Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóng5 tháng đã 4 lần "tuần tra Biển Đông", Mỹ thực sự...

5 tháng đã 4 lần “tuần tra Biển Đông”, Mỹ thực sự thách thức TQ?

Chỉ trong 5 tháng, hải quân Mỹ đã tiến hành tới 4 cuộc tuần tra ở Biển Đông. Hành động của Mỹ cho thấy, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực sự thách thức những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Chafee của hải quân Mỹ.

Sau 7 tháng bị gián đoạn và mới được khôi phục từ tháng Năm năm nay, hồi tuần trước, Mỹ đã tiến hành hoạt động tuần tra “nhằm mục đích đảm bảo tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông lần thứ tư. Nghĩa là chỉ trong vòng 5 tháng, Mỹ đã tiến hành tới 4 cuộc tuần tra gần các khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Theo Reuters, trong đợt tuần tra hôm 10/10, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ mang tên USS Chafee đã hoạt động gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.

Dẫn lời giới chức Mỹ, Reuters cho hay tàu USS Chafee đã “thực hiện hoạt động tuần tra thông thường” nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền đơn phương và trái pháp luật ở Biển Đông.

Mặc dù, giới chức Mỹ không chỉ cụ thể tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông do nước nào công bố nhưng khả năng giới chức Mỹ muốn nhắm tới Trung Quốc, quốc gia đang có những hành động trái phép mở rộng chủ quyền ở Biển Đông như xây dựng đảo nhân tạo và nhiều công trình kiên cố ở vùng biển chiến lược này.

Phản ứng trước cuộc tuần tra mới nhất của Mỹ ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc đã điều động 2 chiến đấu cơ cùng một trực thăng và các tàu chiến mặt nước “bám đuôi” tàu khu trục USS Chafee đồng thời yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

“Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ có hành động sửa chữa sai lầm”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh và cảnh báo Trung Quốc sẽ cải thiện năng lực bảo vệ an ninh cũng như khả năng chống hạm trong khu vực.

Chỉ sau một ngày hải quân Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải. Trung Quốc hối thúc Mỹ thật lòng tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, thật lòng tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông đồng thời chấm dứt những hành động sai lầm”.

Còn theo tạp chí Diplomat, việc chỉ trong vòng 5 tháng, hải quân Mỹ đã tiến hành 4 cuộc tuần tra ở Biển Đông cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tăng tuần suất tuần tra ở vùng biển chiến lược này. 

Bởi sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng chương trình FONOP vào tháng 10/2015 để thách thức tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), hải quân Mỹ mới chỉ tiến hành có 3 cuộc tuần tra trong năm 2016.

Những lời chỉ trích về cách tiếp cận của chương trình FONOP ở Biển Đông mà chính quyền cựu Tổng thống Obama thi hành cho rằng hành động của Mỹ ở Biển Đông chỉ mang tính thất thường và chỉ làm xấu thêm quan hệ giữa hai nước. 

Ngay cả việc chính quyền của Tổng thống Trump đẩy mạnh FONOP trong năm nay cũng bị xem là không thể làm thay đổi nền tảng chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Nói cách khác, chính quyền Mỹ vẫn “mập mờ” về việc công nhận các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và chỉ chú trọng vào việc tiến hành tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như duy trì các quy định và luật pháp quốc tế ở vùng biển này.

Điển hình, sự kiện tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Dewey của hải quân Mỹ tiến hành FONOP trên Biển Đông hồi tháng Năm quanh bãi Vành Khăn vẫn không thể thu hút sự chú ý từ giới báo chí, dù đây là cuộc tuần tra ở Biển Đông lần đầu tiên dưới thời của Tổng thống Trump. 

Không ít chính trị gia Mỹ cho rằng, đây không phải là một sự kiện nổi bật gì mà đơn thuần là việc Mỹ phải làm ở Biển Đông để thể hiện hải quân Mỹ vẫn hiện diện trong khu vực cũng như vẫn duy trì cam kết đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Theo Diplomat, trên thực tế, việc hải quân Mỹ tăng cường tần suất tuần tra Biển Đông đã gây ra không ít quan ngại cho mối quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ. Song nhiều khả năng, sau chuyến thăm đầu tiên tới một số nước châu Á bao gồm cả Trung Quốc của Tổng thống Trump vào tháng 11 tới, hải quân Mỹ sẽ lại tiếp tục tiến hành FONOP ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới