN có khả năng tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế với các chủ thế khác của Luật quốc tế. Như vậy, có thể khẳng định, ASEAN là chủ thể của luật quốc tế có tư cách pháp lý rõ ràng trong hệ thống pháp luật quốc tế. Do đó, ASEAN sẽ có các quyền và nghĩa vụ riêng biệt so với các quốc gia thành viên, có khả năng khởi kiện các chủ thể khác và cũng có thể bị khởi kiện bởi chính các thành viên nếu thất bại trong việc thực hiện các cam kết của mình.

Hiện nay, việc giữ gìn hoà bình và an ninh khu vực là một trong những trọng tâm hàng đầu của ASEAN. Nó được khẳng định đầu tiên trong lời nói đầu và Điều 1 khoản 1 của Hiến chương ASEAN khi nói về mục tiêu của tổ chức. Theo đó, Hiến chương cũng giao cho ASEAN các công cụ cần thiết để thực hiện mục tiêu này. Trong đó có chức năng đưa ra các giải pháp phù hợp theo nguyên tắc tham vấn và đồng thuận (Điều 20), thành lập các cơ chế giải quyết tranh chấp (Điều 25), ký kết các hiệp ước với chủ thể khác của luật quốc tế (Điều 41) hay mở rộng ra là việc áp dụng các biện pháp hoà bình của Liên Hiệp Quốc (Điều 28).

ASEAN có vai trò quan trọng trong cấu trúc quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương

Thứ nhất, ASEAN là đối tác không thể thiếu trong cơ chế hợp tác của các nước lớn cũng như các tổ chức kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong quan hệ với các nước lớn, ASEAN là đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển năng động, trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Với Mỹ, Washington luôn coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương, cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, khẳng định ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ, tiếp tục triển khai Sáng kiến kết nối ASEAN – Mỹ. Với Trung Quốc, ASEAN được coi là khu vực quan trọng để Trung Quốc thực hiện chiến lược cân bằng với Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cam kết hỗ trợ ASEAN triển khai tầm nhìn Cộng đồng 2025 và các mục tiêu về thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối và hội nhập khu vực. Trong quan hệ “Đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc”, hai bên khẳng định tăng cường liên kết khu vực, trong đó có việc xác định những ưu tiên chung trong Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc và Kế hoạch kết nối tổng thể ASEAN (MPAC). Ngoài ra, ASEAN hiện còn thu hút sự chú ý của các quốc gia khác, như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc.

Trong cơ chế hợp tác Đông Á, do trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển dần về châu Á – Thái Bình Dương nên vai trò và ý nghĩa của Cộng đồng Đông Á ngày càng gia tăng. Được hình thành vào năm 2012, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký kết, nhằm hướng tới mục tiêu hình thành FTA Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Trọng tâm của RCEP là sự tham gia sâu rộng của ASEAN và các đối tác đối thoại dựa trên sự cải thiện đáng kể các FTA hiện có giữa các bên. Mặt khác, cách tiếp cận “Con đường ASEAN” trong RCEP đã chứng minh đây là cơ chế xây dựng sự đồng thuận tốt nhất ở Đông Á. RCEP không mang nặng tính chính trị và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thường được coi là một công cụ để kiềm chế Trung Quốc trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ, RCEP được xem như mở rộng mô hình FTA ASEAN+1 trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư. Tất cả các cường quốc khu vực, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều đánh giá tích cực về vai trò trung tâm của ASEAN, ít nhất là trong hội nhập kinh tế khu vực.

Ở quy mô khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một số quốc gia ASEAN cũng là thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Đây là diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. ASEAN được coi là “hạt nhân” xây dựng.

Thứ hai, hầu hết các nước lớn ở châu Á – Thái Bình Dương đều tham gia các cơ chế của ASEAN, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị ASEAN với các đối tác (ASEAN+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Sangri La),… và coi đây là “bộ khung” để xây dựng cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngay khi ASEAN xúc tiến các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực, các quốc gia và tổ chức quốc tế đều ủng hộ một cách khá tích cực. Các cơ chế của ASEAN đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với Đông Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Các cơ chế của ASEAN là sự lựa chọn tốt nhất cho các nước lớn với tham vọng kiềm chế các đối thủ của mình.

