Monday, January 13, 2025
Trang chủĐiểm tinMỹ dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, TQ lo ngay...

Mỹ dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, TQ lo ngay ngáy

Việc TT Trump tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt mới và đe dọa sẽ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vô hình trung lại ảnh hưởng tới quan hệ giữa Iran và Trung Quốc.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang kêu gọi Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được vào năm 2015, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, đồng thời đe doạ sẽ xóa bỏ thỏa thuận này.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu (13/10), ông Trump từ chối xác nhận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời cáo buộc Tehran đã “vi phạm nhiều lần” thỏa thuận này mặc dù các thanh sát viên quốc tế thông báo rằng nước này đã tuân thủ.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), các hành động của Tổng thống Mỹ đã đe dọa đến thỏa thuận nhằm giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, vốn được Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh đàm phán, đi đến thống nhất để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran.

Tờ này nhận định, điều đó có thể làm mất ổn định tình hình kinh tế và an ninh ở Iran, nước có mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc.

Hai nước này có quan hệ chặt chẽ với nhau về kinh tế, thương mại và năng lượng, trong đó Trung Quốc dựa vào nguồn dầu nhập khẩu từ Iran, còn Tehran trông chờ vào các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là từ các kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thương mại trong kế hoạch sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Dưới đây là một vài mối liên hệ về kinh tế chính giữa Tehran và Bắc Kinh:

Thương mại song phương

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Iran nhờ xuất khẩu lượng lớn khí gas và dầu mỏ. Nước này đã nhập khẩu 3,34 triệu tấn dầu từ Iran vào tháng Tám – mức cao nhất kể từ năm 2006.

Trong chuyến thăm Iran kể từ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý kế hoạch 25 năm nhằm tăng cường thương mại song phương với Iran gấp hơn 10 lần, lên tới 600 tỷ USD trong thập kỷ tới. Iran là nước nhập khẩu thực phẩm chủ yếu, trong khi dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu.

“Tình hữu nghị Trung Quốc-Iran… đã đứng vững trước những thăng trầm của bối cảnh quốc tế”, ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu vào thời điểm đó.

Các dự án năng lượng

Các công ty Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án năng lượng lớn ở Iran, bao gồm phát triển các mỏ dầu khổng lồ ở Yadavaran và North Azadegan. Vào tháng 7, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã nắm giữ 30% cổ phần trong một dự án phát triển South Pars ở Iran – mỏ khí đốt thiên nhiên lớn nhất trên thế giới.

Bắc Kinh cũng ký hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để giúp nâng cấp các nhà máy lọc dầu của Iran vào tháng Giêng năm nay. Dự án này bao gồm hợp đồng giữa Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn dầu khí quốc gia Iran để mở rộng nhà máy lọc dầu Abadan của Iran, vốn đã có hơn 100 năm tuổi.

Các dự án Vành đai và con đường

Với vị trí địa lý là một điểm then chốt trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Iran đã trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mở rộng của Bắc Kinh. 

Một dự án quan trọng là tuyến đường sắt cao tốc trị giá 2,56 tỷ USD từ Tehran đến thành phố Đông Bắc Mashhad, trong đó, Trung Quốc cung cấp khoản vay trị giá 1,6 tỷ USD để cấp điện cho tuyến đường dài 926km. Đây là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho biết, ngân hàng này đã tài trợ cho 26 dự án ở Iran, cung cấp khoản vay khoảng 8,5 tỷ USD.

Các công ty Trung Quốc đã tham gia xây dựng đường cao tốc, khai thác khoáng sản và sản xuất thép ở Iran.

Tập đoàn Bảo hiểm Xuất khẩu và Tín dụng Trung Quốc (Sinosure) cũng đã ký một bản ghi nhớ với Iran vào tháng 5 để giúp các công ty Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở Iran.

RELATED ARTICLES

Tin mới