Ngày 11/11, tiếng còi báo động có máy bay địch đã vang lên khắp thủ đô Bình Nhưỡng, làm dấy lên mối lo ngại về một diễn biến khó lường sắp xảy ra tại bán đảo Triều Tiên.
Báo Express của Anh đưa tin, phóng viên người Mỹ Will Roipley của kênh CNN có mặt tại Triều Tiên cho biết đã nghe thấy tiếng còi báo động “khá khác thường” ở Bình Nhưỡng ngày 11/11.
Trong video đăng kèm của ông Ripley, tiếng còi báo động vang vọng khắp các tòa nhà cao tầng ở thủ đô của Triều Tiên vào buổi bình minh.
Được biết, tiếng còi trên chỉ là một bài kiểm tra diễn tập và trên thực tế, 2,5 triệu công dân Bình Nhưỡng vốn đã quen với âm thanh mà nhiều người miêu tả là “khá đáng sợ” này.
“Lúc nào cũng thấy có chút kỳ quái khi nghe còi báo động máy bay địch ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Nhưng không phải lo lắng. Chỉ là một cuộc diễn tập”, Mirror dẫn tweet của phóng viên CNN Will Ripley.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng cáo buộc Tổng thống Trump cố mở đường cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trong chuyến công du 5 nước châu Á của ông.
Trước đó, ngày 11/11, Hải quân Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận chung tại bờ biển phía Đông của Hàn Quốc. Theo các quan chức quân sự của hai nước, mục đích của cuộc tập trận là nhằm tăng cường khả năng phối hợp hoạt động quân sự trên biển và trên không giữa các lực lượng 2 nước và gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Cuộc tập trận có sự tham gia của 3 tàu sân bay Mỹ: USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt cùng với 11 tàu chiến lớp Aegis của Mỹ và 7 tàu chiến của Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng đã ban hành lệnh cấm tất cả các hãng hành không của nước này bay trên vùng Biển Nhật Bản gần không phận Triều Tiên sau khi xảy ra vụ tên lửa của Bình Nhưỡng suýt bắn trúng một máy bay chở khách.
Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) thông báo: “Do tình hình nguy hiểm gây ra bởi các hoạt động và tiềm lực quân sự của Triều Tiên, bao gồm các vụ phóng tên lửa không báo trước và hệ thống vũ khí phòng thủ, tất cả hoạt động bay trong Vùng Thông tin bay Bình Nhưỡng đều bị cấm”.
Động thái này của Mỹ nhằm mở rộng vùng cấm bay phía trên Triều Tiên, theo sau tuyên bố tương tự của Đức và Pháp.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng ngày 28/7 phóng một quả tên lửa bay sát một máy bay đang chở 323 hành khách. Chuyến bay số hiệu 293 của hãng hàng không Pháp Air France khi đó vừa cất cánh từ Tokyo và bay đến Paris. Quả tên lửa đã bay sượt qua máy bay này rồi rơi xuống Biển Nhật Bản.
Trước chuyến công du của Tổng thống Trump đến 5 nước châu Á, truyền thông thế giới đã có nhiều đồn đoán xoay quanh khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 và trên thực tế, ảnh từ vệ tinh đã cho thấy những biến động bất thường gia tăng tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, song đến nay, Triều Tiên vẫn “án binh bất động”.