Friday, November 29, 2024
Trang chủĐàm luậnSự đảo chiều quan hệ Trung - Hàn sẽ mang đến cục...

Sự đảo chiều quan hệ Trung – Hàn sẽ mang đến cục diện mới cho bán đảo Triều Tiên

Sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc điều chỉnh quyền lực của các nước có liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên cơ bản hoàn thành, trong vòng 3 đến 5 năm tới, các nhà lãnh đạo của 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải cùng đối phó với vấn đề hạt nhân. 

Từ ngày 3-14/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm đầu tiên đến châu Á kể từ khi ông nhậm chức. Đây cũng là chuyến thăm dài nhất trong vòng 25 năm qua tới châu Á của một Tổng thống Mỹ. Trong chuyến đi này của Trump, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đương nhiên sẽ là một ưu tiên hàng đầu, liệu có thể xây dựng được một phe cánh thống nhất chống lại việc sở hữu hạt nhân của Triều Tiên hay không được xem là một phép đo thành bại trong chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương lần này của Trump. Với việc Seoul cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul đã đóng băng trong suốt một năm qua. Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, trong khi Trung Quốc lại khẳng định động thái này sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Trung Quốc và đưa ra hàng loạt biện pháp chế tài không chính thức đối với Hàn Quốc. Sau khi Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiến triển nhanh chóng, quan hệ Trung-Hàn đã trở thành biến số quan trọng trong tình hình bán đảo Triều Tiên. Việc phá băng, đảo ngược quan hệ hai nước trong tình hình hiện nay là điều đương nhiên. 

Mới đây, Bộ Ngoại giao hai nước Trung-Hàn đã tiến hành kết nối, trao đổi về vấn đề bán đảo Triều Tiên, thông qua cuộc thảo luận giữa trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Nam Gwan-pyo. Từ nội dung trao đổi giữa hai bên cho thấy hai nước Trung-Hàn sẵn sàng thúc đẩy giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực, cả hai bên đều mong muốn quan hệ song phương trở lại quỹ đạo bình thường trong thời gian sớm nhất. 

Có thể nói, cuộc trao đổi và tuyên bố chung vừa qua cho thấy quan hệ Trung-Hàn đã được sắp xếp lại, mối quan hệ đang xuống dốc đến nay đã được đảo ngược, bắt đầu được hàn gắn. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng của quan hệ Trung-Hàn sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên. 

Đáng chú ý, cuộc trao đổi Trung-Hàn lần này có hiệu quả rõ ràng, hai bên đã hiểu rõ về mối quan tâm và lợi ích của nhau, tìm được “điểm chung lớn nhất” giữa hai nước. Hai bên tái khẳng định nguyên tắc thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, khẳng định tiếp tục giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua tất cả các biện pháp ngoại giao. 
Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước có lợi ích liên quan trực tiếp nhất trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên có liên quan đến lợi ích chiến lược cốt lõi của hai nước Trung-Hàn. Làm thế nào để đối phó với những thách thức từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên? Hàn Quốc có những ý tưởng riêng của họ, bao gồm việc triển khai THAAD, với hy vọng tăng cường khả năng phòng thủ của họ. Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã tạo ra bối cảnh an ninh khó khăn rất khó hóa giải. Cuối cùng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên không chỉ là vấn đề vũ khí, mà còn là một vấn đề chiến lược đòi hỏi phải xem xét toàn diện, đặc biệt cần phát huy ưu thế địa lý đặc biệt của Hàn Quốc, xây dựng một quan hệ ngoại giao linh hoạt mới nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

Đối với vấn đề THAAD có ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Hàn, Hàn Quốc cam kết rõ ràng rằng việc triển khai hệ thống THAAD phù hợp với mục đích triển khai ban đầu, không nhằm chống lại nước thứ ba, nghĩa là không gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc. Nói cách khác, Hàn Quốc triển khai THAAD chủ yếu để đối phó với những thách thức từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời nghiêm túc hạn chế “hiệu ứng lây lan” có thể mang lại từ THAAD. Ngoài ra, hai bên nhất trí thông qua kênh quân sự hai nước để trao đổi về các vấn đề có liên quan đến THAAD mà phía Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Hai nước Trung-Hàn đều có nguyện vọng và động lực, việc giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ THAAD có tác động lớn đến quan hệ hai nước. 

