Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựBê bối chưa có tiền lệ: "Kẻ ngáng đường" vô duyên khiến...

Bê bối chưa có tiền lệ: “Kẻ ngáng đường” vô duyên khiến hợp tác quân sự Nga – Ấn tụt dốc!

Một vụ bê bối chưa từng có tiền lệ vừa xảy ra giữa Nga và Ấn Độ khi Moscow nghi ngờ New Delhi đưa các đại diện của Hải quân Mỹ lên tàu ngầm thuộc đề án 971I do Nga chế tạo.

Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra mà Ấn Độ thuê từ Nga. Nguồn ảnh: Hải quân Ấn Độ.

Vụ việc này đe dọa nghiêm trọng đến quá trình đàm phán về việc Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân thứ 2 từ Nga cũng như các dự án khác trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước. Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitry Rogozin, người dự định sẽ có chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 12 sẽ phải giải quyết các vấn đề với một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Nga.

Các vấn đề xung quanh tàu ngầm INS Chakra được đăng tải trên trang web Strategypage.com. Dựa theo nguồn tin này thì phía Moscow nghi ngờ rằng New Delhi đã cho phép đại diện phía Hải quân Mỹ lên tàu ngầm INS Chakra và tiếp xúc với các hệ thống bên trong mặc cho các điều khoản đã ghi trong hợp đồng thuê.

Cơ quan Liên bang về Hợp tác kỹ thuật quân sự, Tập đoàn Đóng tàu thống nhất, Công ty Xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport và ngay cả đại sứ quán Ấn Độ tại Moscow đều từ chối đưa ra bình luận khi nhận được câu hỏi từ tờ Kommersant.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin trong chính phủ Nga đã xác nhận với tờ Kommersant rằng đối tác Ấn Độ đã thực sự có nhiều hành động “không thân thiện với Liên bang Nga”.

Đầu tiên, theo họ là việc đoàn đại diện của Hải quân Mỹ lên thăm tàu sân bay INS Vikramaditya (trước đây là tàu tuần dương mang máy bay Admiral Gorshkov) và các quan chức Nga sau đó buộc phải đưa ra thông báo phản đối.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, nó là một tài sản của Hải quân Ấn Độ và phía Nga không thể đưa ra các phản đối mạnh mẽ hơn. Nhưng một thời gian sau đó, một nguồn tin cấp cao trong quân đội Nga khẳng định với tờ Kommersant rằng đại diện phía Mỹ đã ở trên tàu ngầm hạt nhân INS Chakra.

Các nhà quản lý cấp cao của ngành công nghiệp đóng tàu Nga khẳng định rằng về mặt lý thuyết sẽ không có vấn đề gì với sự xuất hiện của đại diện Hải quân Mỹ trên tàu ngầm khi họ không có được các bản vẽ cũng như tài liệu kỹ thuật của con tàu (vốn đang được các chuyên gia Nga nắm giữ).

Một nguồn tin khác lại nói với tờ Kommersant về việc Hải quân Mỹ xuất hiện trên tàu ngầm của Nga rằng: “Trong số họ có một số chuyên gia được đào tạo tốt và bằng cách nào đó, họ có thể tự thu thập thông tin về con tàu.”

Các tàu ngầm thuộc đề án 971 Shchuka-B có khả năng lặn đến độ sâu 600m, tốc độ di chuyển khi lặn tối đa 30 hải lý/giờ. Tàu được trang bị các loại ngư lôi, tên lửa chống hạm và tên lửa chống ngầm.

Theo như các điều khoản hợp đồng, Hải quân Ấn Độ thuê tàu ngầm trong 10 năm bắt đầu từ tháng 12/2011 và đặt tên là INS Chakra. Giá trị hợp đồng này vào khoảng 650 triệu USD. Vào năm 2008, trong đợt thử nghiệm, 1 tai nạn đã xảy ra khi hệ thống chữa cháy tự động bị kích hoạt khiến 20 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương.