Diễn đàn khu vực ASEAN được thành lập vào năm 1993, nhằm mục tiêu thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa trong bối cảnh xung đột trong khu vực khó giải quyết. Diễn đàn này ra đời đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các nước nhằm đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai… đồng thời cũng là nơi để các nước lớn có tiếng nói, bày tỏ quan điểm, lập trường và thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề khu vực. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) ra đời vào năm 2006, đánh dấu sự khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức ở cấp Bộ Quốc phòng. Cơ chế này tạo khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng – an ninh và là nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên thực tế giữa lực lượng vũ trang các nước ASEAN. Cơ chế ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức thành công tại Việt Nam vào năm 2010, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng của 18 nước (10 nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại) nhằm bàn thảo về các biện pháp duy trì hòa bình, đã trở thành sự kiện quốc tế hiếm có trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, ADMM+ được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả làm nên vai trò trung tâm của ASEAN hiện nay. Cơ chế hợp tác ASEAN+1 với 10 đối tác đối thoại chính thức là cơ chế lâu đời nhất, đầy đủ nhất, quan trọng và hiệu quả nhất của ASEAN trong việc xử lý quan hệ với từng nước lớn, từng đối tác. Thông qua cơ chế này, các nước ASEAN – một tập hợp của các nước vừa và nhỏ – không chỉ đối thoại một cách bình đẳng, ngang hàng với các nước lớn, mà còn tranh thủ được nhiều nguồn lực cho phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, như thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, khoa học – công nghệ, giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật, chống khủng bố… Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) là diễn đàn được lãnh đạo của 16 quốc gia Đông Á và khu vực lân cận tổ chức mà ASEAN đóng vai trò trung tâm. Mục tiêu của EAS là tăng cường môi trường hòa bình, ổn định và củng cố mối quan hệ hợp tác tin cậy giữa các nước thành viên trong lĩnh vực an ninh – chính trị; tạo dựng mối quan hệ mới về chất giữa các nước Đông Á theo chiều hướng hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác toàn diện ngày càng chặt chẽ cả về song phương và đa phương. Ngoài ra, ASEAN cũng chú trọng các cơ chế an ninh khu vực khác, như: Đối thoại Shangri-La, Hội thảo An ninh châu Á – Thái Bình Dương (APSEC), Thỏa thuận Quốc phòng năm nước (FPDA)… góp phần nâng tầm vị trí của ASEAN đối với an ninh khu vực.

Thứ ba, khả năng giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia của ASEAN. Tuyên bố Băng Cốc (năm 1967) và Tuyên bố Ba-li (năm 1976) đã xác lập các nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hợp tác bền vững của ASEAN. Đặc biệt, Tuyên bố Ba-li đã dành riêng chương IV quy định sự ra đời một cơ chế chung nhằm giải quyết các tranh chấp trên mọi lĩnh vực an ninh – chính trị, kinh tế, xã hội… của ASEAN. Trên cơ sở các Tuyên bố của ASEAN, năm 2010, ASEAN đã ký Nghị định thư về cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN phù hợp với bối cảnh mới. Đây là một văn kiện quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN. Nghị định thư này giải quyết các tranh chấp nảy sinh do sự nhận thức khác nhau trong quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN và các công cụ của Hiến chương, với bốn phương thức giải quyết tranh chấp (tham vấn, môi giới, trung gian, hòa giải), trên cơ sở công bằng, hợp lý. Trong đó, ASEAN đóng vai trò trung gian hòa giải, làm dịu các bất đồng và căng thẳng về chính trị – an ninh, chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là các tranh chấp trên biển giữa một số thành viên trong khu vực với nhau và với Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ tư, ASEAN được lựa chọn là cơ chế trung gian trong giải quyết các vấn đề mang tính khu vực. Từ rất sớm, nhận thức rõ tầm quan trọng không thể thiếu đối với các nước lớn cũng như các đối tác trong và ngoài khu vực, ASEAN đã nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn và các đối tác dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng thời tìm cách “chèo lái” quan hệ với các nước lớn theo hướng có lợi nhất cho ASEAN nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Trung lập (ZOPFAN, năm 1971), thể hiện rõ định hướng trung lập của ASEAN, khi định ra các mục tiêu cơ bản và lâu dài của ASEAN là xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất cứ hình thức nào của các cường quốc bên ngoài. Vấn đề trung lập hóa mà ZOPFAN đưa ra tại thời điểm đó đã đáp ứng được nhiệm vụ giữ nguyên trạng tình hình ở Đông Nam Á, ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc mới xuống khu vực, buộc các nước ngoài Đông Nam Á chính thức cam kết không can thiệp vào công việc của khu vực. Trên thực tế, hình thức này cũng dễ chấp nhận đối với các nước ngoài khu vực và ngay cả đối với Liên hợp quốc.

