Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ thầm lặng theo đuổi ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên

Mỹ thầm lặng theo đuổi ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên

Mỹ đang theo đuổi chính sách ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên, dù Tổng thống Trump nói nỗ lực này chỉ phí thời gian.

Sử dụng cái gọi là “kênh New York”, Joseph Yun, nhà đàm phán Mỹ, đã liên hệ với các nhà ngoại giao phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc vào thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên liên tục công kích lẫn nhau, làm dấy lên lo ngại xảy ra xung đột, Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói ngày 31/10.

Bình luận cho thấy Mỹ đang thảo luận trực tiếp với Triều Tiên về nhiều vấn đề, không chỉ riêng việc thả công dân Mỹ bị bắt, bất chấp Tổng thống Donald Trump cho rằng đối thoại trực tiếp chỉ phí thời gian. Một số quan chức Mỹ và Hàn Quốc còn nói tương tác giữa Yun và phía Triều Tiên bị hạn chế.

“Các tương tác không bị giới hạn, cả về tần suất và bản chất”, theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Một trong những vấn đề Yun nêu với các nhà đàm phán Triều Tiên là “ngừng thử” hạt nhân và tên lửa.

Khi Tổng thống Trump vừa nhậm chức, Yun bị giới hạn chỉ tìm cách để các tù nhân Mỹ được thả. “Giờ là vấn đề lớn hơn”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm, từ chối tiết lộ Yun có thẩm quyền đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên hay không.

Triều Tiên năm nay thử hạt nhân lần 6, uy lực nhất từ trước đến nay, và phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra biển Nhật Bản. Các tên lửa nếu được phát triển đầy đủ sẽ có tầm bắn tới Mỹ.

“Kênh New York” là một trong số ít cầu nối giúp Mỹ liên lạc với Triều Tiên. Lần tiếp xúc cấp cao gần nhất giữa Yun và giới chức Triều Tiên là vào tháng 6, khi ông tới Bình Nhưỡng để đảm bảo sinh viên Mỹ Otto Warmbier, trong tình trạng hôn mê, được thả về nước. Warmbier qua đời sau đó vài ngày tại quê nhà.

Washington đang kêu gọi Bình Nhưỡng thả ba công dân Mỹ còn lại, gồm nhà truyền giáo Kim Dong-chul, hai học giả Tony Kim và Kim Hak-song.

Cái chết của Warmbier cùng các đợt thử nghiệm của Triều Tiên là yếu tố khiến liên lạc Mỹ – Triều Tiên nguội lạnh. Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ “muốn kết thúc mọi chuyện bằng giải pháp ngoại giao, không muốn chiến tranh”.

Về mặt ngoại giao, “còn có nhiều việc cần làm”, theo quan chức trên. Những lời đe dọa từ ông Trump nhằm vào Triều Tiên được cho là đã khiến nỗ lực ngoại giao thêm phức tạp.

RELATED ARTICLES

Tin mới