Không thể phủ nhận có máy bơm nước thì sẽ giảm ngập, nhưng xóa ngập triệt để là điều không thể.
Sai về khoa học
Ngày 2/10, TPHCM đã ký hợp đồng thuê “siêu” máy bơm để chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh với mức tiền 12 tỷ đồng/năm, trước thông tin trên, chia sẻ với Đất Việt, ngày 3/10, TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng đây là việc làm sai lầm, không phải giải pháp cơ bản, sai hoàn toàn về khoa học.
Cụ thể, ông Phúc phân tích: “Thứ nhất, dùng máy bơi tới 190.000m3/h, ống để xả nước phải có đường kính 3m, làm sao có được đường ống này, tưởng tượng nó cao gần bằng trần nhà chung cư, ô tô đi vào vừa. Hơn nữa đường ống đó sẽ đặt ở đâu trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh để dẫn nước của chiếc máy bơm khủng đó ra ngoài?
Làm đường ống này giá thành sẽ đắt hơn các loại hình khác rất nhiều, trong khi làm chống ngập thì họ phải để cho cống rãnh thoáng, đó mới là mấu chốt.
Thứ hai, bơm nước vùng trũng thì đổ vào đâu, đổ ra xung quanh tràn xuống thì sao, đổ vào cống thì dùng cống nào, nếu có cống tốt thì đã không ngập úng. Muốn bơm thì phải có đường ống, dài 10km thì làm xong tuyến này vô cùng đắt đỏ.
Thứ ba, riêng hiện nay đang làm là đường Nguyễn Hữu Cảnh, máy bơm sông Sài Gòn có hơn 100m, nếu như nước ứ ở đó thì phải làm các cống rãnh rất ngắn 100m cho nước thoát.
Tại sao làm máy bơm tính ra gần 100 tỷ đồng, cho thuê 12 tỷ đồng/năm, nếu chỗ này chỉ làm cống thoát nước khác sẽ tốt hơn, mà cũng không quá tốn kém.
Cuối cùng nói máy bơm sản xuất ra với giá 88 tỷ đồng hơn 4 triệu USD, 190.000m3/h thì giỏi lắm cũng khoảng 1 triệu USD, thậm chí không đến, tại sao thuê với giá 12 tỷ đồng, hơn nửa triệu USD, chỉ cần thuê 2 lần thì đủ tiền mua máy bơm mới”.
Hết ngập triệt để là điều không thể
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về chống ngập TPHCM cho biết: “Chúng ta không thể phủ nhận có máy bơm nước thì sẽ giảm ngập, nhưng xóa ngập triệt để là điều không thể.
Hơn nữa, máy bơm có hiệu quả nhưng hoàn toàn có thể được cải tiến để nâng cao hiệu quả hơn nữa, làm sao cho thu gom nước lại nhanh hơn, hiện nay máy bơm quá lớn so với cột nước nên sẽ có những lúc không chạy được.
Đặc biệt, công ty này đang dùng bơm ly tâm thì hiệu quả năng lượng thấp, nên chuyển sang dùng bơm đứng trục thì đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả cao hơn, nó áp dụng cho cột nước thấp”.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia trên, người dân và chính quyền cần phải hiểu rõ, năng lực của máy bơm đó chỉ có giới hạn ở những trận mưa 100mm trở xuống, còn nếu trên 100mm thì sẽ không thể hoạt động được, nên chúng ta đừng quá kỳ vọng.
Đối với các vùng trũng như Nguyễn Hữu Cảnh thì không có bơm, không có cách nào giải quyết được. Bởi vì hệ thống cống ở đây mới được xây dựng, nhưng địa hình của nó bị lún nhiều, so với thi công đã lún 5m, nên cống hoạt động rất kém.
Thành phố chọn làm ở Nguyễn Hữu Cảnh vì ở đây bức xúc nhất, nằm ở tuyến huyết mạch nhất, thay vì các chỗ xa trung tâm. Nhưng đó chỉ là một trong các giải pháp trước mắt, còn nếu muốn xử lý lâu dài thì phải làm cầu cạn để lưu thông trên đó, còn diện tích cống cũ làm khu trữ nước.
Việc hết ngập triệt để là không thể |
“Hiện các đô thị trên thế giới cũng sử dụng hình thức máy bơm chống ngập nhiều, như thủ đô Băng Kok cũng đang dùng, cả thành phố cũng thấp như đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng lớn hơn 100 lần, vì nằm trong đê. Theo tôi biết, họ lắp đặt đồng bộ tổng cộng công suất tới trên 1500m3/s, còn chúng ta chỉ là vài chục m3/s.
Hà Nội cũng thấp nằm trong đê cũng phải bơm, là vùng thấp thì bắt buộc phải bơm. Hệ thống bơm đô thị nhiều nhưng phải kết hợp với hệ thống thoát nước tự chảy.
Theo dự báo TPHCM trong tương lai sẽ cần rất nhiều bơm đô thị, có điều chọn bơm cho phù hợp, thiết kế đúng, đạt hiệu quả cao nhất.
Còn tôi đánh giá bơm hiện nay quá lớn, hiệu suất không cao, giá thành chi phí quá cao, trong khi nhu cầu không cần lớn như vậy, nếu được tư vấn thì bơm sẽ giảm kích thước và chi phí xuống 5 lần”, vị chuyên gia chỉ rõ.
Cũng theo vị chuyên gia này, có 4 giải pháp căn bản: tăng cường hệ thống thoát nước đây là chủ lực; hệ thống bao đê bảo vệ vùng trũng thấp; bơm giải quyết những chỗ ngập cục bộ, đột ngột; làm cột điều tiết để giảm bớt lượng nước tràn về.
Tùy vào thời tiết, địa hình khác nhau mà kết hợp với nhau, hoặc phối hợp cả 4 cái với nhau, do người thiết kế lựa chọn. Nhưng lộ trình làm bao đê bây giờ mới khởi động làm ở phía Nam, nên chắc phải 20 năm nữa mới hoàn thiện.