Trong cấu trúc quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN đóng vai trò thúc đẩy triển khai hợp tác quanh trục ASEAN, lấy ASEAN làm nền tảng, làm trung tâm để mở rộng hợp tác. Thông qua các cơ chế đối thoại của ASEAN, các đối tác ở khu vực chấp nhận quy tắc ứng xử của ASEAN, có trách nhiệm duy trì sự phát triển và hòa bình của khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác khu vực từ Đông Nam Á ra toàn Đông Á đến châu Á – Thái Bình Dương. Điều này mang lại cho ASEAN uy tín chính trị và cơ hội trở thành một “cộng đồng ngoại giao” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, ASEAN cũng xây dựng thành công quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với nhiều tổ chức ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, đáng kể nhất là Đối tác toàn diện ASEAN – Liên hợp quốc, Hội đồng Hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Liên minh Thái Bình Dương…. Sau khi Hiến chương ASEAN ra đời và bắt đầu có hiệu lực, cơ cấu tổ chức của ASEAN trở nên chặt chẽ hơn. ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các nước. Đến nay, đã có 86 quốc gia ngoài ASEAN cử đại sứ tại ASEAN, trong đó có đại sứ của tất cả các nước lớn.

ASEAN trong việc xử lý một số vấn đề an ninh khu vực

Ttrong bối cảnh hiện nay, ASEAN có khả năng giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia của khu vực mà một nước đơn lẻ không làm được như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, an toàn hàng hải, chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát vũ khí, buôn bán người và ma túy, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, di cư và tị nạn, tình trạng mất cân đối tài chính và thương mại quốc tế…

Vấn đề Biển Đông: Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ song phương trong khu vực, mà còn gây căng thẳng cho mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Trước thực tế đó, ASEAN đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hoặc xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm kiềm chế xung đột tiềm tàng, ngăn chặn đụng độ quân sự làm phức tạp thêm tình hình, chủ yếu thông qua thương lượng, đàm phán. Một số văn bản điều chỉnh hành vi của các quốc gia trên Biển Đông đã được xây dựng, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC, năm 1976), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ, năm 1995) và Tuyên bố Manila năm 1992 (tuyên bố đầu tiên thể hiện lập trường chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông). Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, ngày 04/11/2002) được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đồng thời cho thấy vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Trước khi DOC ra đời, ASEAN có ý tưởng xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). ASEAN đã thông qua biện pháp ngoại giao, cụ thể là qua các cuộc thương lượng đa phương giữa các quốc gia trong khu vực với nhau và với Trung Quốc để có thể đưa ra một Bộ luật về ứng xử trên Biển Đông, giúp các quốc gia duy trì vị trí của họ trên Biển Đông. Tuy nhiên, quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên đến nay vẫn chưa đạt được kết quả. Hiện nay, ASEAN đang nỗ lực cùng Trung Quốc sớm hoàn thành COC. Biển Đông trở thành vấn đề an ninh thiết thực của khu vực, luôn là vấn đề ưu tiên, nổi trội trong chương trình nghị sự của ARF, ADMM+ hoặc các thể chế an ninh đa phương khác ở châu Á – Thái Bình Dương.

