Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/10/17

Bản tin Biển Đông ngày 18/10/17

Bản tin Biển Đông ngày 18/10/2017.

Đô đốc Mỹ: Bắc Kinh cần chấm dứt các hành động gây hấn

Ngày 17/10, tờ Straits Times đưa tin Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã có bài phát biểu về “Thách thức, cơ hội và sáng kiến ở vùng biển Ấn Độ Dương-Châu Á-Thái Bình Dương” tại Chương trình giảng bài Fullerton do Viện quốc tế về Nghiên cứu chiến lược Châu Á (IISS) tổ chức, trong đó liệt kê ba thách thức mà khu vực đang phải đối mặt, đó là Triều Tiên, Trung Quốc và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS). Đô đốc Harris nhận định Trung Quốc đang xây dựng “sức mạnh chiến đấu và lợi thế vị trí” nhằm chiếm đoạt chủ quyền trên thực tế (de facto) đối với các cấu trúc biển đang tranh chấp, đồng thời phá hỏng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Ông Harris khẳng định Bắc Kinh cần phải chấm dứt “các hành động gây hấn” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Philippines và vấn đề hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông

Ngày 16/10, trang web của CSIS đăng bài viết của nghiên cứu viên Jeffey Ordaniel phân tích về việc Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines (PNOC) và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) dự định sẽ triển khai Thỏa thuận năm 2006 về thăm dò khí đốt tại khu vực phía Đông của Biển Đông. Tác giả nhận định tuy Thỏa thuận nhắc nhiều đến việc thúc đẩy quan hệ song phương nhưng không thực sự cho thấy có sự thay đổi nào trong cách tiếp cận của Trung Quốc. Dường như Bắc Kinh vẫn phớt lờ Phán quyết tháng 7/2016 của Tòa trọng tài. Tác giả bài viết cho rằng nếu Trung Quốc nghiêm túc trong việc ủng hộ lâu dài chủ nghĩa song phương và “gác tranh chấp, cùng khai thác”, họ phải nắm ngay lấy cơ hội này với Philippines và sử dụng những động lực hiện có để biến thỏa thuận thành hiện thực. Điều này có nghĩa là sẽ phải có các hoạt động cùng thăm dò thực sự tại khu vực bên trong đường chín đoạn, tức là đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp và tuân thủ luật quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên Philippines chấp nhận đề xuất hợp tác cùng phát triển tại khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, để tránh lặp lại những thất bại trước đây, cả Philippines và Trung Quốc cần phải rút ra một số bài học và điều chỉnh cách tiếp cận của mình. Cụ thể: (i) Manila và Bắc Kinh phải từ bỏ ngay kiểu ngoại giao bí mật; (ii) cả hai bên phải phân biệt việc giải quyết tranh chấp với mối quan hệ kinh tế tổng thể; (iii) việc hợp tác cùng phát triển phải được bắt đầu tại các khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế tính từ đường cơ sở của mỗi nước nhưng lại nằm bên trong đường chín đoạn. Với Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài, điều này sẽ đảm bảo không bên nào vi phạm nội luật của bên nào mà vẫn tuân thủ Công ước Luật Biển 1982.

Thực tế, cũng có ý kiến trái chiều xung quanh việc Philippines và Trung Quốc thỏa thuận triển khai hợp tác cùng phát triển. Theo tin từ ABS-CBN News ngày 17/10/2017, cựu cố vấn pháp luật Florin Hilbay của Philippines đã phát biểu cho rằng việc triển khai hợp tác cùng thăm dò với Trung Quốc có thể là một “phần mềm virus ác tính” sẽ hạ thấp các yêu sách biển của Manila. Ông Hilbay cho rằng điều này đồng nghĩa với việc ngầm loại trừ đặc quyền của Philippines và coi Trung Quốc có các quyền tương đương ở khu vực dự định tiến hành hợp tác thăm dò khí đốt, đi ngược lại Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài mà Philippines cũng như cộng đồng quốc tế phải vất vả mới giành được chiến thắng. Ông Hilbay đã bày tỏ sự thất vọng và giận dữ với quyết định nói trên của chính quyền Tổng thống Duterte.

RELATED ARTICLES

Tin mới