Tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đưa ra 3 thời gian biểu xây dựng quân đội. Điều này được cho là tìm cách khắc phục điểm yếu, nhất là về khả năng chiến đấu thực tế.
Ngày 26/4/2017, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A. Ảnh: Cankao
Theo hãng tin CNA Đài Loan ngày 22/10, trong Báo cáo chính trị trình Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chỉ ra mục tiêu xây dựng quân đội: “Kiên trì đi con đường xây dựng quân đội hùng mạnh đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy toàn diện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội”.
Ông Tập Cận Bình còn đưa ra 3 thời gian biểu cho con đường xây dựng của quân đội Trung Quốc: Một là bảo đảm đến năm 2020 cơ bản thực hiện xây dựng cơ giới hóa, thông tin hóa đạt được tiến triển quan trọng, năng lực chiến lược tăng mạnh.
Hai là tranh thủ đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội. Ba là đến giữa thế kỷ 21 xây dựng thành công quân đội Trung Quốc thành quân đội hàng đầu thế giới.
Nhìn lại sự phát triển mấy năm gần đây của quân đội Trung Quốc, sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã ra sức chỉnh đốn quân đội, việc cải cách thể chế quân sự do ông chỉ đạo chắc chắn là một cuộc cải cách toàn diện và sâu sắc nhất trong lịch sử quân đội Trung Quốc.
Phương hướng chỉnh đốn của quân đội Trung Quốc cơ bản được chia ra thành “từ cổ trở lên” và “từ cổ trở xuống”. Việc chỉnh đốn “từ cổ trở lên” chủ yếu là cải cách 4 Tổng bộ (Bộ Tổng tham mưu, Tổng bộ Chính trị, Tổng bộ Hậu Cần và Tổng bộ Trang bị) trước đây thành 15 cơ quan Quân ủy.
Trong khi đó, việc tiến hành cải cách, chỉnh đốn “từ cổ trở xuống” đặt trọng điểm vào cải cách biên chế và số lượng nhân sự cùng với cải thiện cơ cấu, điều chỉnh quy mô.
Về cơ bản, cải cách “từ cổ trở xuống” phân chia Trung Quốc Đại lục thành 5 chiến khu gồm Chiến khu miền Đông, Chiến khu miền Tây, Chiến khu miền Nam, Chiến khu miền Bắc, Chiến khu Trung tâm; thành lập thêm 2 quân chủng mới là lực lượng tên lửa và lực lượng chi viện chiến lược.
Ngoài ra, có 84 đơn vị của quân đội Trung Quốc được điều chỉnh, thành lập mới, bao gồm 18 tập đoàn quân trước đây được cải tổ thành 13 tập đoàn quân, sử dụng phiên hiệu mới từ 71 đến 83.
Theo đánh giá của bình luận viên Đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông, ông Tống Trung Bình, toàn bộ cải cách thể chế quân sự của Đại lục còn chưa kết thúc, còn cần có thời gian cọ xát thì mới có thể thực sự nâng cao năng lực tác chiến.
Chuyên gia Hồng Kông Hứa Trinh cho rằng mặc dù quân đội Trung Quốc đã hoàn thành cải cách thể chế, hơn nữa mấy năm gần đây cũng sở hữu không ít vũ khí tiên tiến, làm cho người ta cảm thấy đã rất mạnh, nhưng e rằng còn cần có thời gian thích ứng.
Theo chuyên gia này, những cải cách mới nhất làm cho quân đội Trung Quốc hoàn toàn khác với biên chế trước đây. Sự thay đổi lớn như vậy cần có một khoảng thời gian thích ứng và hoàn thiện.
Ngoài ra, về phần cứng, mặc dù quân đội Trung Quốc mấy năm gần đây có không ít vũ khí tiên tiến đưa vào trang bị, nhưng những vũ khí này muốn sử dụng được thuận lợi và đưa vào chiến đấu thì cũng cần thời gian luyện tập.
Vì vậy, Hứa Trinh cho rằng các mục tiêu trên được ông Tập Cận Bình trình bày trong Báo cáo chính trị có tính khách quan và hợp lý.
Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Lưu Tư Lộ cho rằng cải cách lần này làm cho thể chế của quân đội Trung Quốc có sự thay đổi mang tính căn bản, chủ yếu là đã làm thay đổi thể chế kiểu Liên Xô cũ, đã đưa vào mô hình quân đội Mỹ.
Ông cho rằng trước đây quân đội Trung Quốc áp dụng mô hình quân đội của Liên Xô, hệ thống chỉ huy tác chiến được hạ đạt từng cấp từ trên xuống dưới, chẳng hạn “4 Tổng bộ” chỉ huy các đại quân khu, các đại quân khu chỉ huy quân khu dã chiến, sau đó rồi đến sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn… Nhưng, từ lâu, ngay cả Nga cũng đã từ bỏ hệ thống chỉ huy tác chiến kiểu cũ này.
Lưu Tư Lộ cho rằng sau khi tiếp thu hệ thống chỉ huy tác chiến kiểu Mỹ, quân đội Trung Quốc cũng cần có thời gian để thích ứng và cải thiện.
Theo phân tích, điều quan trọng nhất trong cuộc cải cách lần này của quân đội Trung Quốc là các chiến khu trực tiếp chỉ huy tiền tuyến đánh trận, không giống như hạ đạt mệnh lệnh từng cấp như trước. Điều này lại liên quan đến vấn đề cơ giới hóa và thông tin hóa của quân đội.
Lưu Tư Lộ cho rằng theo tiêu chuẩn của quân đội Mỹ và Nga, cơ giới hóa là không có bộ binh, đều là triển khai cơ động. Trên phương diện này, quân đội Trung Quốc chỉ có thể triển khai miễn cưỡng, còn phải chờ được tiến hành cải thiện.
Vì vậy, ông Tập Cận Bình đặt mục tiêu cơ bản xây dựng cơ giới hóa và thông tin hóa trong 3 năm tới, đây là điều bình thường.
Ông còn cho biết trên phương diện thông tin hóa, Trung Quốc và Mỹ cách xa nhau, một quân nhân Mỹ có thể liên hệ với trung tâm chỉ huy tác chiến, mức độ thông tin hóa cao, đến nay quân đội Trung Quốc chưa theo kịp. Vì vậy sau khi chỉnh đốn, cải cách và sở hữu hàng loạt vũ khí tiên tiến, quân đội Trung Quốc còn cần rất nhiều thời gian để thích ứng thì mới có thể đạt được trình độ của Mỹ.
Đối với cải cách của quân đội Trung Quốc, Hứa Trinh và Lưu Tư Lộ đều cho rằng quân đội Trung Quốc đã lâu không tiến hành chiến đấu thực tế. Đây là vấn đề lớn nhất của họ. Vì vậy, trong tương lai, quân đội Trung Quốc có tìm cách tiến hành một “cuộc chiến thực tế” hay không để thử nghiệm thể chế mới và hiệu quả của vũ khí, đạt được mục tiêu xây dựng quân đội hùng mạnh thì còn phải chú ý quan sát.