Nhìn lại cả tiến trình xử lý vấn đề Biển Đông có thể rút ra một số điểm: (1) ASEAN luôn có ý thức xử lý vấn đề này với tư cách là cả khối, trong đó một số nước như Philippines, Việt Nam giữ vai trò đi đầu, dẫn dắt và tạo đột phá. Tuy nhiên ý thức này đang bị giảm sút cả với ASEAN lẫn Philippines, nhất là trong bối cảnh Tòa Trọng tài (7/2016) bác bỏ yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn” của Trung Quốc và Philippines thay đổi ban lãnh đạo mới. (2) Chính sách của ASEAN luôn gắn với trạng thái quan hệ Mỹ – Trung, bản chất chính sách của Mỹ là đoàn kết với các nước ASEAN, trong khi đó Trung Quốc lại tìm cách chia rẽ nội bộ ASEAN; khi Mỹ tỏ ra cứng rắn, chủ động tập hợp lực lượng thì ASEAN dễ đoàn kết và có chính sách mạnh; ngược lại, khi Trung Quốc tỏ ra hòa dịu, phát huy “sức mạnh mềm”, nhất là sức mạnh của nền kinh tế thì động lực và sự đoàn kết của ASEAN bị giảm sút nghiêm trọng. (3) Thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế chủ động sử dụng sức mạnh mềm để lôi kéo, mua chuộc và chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, từng bước biến vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc. ASEAN tiếp tục gặp khó khăn trong việc duy trì đồng thuận chung và thống nhất lập trường trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ và các nước đồng minh cũng tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, từng bước đối chọi là các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vấn đề sông Mê Công: Sông Mê Công bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi ra Biển Đông. Với chiều dài khoảng 4.800km, sông Mê Công có chiều dài lớn thứ 12 trên thế giới và khu vực hạ lưu sông Mê Công có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các nước có dòng sông này chảy qua. Theo đó, 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tên thường gọi dành cho sông Mê Công ở Việt Nam), nơi có 20 triệu người dân đang sinh sống. Trong khi đó, biển hồ Tonle Sap của Campuchia nằm ở hạ lưu sông Mê Công được cho là một trong những ngư trường cho nhiều cá nhất trên thế giới, cung cấp 60% lượng dinh dưỡng cho người dân Campuchia.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo khu vực Tiểu vùng sông Mê Công sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an ninh nguồn nước trong những năm tới, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện về những tác động của các đập thủy điện xây dựng trên sông Mê Công. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán ở lưu vực sông Mê Công còn tác động tới nhiều quốc gia nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Theo chuyên gia Richard Cronin thuộc Trung tâm Stimson tại Mỹ, nhiều người ở các quốc gia như Philippines và Indonesia sẽ bị đói nếu Việt Nam và Thái Lan không sản xuất đủ gạo – dấu hiệu cảnh báo cho các tác động của môi trường đối với lưu vực sông Mê Công. Tính đến hiện tại, tổng cộng 11 đập thủy điện đã được xây dựng dọc theo con sông và dự kiến trong vòng 20 năm tới sẽ có thêm 30 nhà máy thủy điện mới. Chính phủ Lào cho rằng các đập thủy điện này sẽ cung cấp nguồn điện, góp phần vào công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước. Đối với một quốc gia còn khó khăn về mặt kinh tế như Lào với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ ở mức 12 tỷ USD thì đây là điều dễ hiểu. Lào hy vọng sẽ đạt tăng trưởng kinh tế 7% nhờ vào hoạt động xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Tuy vậy, một câu hỏi vẫn được đặt ra là tác động của việc xây dựng các đập thủy điện đối với môi trường có được Chính phủ Lào xem xét kỹ lưỡng. Các ý kiến cho rằng hiện tại và trong tương lai, các đập thủy điện này sẽ làm ảnh hưởng đến trữ lượng cá, làm giảm lượng phù sa, thay đổi số lượng và chất lượng dòng chảy của con sông, dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với các nước thuộc khu vực hạ lưu. Những lo ngại này đã được lượng hóa một cách cụ thể với sản lượng cá đã giảm tới 70% do chịu ảnh hưởng từ các đập thủy điện. Lượng cá đánh bắt của người dân ở khu vực hạ lưu cách đây 10 năm là từ 5-10 kg/ngày thì hiện chỉ còn 1-2 kg/ngày. Ngoài ra, sự thay đổi dòng chảy còn đã ảnh hưởng tới năng suất trồng lúa. Số liệu thống kê cho biết các dự án đập thủy điện trên sông Mê Công đã gây thiệt hại đến hàng trăm triệu USD đối với sản lượng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước của sông Mekong được đặt ra cấp bách và cần được các quốc gia ASEAN xem xét là một vấn đề quan trọng của khu vực, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 60 triệu dân sống dọc theo con sông mà còn liên quan đến nhiều quốc gia nhập khẩu gạo, nông sản từ các nước hạ lưu sông Mê Công. Những năm gần đây, ASEAN nói chung và 5 nước thành viên ASEAN thuộc tiểu vùng sông Mê Công đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp nguồn nước ở sông Mê Công. Tuy nhiên, dù ASEAN đã có một vài nỗ lực nhằm thúc đẩy các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Tiểu vùng sông Mê Công (GMS) nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.