Trả lời chất vấn trước Quốc hội gần đây, Ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung Wha, cũng tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ chủ đạo, hợp tác quân sự Hàn-Mỹ-Nhật sẽ không phát triển thành một liên minh quân sự, Hàn Quốc không triển khai thêm THAAD. Chính sách “3 không” của Hàn Quốc có thể đại diện cho việc điều chỉnh chính sách ngoại của Chính quyền Moon Jae-in, bảo vệ an ninh của Hàn Quốc hoặc việc phải dựa vào chính sách ngoại giao thực dụng. 

Đương nhiên, chúng ta thấy rằng trong vấn đề THAAD, bất đồng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn còn khá lớn, Trung Quốc tái khẳng định lập trường phản đối việc triển khai THAAD, nhưng sự thay đổi quan trọng nằm ở việc hai nước Trung-Hàn đều cố gắng nắm bắt lập trường và mối quan tâm của nhau trong vấn đề THAAD, nhận thức và thái độ của hai bên đều đã thay đổi, nhận biết và phán đoán về các mối đe dọa cũng sẽ thay đổi, từ đó sẽ mang lại những điều chỉnh về chính sách, mối quan hệ giữa hai bên đương nhiên cũng sẽ có những thay đổi mới. 
Trung Quốc đã có những phản ứng tích cực trước cam kết “3 không” của Hàn Quốc. Nhìn từ tình hình hiện nay, Trung Quốc và Hàn Quốc đang cố gắng đẩy đi trở ngại lớn là vấn đề THAAD. Thực hiện an ninh hóa THAAD, giữa hai nước cần tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt là trao đổi, kết nối giữa quân đội hai nước, cho dù không thể hủy bỏ THAAD cũng cần tránh để THAAD trở thành “vũng lầy” mà Trung-Hàn khó có thể vượt qua. 

Hai nước Trung-Hàn là những nạn nhân lớn nhất trong trò chơi hạt nhân của Triều Tiên, nên không có lý do gì để đối lập nhau mà cần bắt tay nhau để cùng đối phó với mối đe dọa chung. Năm nay tròn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Hàn, thời gian qua quan hệ song phương cũng đã trải qua những giông tố, nhưng sự kiện THAAD lần này đã mang lại những vấn đề đáng suy ngẫm sâu sắc về quan hệ Trung-Hàn. Các nhà lãnh đạo hai nước đã đưa ra một quyết định chính trị khẳng định rằng quan hệ Trung-Hàn cuối cùng cần được thúc đẩy tốt đẹp. Trong dịp Hội nghị APEC được tổ chức tại Việt Nam, lãnh đạo hai nước Trung-Hàn sẽ gặp nhau, quan hệ hai nước đang nồng ấm trở lại. 

Đối với tình hình địa chính trị ở Đông Bắc Á, sự ổn định và phát triển của quan hệ Trung-Hàn có liên quan đến sự phát triển của cục diện khu vực. Nếu hai nước không hợp tác với nhau, những rạn nứt trên bán đảo Triều Tiên sẽ ngày càng sâu, những cản trở an ninh đối với Trung Quốc cũng ngày càng lớn hơn. Hai nước Trung-Hàn hợp tác với nhau không chỉ là sự phát triển quan hệ song phương, mà còn là việc vượt qua Chiến tranh Lạnh và tư duy Chiến tranh Lạnh. 
Việc Trung-Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao trên thực tế đã vượt qua vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên, vốn được mệnh danh là vết cắt địa lý của Đông Bắc Á, vượt qua ranh giới đối đầu phe cánh trong Chiến tranh Lạnh, từ đó củng cố hòa bình và phát triển ở Đông Bắc Á.

Hai nước cho rằng không nên lặp lại, tư duy Chiến tranh Lạnh đối đầu phe cánh và những rủi ro kéo theo, họ là những nước chịu thiệt hại bởi Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng có những nước được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh đó. Vấn đề tên lửa hạt nhân Triều Tiên thực ra đã phát triển từ những vết rạn nứt giữa các nước lớn, muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cần phải vượt qua tư duy Chiến tranh Lạnh, mà khởi điểm lại là hợp tác giữa hai nước Trung-Hàn. Trong một năm qua, tình hình bán đảo Triều Tiên đã có những chuyển biến chóng mặt, những trắc trở trong một năm qua cũng đã được hai nước Trung-Hàn suy nghĩ lại một cách thấu đáo.

(Bài viết của Tôn Hưng Kiệt, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao công cộng – Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, đăng trên báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore có chi nhánh tại Hong Kong).

RELATED ARTICLES

Tin mới