Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóng"Tứ Sa": Chiến thuật mới của TQ ở Biển Đông?

“Tứ Sa”: Chiến thuật mới của TQ ở Biển Đông?

Trung Quốc đổi sang chiến thuật mới với khái niệm “Tứ Sa” không có nghĩa là nước này từ bỏ đường lưỡi bò.

Bản đồ cho thấy những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông

Liên quan đến những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Washington Free Beacon đưa tin, giới chức ngoại giao Trung Quốc vừa hé lộ cách diễn giải phi lý mới trong cuộc họp kín với phía Mỹ ở thành phố Boston vào ngày 28 và 29/8.

Cụ thể, Trung Quốc không còn tập trung vào cái gọi là “đường lưỡi bò”, mà chuyển sang vận dụng thủ đoạn gọi là “Tứ Sa”.

Theo giải thích của giới chức ngoại giao Trung Quốc, chiến thuật “Tứ Sa” được hiểu là bao gồm việc ngụy xưng vùng nước lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với một vùng biển rộng lớn xung quanh 4 khu vực bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Pratas ở phía bắc Biển Đông và bãi Macclesfield ở phía tây, trong đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) khẳng định ngay, không có chuyện Trung Quốc từ bỏ “đường lưỡi bò” mà chuyển sang “Tứ Sa”.

Theo đó, Bắc Kinh vẫn giữ yêu sách “đường lưỡi bò” và họ trưng ra chiến thuật “Tứ Sa” là để hỗ trợ cho đòi hỏi phi lý “đường lưỡi bò”, chứ nó không hề thay thế cho đường lưỡi bò. Đây thực chất chỉ là một thủ thuật ngoại giao của Trung Quốc sau khi bị dư luận phản bác về “đường lưỡi bò”.

Ngày 12/7/2016, tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982 ở La Hay đưa ra phán quyết bác bỏ toàn bộ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Đây là tòa quốc tế của Liên hợp quốc và Trung Quốc là một bên tham gia vào Công ước nên không thể nói rằng phán quyết của tòa trọng tài là không có giá trị, không liên quan đến Trung Quốc.

Chính vì thế, sau phán quyết của tòa trọng tài cũng như phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế về yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc phải tìm cách giảm gam độ nói về yêu sách này. Và thực tế, từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã giảm hẳn gam độ, đặc biệt là về tuyên truyền đối ngoại”, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ.

Đối với chiến thuật mới “Tứ Sa”, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Trung Quốc muốn ngụy xưng vùng nước lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Và nếu như vậy, toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc.

“Đó là cách diễn đạt mới để độc chiếm, khống chế Biển Đông. Mục đích cuối cùng của Trung Quốc không thay đổi”, Thiếu ttướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Từ đây, vị chuyên gia về quan hệ quốc tế phân tích với chiến thuật mới, Trung Quốc càng bộc lộ vi phạm luật pháp quốc tế.

“Trường Sa không có đảo. Ở Trường Sa có 43 địa vật. Tòa trọng tài kết luận rằng, 43 địa vật ở Trường Sa, tất cả đều thuộc loại nửa chìm, nửa nổi (khi thủy triều lên thì chìm dưới nước, khi thủy triều xuống thì nổi trên mặt dưới); hoặc là đá (thủy triều lên  vẫn nổi). Không có một địa vật nào được xác định là đảo.

Các địa vật muốn đạt tiêu chuẩn đảo phải đạt hai điều kiện: khi thủy triều lên cao bao nhiêu cũng nổi mặt nước; có đầy đủ điều kiện tự nhiên cho con người sinh sống mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

“Tứ Sa” mà Trung Quốc đưa ra không có cái nào là đảo, họ làm gì có quyền bao chiếm 200 hải lý và gọi đó là vùng đặc quyền kinh tế?!

Trung Quốc cũng gọi đấy là vùng nước lịch sử, nhưng thực tế họ không hề có. Trong công ước Luật Biển năm 1982 không có vùng nước lịch sử. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, một vùng nước được gọi là vùng nước lịch sử mà các nước thừa nhận phải thỏa mãn 4 điều kiện:

Thứ nhất, vùng nước ấy không nằm trên trục đường hàng hải quốc tế. Biển Đông lại là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và 1/3 hàng hóa dịch vụ thế giới đi qua đây. Như vậy, ngay ở tiêu chí thứ nhất, Trung Quốc đã không thỏa mãn.

Thứ hai, cấu tạo địa chất, địa tầng, thủy văn ở đấy phải gắn với vùng đất liền của nước sở tại (tức là của nước ven biển đó). Ở tiêu chí này, Biển Đông không quan hệ gì với Trung Quốc.

Thứ ba, bản thân nước ven biển này có quá trình quản lý và thực thi chủ quyền ở vùng nước này. Trung Quốc chưa bao giờ quản lý và làm chủ khu vực Biển Đông.

Thứ tư, vùng nước lịch sử phải có vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đối với quốc gia sở tại. Tiêu chí này Trung Quốc cũng không thỏa mãn.

Do đó, chỗ ẩn nấp cuối cùng của Trung Quốc, nơi họ nói với thế giới về vùng nước lịch sử hoàn toàn bị bác bỏ”.

Nhấn mạnh, cái gọi là “Tứ Sa” mà Trung Quốc trưng ra không hề có ý nghĩa gì, đặc biệt khi tham chiếu vào hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại, Thiếu tướng Lê Văn Cương một lần nữa nhấn mạnh, đây chỉ là một cách nói của Trung Quốc để xoa dịu dư luận quốc tế và trong chính đất nước họ.

“Đây chỉ là một bước lùi chiến thuật của Trung Quốc và những người hiểu biết luật pháp quốc tế không thể bị lừa, với Mỹ lại càng không. Lập trường nhất quán của Mỹ trước nay là các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tuy nhiên, sẽ vẫn có những người tin lời Trung Quốc. Đó là những người không hiểu biết, những nơi được Trung Quốc đầu tư lớn, viện trợ không hoàn lại…”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới