Monday, January 6, 2025
Trang chủĐàm luận“Tứ giác kim cương” tác động gì đến Việt Nam?

“Tứ giác kim cương” tác động gì đến Việt Nam?

Hôm cuối tháng `10, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tuyên bố sẽ ưu tiên xây dựng quan hệ đối tác với Ấn Độ hơn là với Trung Quốc. Đây có thể coi là sự xoay trục mới trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 24 – 26/10, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu quan trọng, đó là quan hệ Mỹ – Ấn phần nào đã có tính chất “đồng minh”. Ông Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng cung cấp “công nghệ tốt nhất” cho Ấn Độ tiến hành hiện đại hóa quân sự, trong đó bao gồm việc bán máy bay chiến đấu F-16 và F-18, bán máy phóng điện từ (lắp trên tàu sân bay) cho Ấn Độ.

Có thể nói chính quyền của ông Trump đã xác định một nội hàm quan trọng của chính sách châu Á-Thái Bình Dương. Nội hàm đó là xây dựng, thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, coi như là một trọng tâm của chiến lược đối ngoại của chính quyền mới.  

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính sách với Ấn Độ sẽ quan trọng hơn chính sách đối với Trung Quốc. Bởi vì ở châu Á-Thái Bình Dương, chính sách đối với Trung Quốc vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất. Khi nói sẽ coi trọng quan hệ với Ấn Độ hơn quan hệ với Trung Quốc phải hiểu đây là sự nhấn mạnh về tập hợp lực lượng về liên minh, đồng minh. Bởi Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực vòng cung Ấn-Thái. Còn ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ vẫn coi chính sách đối với Trung Quốc là điểm nhấn quan trọng nhất.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói rằng, Mỹ muốn 4 nước chủ chốt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia như những mỏ neo giữ cho khu vực châu Á được hòa bình, ổn định.  Có thể coi đây là bước đi mới để thu hút Ấn Độ vào một trục mới, một liên minh mới để kiềm chế, kiểm soát Trung Quốc.

Vấn đề “tứ giác kim cương” (4 nước chủ chốt) đã được đề cập từ thời chính quyền Obama. Nhưng lần này có sự nhấn mạnh mới như thế, đấy là điểm rất đáng lưu ý và quan trọng của chính quyền Trump đối với châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách đối với châu Á-Thái Bình Dương về cơ bản đã định hình những hướng ưu tiên của chính quyền Trump.

Trong bối cảnh đó Việt Nam cần phải hành động. Việt Nam có vị trí địa chiến lược rất quan trọng. Đồng thời, ở nơi này Mỹ có nhiều lợi ích, trong đó có việc đảm bảo thông thương hàng hải. Và những hoạt động gần đây của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông còn cho thấy Mỹ rất chú trọng đến cuộc đối đầu về tàu ngầm ở đây. Bởi vì Biển Đông là nơi Trung Quốc ẩn giấu những lực lượng tàu ngầm chiến lược của họ.

Hơn bao giờ hết Việt Nam phải bình tĩnh, tham gia vào việc tập hợp lực lượng theo hướng bảo vệ tự do hàng hải và thông qua đó bảo vệ chủ quyền biển và các quyền lợi an ninh biển của Việt Nam.

Đến hiện tại trên Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy biên giới biển của nước này ra khoảng hơn 1.000 cây số về phía nam Biển Đông. Điều này đang tạo nên  tình hình phức tạp trong tương quan lực lượng các nước trên Biển Đông. Vì vậy Việt Nam phải bình tĩnh, tham gia vào sự tập hợp lực lượng theo hướng bảo vệ tự do hàng hải, thông qua đó bảo vệ chủ quyền biển và các quyền lợi an ninh biển của nước mình.

Việt Nam sẽ không đi với nước này để chống nước kia, cũng không cho nước này sử dụng căn cứ quân sự để chống nước kia. Nhưng cần sử dụng tất cả các đòn bảy chiến lược và chiến thuật mình có để nâng cao năng lực bảo vệ an ninh quốc gia, với những liên kết rất linh hoạt và đa dạng. Và như vậy Việt Nam cần có sự tính toán và những bước đi rất khó khăn để cân bằng giữa các nước lớn và để bảo vệ lợi ích của mình.

Khi hai “con hổ”Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược ở khu vực này càng ngày càng gay gắt, các nước nhỏ và vừa ở khu vực đều phải có tính toán như thế nào cho phù hợp. Với việc Trung Quốc xây dựng xong 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, cùng với sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc ở Campuchia, sự hiện diện ngày càng mạnh ở Lào, thì rõ ràng Bắc Kinh đang bao vây chiến lược đối với Việt Nam.

Đã từ lâu có tình huống xảy ra trong ngọai giao: một số nước đi với Mỹ về an ninh, đi với Trung Quốc về kinh tế. Nhưng hiện tại, khi Tổng thống Trump tuyên bố nước Mỹ trên hết và có những chính sách quay về củng cố bên trong nước Mỹ, đã  tác động lớn đến tính toán chiến lược và chiến thuật của tất cả các quốc gia ở khu vực Đông Á.  

Trong tình hình đó, Việt Nam phải có những động thái, đối sách thích hợp. Trong đó cân bằng quan hệ với các nước lớn cũng là một phương pháp mà các nước nhỏ và vừa cần phải thực hiện trong điều kiện hiện nay. Tới đây, trong năm 2018 Việt Nam sẽ đón tiếp tàu sân bay Mỹ tới một cảng của Việt Nam.

Chi tiết này về phía Mỹ, có thể họ muốn khẳng định sự hiện diện đương nhiên ở khu vực Biển Đông. Còn Việt Nam cũng chú ý thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Cho nên Việt Nam nhất định sẽ hoan nghênh tàu sân bay của Mỹ vào thăm các cảng biển chiến lược của Việt Nam.  Đó là nhận thức phù hợp với thực tế của tình hình ở trên biển, đồng thời cũng phù hợp với sự phát triển, nâng cao chất lượng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Không chỉ có thế, Việt Nam cũng sẵn sàng mở các cảng biển chiến lược của mình để đón các tàu có vai trò lớn của các nước khác. Điều đó thể hiện Việt Nam không chỉ chủ trương đa dạng hóa về chính sách đối ngoại mà còn đa dạng hóa về các quan hệ an ninh.

RELATED ARTICLES

Tin mới