Hiện tại, tàu INS Chakra đang nằm tại cảng Vishakhapatnam để sửa chữa. Khoảng 1 tháng trước, vào ngày 04/10, con tàu đã gặp nạn khiến phần vòm sonar bị hư hỏng. Hải quân Ấn Độ không đưa ra chi tiết vụ tai nạn nhưng các chuyên gia dự đoán rằng tai nạn như vậy xảy ra do va chạm với các vật thể khác hoặc là va chạm với đáy biển.

Quân đội Ấn Độ đã lập một ủy ban để điều tra về nguyên nhân vụ việc và đánh giá tình trạng của con tàu, một đội điều tra của Nga cũng tham gia vào quá trình trên.

Ủy ban này đã xác định không cần phải đưa tàu ngầm này về các nhà máy đóng tàu của Nga và phía Ấn Độ đủ khả năng để sửa chữa. Theo kết quả của cuộc điều tra, các bên sẽ thống nhất về chi phí sửa chữa và các chuyên gia đóng tàu Nga sau đó sẽ về nước.

Theo Kommersant thì toàn bộ các sự cố nói trên sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa 2 nước vốn đang không ngừng được tăng cường trong 5 năm gần đây, trong đó, Ấn Độ chưa bao giờ rời khỏi top 3 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Nga.

Theo như các nguồn tin của tờ Kommersant thì Nga đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa lại Ấn Độ: “Các cuộc đối thoại khó khăn đang đến, chúng tôi có rất nhiều câu hỏi.”

Các nguồn tin này cũng cho biết việc đàm phán thuê tàu ngầm thứ 2 từ Nga của Hải quân Ấn Độ sẽ rất phức tạp. Đã có nhiều cuộc đàm phán với các mức độ khác nhau kể từ năm 2012.

Các bên thậm chí đã thống nhất một số vấn đề về kỹ thuật, ví dụ như thay vì lắp các hệ thống tên lửa hành trình Klub-S (bản xuất khẩu), phía Ấn Độ muốn tàu ngầm thuộc đề án 971 lắp các bệ phóng cho tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Nước này cũng đồng thời quan tâm đến tàu ngầm hạt nhân thuộc đề án 885 nhưng phía Nga không đồng ý vì lý do bí mật.

Hiện tại, việc phát triển hạm đội tàu ngầm là một vấn đề quan trọng với Ấn Độ. Đối thủ địa chính trị của họ là Pakistan đã đặt mua 8 tàu ngầm phi hạt nhân Type 041 từ Trung Quốc vào cuối năm 2015 (4 tàu được đóng tại Trung Quốc và 4 tàu được đóng tại Nhà máy Đóng tàu Karachi).

Và hiện Ấn Độ đang bị tụt lại phía sau, vòng đời hoạt động của các tàu ngầm thuộc đề án 877EKM đã đạt đến 25 năm và số tàu còn lại sẽ đạt đến giới hạn trong vòng 10 năm tới. Suốt 15 năm qua, Hải quân Ấn Độ chỉ đưa vào biên chế được 1 tàu ngầm hạt nhân nội địa mang tên INS Arihant.

Việc thuê thêm tàu ngầm hạt nhân thứ 2 từ Nga sẽ mở rộng khả năng của Hải quân Ấn Độ. Tuy nhiên, rất khó có thể dự đoán được sự phát triển trong mối quan hệ giữa 2 nước hiện nay.

Theo Kommersant, các vấn đề này sẽ phải được giải quyết trong chuyến thăm (dự kiến vào tháng 12) tới đây của Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitry Rogozin.

Ngoài vấn đề với tàu ngầm INS Chakra, ông còn phải đàm phán với phía Ấn Độ về dự án chế tạo máy bay thế hệ 5 vốn đã được ký kết vào năm 2007 nhưng hiện tại vẫn còn chưa xác định được các thông số kỹ thuật cũng như tài chính.

Ông cũng phải đồng thời thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng cung cấp 48 trực thăng Mi-17V-5 và 4 khinh hạm thuộc đề án 11356 cho Hải quân Ấn Độ và thống nhất thời điểm ký kết hợp đồng mua 4 – 6 tổ hợp phòng không S-400 (hợp đồng này có giá trị từ 2 – 3 tỷ USD phụ thuộc vào số tên lửa bán kèm).

RELATED ARTICLES

Tin mới