Năm 1995, bốn nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mê-kông 1995 và thành lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC). Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mê Công. Năm 2005, Kế hoạch hành động chiến lược của ASEAN về Quản lý nguồn nước đã được thông qua, trong đó nhấn mạnh đến biến nhận thức thành hành động đối với việc quản lý nguồn nước và phát triển bền vững sông Mê Công. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng các sáng kiến nói trên của khu vực chưa đặt vấn đề an ninh nguồn nước làm trọng tâm mà phần lớn tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại, năng lượng, du lịch, khai khoáng… phục vụ cho mục tiêu hội nhập kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê Công.

Vừa qua, Trung tâm Habibie thuộc Chương trình nghiên cứu ASEAN đã đưa ra 03 kiến nghị đối với ASEAN để giúp các nước thành viên quản lý tốt hơn và bền vững hơn nguồn nước sông Mê-kông. Cụ thể là: (1) ASEAN cần tập trung nhiều nguồn lực hơn trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước và phải coi đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, hiện có 60 triệu công dân của các nước thành viên ASEAN đang sinh sống dựa trên nguồn nước của sông Mê Công. (2) ASEAN cần thể hiện vai trò điều phối hiệu quả hơn giữa các nước thành viên trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định Mê Công (năm 1995). Qua đó, ASEAN có thể giúp tạo ra sự cân bằng giữa các nước bằng việc đưa vấn đề an ninh nguồn nước là mối quan tâm chung của tất cả các nước thành viên hơn là của một tiểu vùng như hiện nay. (3) ASEAN cần thiết lập một cơ quan khu vực đảm nhiệm về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm cung cấp các nghiên cứu có tính tổng thể, toàn diện và khách quan. Bởi lẽ, hiện nay các dự án xây đập thủy điện được cho là chưa đánh giá đúng thực trạng và tác động có thể gây ra đối với các quốc gia ven sông, dẫn đến việc một số quốc gia dễ dàng thông qua các chính sách, mà chưa có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan.

Vấn đề an ninh phi truyền thống: SEAN chính thức sử dụng cụm từ “an ninh phi truyền thống” vào năm 2002 khi nêu bật những nội dung của “an ninh phi truyền thống” bao gồm: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao, cướp biển…

Với tình hình hình hiện nay, có thể nói ASEAN là khu vực chịu hậu quả nặng nề từ những hiểm họa như động đất, sóng thần, ô nhiễm môi trường và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Theo tổ chức đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (MEA), biến đổi khí hậu có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây tổn hại tới đa dạng sinh học trong thế kỷ này. Cụ thể nhiều khu vực ở các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, vùng đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam), Campuchia, vùng Đông Bắc Lào, vùng Bangkok (Thái Lan), Tây và Nam Sumatra, Tây và Đông Java của Indonesia nằm trong số những khu vực dễ bị tổn hại nhất do biến đổi khí hậu, từ đó tác động đến kinh tế, môi trường và cuộc sống của người dân. Hoạt động khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian gần đây với hàng loạt các vụ đánh bom nhằm vào các khu đông dân cư ở Indonesia, Malaysia, Philipines…gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh xã hội. Bên cạnh đó ASEAN cũng là điểm nóng về nạn cướp biển, theo số liệu của Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) cho thấy Đông Nam Á chiếm 55% trong số 54 vụ cướp biển trên thế giới kể từ đầu năm 2015.

Do tính chất phức tạp và và sự tác động sâu xa của vấn đề an ninh phi truyền thống, những thách thức này đã vượt ra khỏi sự kiểm soát của mỗi quốc gia và trở thành vấn đề toàn cầu. Vì thế hợp tác để đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống luôn là một nội dung được ASEAN đặc biệt quan tâm cả trong khuôn khổ Hiệp hội, cũng như giữa Hiệp hội với các nước ngoài khu vực ASEAN. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 9 (3/2015) ASEAN tiếp tục khẳng định đoàn kết và quyết tâm cùng nhau hợp tác xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, duy trì môi trường an ninh, ổn định cho sự phát triển của cộng đồng ASEAN. Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN (ACAMM), Hội nghị không chính thức những người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự (AMIIM), Hội nghị không chính thức Tư lệnh các lực lượng quốc phòng (ACDFIM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)… được xem là những bước khởi đầu quan trọng để ASEAN tăng cường sự phối hợp, củng cố lòng tin để hình thành các cơ chế hợp tác quốc phòng toàn diện hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới