Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngTham vọng UAV ở Biển Đông của TQ

Tham vọng UAV ở Biển Đông của TQ

Trung Quốc liên tục tung ra những loại máy bay không người lái đa năng có thể dùng phục vụ cho hoạt động phi pháp ở Biển Đông.

 

 

Gần đây, Trung Quốc lần lượt công bố 2 mẫu máy bay không người lái (UAV) mới, có thể phục vụ cho các hoạt động ở Biển Đông. Theo tờ China Daily, Công ty UVSIS ở Thượng Hải tung ra thủy phi cơ không người lái U650 và quảng cáo là có thể vận hành suốt 15 giờ (vận tốc 180 km/giờ), tầm bay 2.000 km và chở được 250 kg hàng hóa.

Trong tương lai, U650 có thể phục vụ trong các chiến dịch trinh sát hoặc thậm chí là không kích “nhờ khả năng mang theo radar, thiết bị dò tìm bằng sóng âm hoặc tên lửa”. Ông Liễu Giang Đông, nhà sáng lập UVSIS, tuyên bố UAV có thể nổi trên mặt nước để dò tìm tàu ngầm và di chuyển nhanh chóng đến vị trí khác.

Sau đó, đến lượt Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật vật lý (ET) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công máy bay AT200 có thể chở 1,5 tấn hàng với tầm bay 2.000 km. Tân Hoa xã dẫn thông cáo của ET viết UAV AT200 có thể hạ cánh xuống đường băng dài chỉ 200 m, bãi cỏ hoặc khu đất trống tại các căn cứ quân sự. Đáng lưu ý, các kỹ sư thuộc chương trình phát triển AT200 tuyên bố máy bay có thể xuất phát từ đảo Hải Nam đến các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của VN trong 1 giờ, đến bãi cạn tranh chấp Scarborough trong 3 giờ và mất 4 giờ để đến những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.

Các quan chức Mỹ cho biết khu trục hạm USS Chafee tuần tra “rất gần” quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

 

Theo giới quan sát, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển UAV nhằm phục vụ mưu đồ chuyển hàng tiếp tế, thiết bị quân sự đến các cơ sở phi pháp trên Biển Đông một cách nhanh chóng, cơ động và trong tương lai, có thể tiến tới trang bị vũ khí cho máy bay. Tờ South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Kelvin Wong thuộc chuyên san quốc phòng IHS Jane’s nhận định U650 có thể tiến hành sứ mạng trinh sát và phục vụ hậu cần quân sự tại những khu vực không có đường băng, nhất là những đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Tổ chức Nghiên cứu Project 2049 Institute (Mỹ) cho biết ít nhất 4 loại UAV (ASN-209, BZK-005, GJ-1 và S-100) của không quân Trung Quốc đang hoạt động thường xuyên ở Biển Đông và Hoa Đông. Trong số này, có 3 UAV nội địa còn chiếc S-100 do công ty Áo Schiebel sản xuất. Project 2049 kết luận UAV trở thành công cụ mới để tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại 2 vùng biển này.

Không chỉ dừng lại ở chức năng hậu cần hay trinh sát, Trung Quốc còn đang ưu tiên phát triển công nghệ bầy đàn UAV, tức hệ thống kết hợp điều khiển nhiều máy bay “được trang bị vũ khí, tên lửa phối hợp không kích bất ngờ cùng lúc, đánh nhanh rút gọn”, theo chuyên gia Vasily Kashin thuộc Đại học HSE của Nga. Hồi tháng 6, Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc đã công bố dự án phát triển UAV bầy đàn với 119 máy bay nhỏ.

Ngoài UAV, Trung Quốc vào tháng 7 đã thả hàng chục thiết bị lặn tự hành (UUV) xuống Biển Đông nhằm “nghiên cứu khoa học”. Tuy nhiên, các nguồn tin tình báo và giới chuyên gia cho rằng số UUV này có thể theo dõi và truyền phát dữ liệu trực tiếp về vị trí tàu ngầm. Đáng chú ý, Bắc Kinh triển khai UUV ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn cho hải quân tăng cường tuần tra đảm bảo tự do hàng hải nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới