Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Trần Hiểu Đông loan báo lãnh đạo hai nước đã có những cuộc thảo luận “sâu rộng và thẳng thắn” về các vấn đề hàng hải.
Hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông qua những cuộc thảo luận hữu nghị, một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc ngày 3/11 tuyên bố, sau những tranh cãi gay gắt hồi mùa hè năm nay giữa hai nước.
Từ lâu hai nước luôn đối đầu về thủy lộ chiến lược với số lượng hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỉ đô la qua lại mỗi năm. Việt Nam nổi lên như một đối thủ lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hàu hết biển Đông.
Vào tháng 8/2017 hai nước dự kiến tổ chức cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao bên lề một hội nghị khu vực tại Manila, thế nhưng cuộc gặp đã bị hủy bỏ do những tranh cãi gay gắt về việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa Biển Đông và xây các đảo nhân tạo.
Thế rồi Bắc Kinh đã khéo léo chuyển hướng. Các mối quan hệ đã trở lại đúng hướng. Một vị lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc: Hai Đảng cộng sản hai nước “cùng chia sẻ số phận”. Tuần qua Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các giới chức cao cấp Việt Nam tại Hà Nội và được đón tiếp trọng thị.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Trần Hiểu Đông, lãnh đạo hai nước đã có những cuộc thảo luận “sâu rộng và thẳng thắn” về các vấn đề hàng hải. “Các bên đã đạt được sự đồng thuận quan trọng. Cả hai phía sẽ tuân theo nguyên tắc tham khảo thân thiện và đối thoại để cùng nhau quản lý và kiểm soát những tranh chấp trên biển, và bảo vệ bức tranh lớn về mối quan hệ đang phát triển Việt-Trung và ổn định tại Biển Đông”.
Cũng theo Trợ lý Trần, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á muốn và có thể tự giải quyết vấn đề Biển Đông. Điều này rõ ràng ám chỉ Mỹ. Những nhận định của Mỹ về tranh chấp Biển Đông và các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ trên thủy lộ này làm Trung Quốc tức giận. Bên cạnh đó, Trung Quốc dường như không hài lòng trước những nỗ lực của Việt Nam “huy động” các nước Đông Nam Á can dự vấn đề Biển Đông, cũng như các mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng của Hà Nội với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Gần đây theo dõi qua những hình ảnh vệ tinh thấy rằng Trung Quốc tiếp tục xây dựng và lấy đất lấn biển tại Biển Đông. Điều chắc chắn rằng hành động của họ sẽ mạnh mẽ hơn nhằm sớm xác nhận chủ quyền tại thủy lộ này. Đó là nhận xét của các nhà ngoại giao và các giới chức quân đội các nước liên quan.
Về phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngoài việc đến thăm Việt Nam dự APEC, ông cũng sẽ sang Lào. Bởi vì Lào là một quốc gia cộng sản từng nằm trong quỹ đạo chặt chẽ của Việt Nam. Hiện nay giới quan sát nhận định, Lào đang ngày càng gắn bó khăng khít với Trung Quốc. Những năm qua Lào liên tục nhận được những dự án hạ tầng cơ sở quan trọng mà Trung Quốc đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu của mình, Trung Quốc đã chú trọng hợp tác đầu tư phát triển giao thông kể cả đường bộ, đường hàng không và đường thủy dọc theo sông Mê Kông. Từ năm 2007, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tuyến đường dài 215 km, nối Trung Quốc qua cửa khẩu Bò Tèn ở tỉnh Luông Nậm Thà (Bắc Lào) thông sang Thái Lan qua Huội Xài ở phía Tây Bắc Lào. Trung Quốc thuyết phục Lào tham gia “tứ giác phát triển kinh tế” bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanma; đồng thời, kết hợp phát triển kinh tế các tỉnh miền Nam Trung Quốc.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây Trung Quốc đã đầu tư vào Lào hơn 400 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trị giá hơn 2,643 tỷ USD. Riêng trong năm 2009, Trung Quốc đầu tư vào Lào 47 dự án với số vốn đăng ký đạt trị giá 932,8 triệu USD (xếp thứ hai sau Việt Nam với 48 dự án, trị giá vốn đăng ký 1,4 tỷ USD).
Chính sách bành trướng kinh tế của Trung Quốc sang Lào gây ra những mối quan ngại lớn khi dư luận cho rằng động thái này đang kéo Lào ra khỏi mối quan hệ hữu nghị lâu đời với người láng giềng Việt Nam.
Thế nhưng, từ chối đầu tư thật là khó đối với một quốc gia còn giật gấu vá vai như Lào. Và dại gì vì “tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long” với Việt Nam mà Lào từ chối Tư bản đỏ giàu có Trung Quốc!