Friday, January 3, 2025
Trang chủĐàm luậnViệt Nam đi giữa hai cường quốc Mỹ-Trung

Việt Nam đi giữa hai cường quốc Mỹ-Trung

Chiều 12/11 khi tổng thống Mỹ Donald Trump rời Hà Nội, cũng là lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính Việt Nam. Trong lịch sử hoạt động   ngoại giao chưa có bao giờ Hà Nội gần như cùng lúc đón hai nguyên thủ của hai cường quốc lớn như thế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,

Tổng thống Mỹ Donal Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đà Nẵng (ảnh: BTC APEC Việt Nam 2017

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ chiều 11/11. Trước đó ông Trump đã phải đối mặt với những bận tâm của nhà cầm quyền Việt Nam vì Hà Nội cho rằng, chính quyền mới của Mỹ chưa làm hết sức, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

Trên tờ The Diplomat, hôm 8/1, nhà báo Bennett Murray, phụ trách văn phòng của Deutsche Presse-Agentur tại Hà Nội, viết: ông Trump không hoàn toàn giữ vị trí trọng tâm trong tuần này. Bởi nguyên thủ nhiều cường quốc trên thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng, một ngày trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ, để tham dự diễn đàn APEC thường niên. Trong số đó đáng chú ý là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng của nhiều nước trong APEC.

Với vị trí siêu quyền lực sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng thăm chính thức Việt Nam sau thượng đỉnh APEC. Cả hai chuyến viếng thăm của hai vị đứng đầu hai quốc gia lớn đều được Việt Nam tính toán kỹ lưỡng, cố gắng khai thác cả hai cường quốc nhằm duy trì cam kết không liên kết có từ lâu. Chuyến thăm của Tổng thống Trump tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam để giữ cân bằng sức mạnh trong vùng, trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc trỗi dậy chưa từng có từ sau Đại hội Đảng của họ.

Còn người dân Việt thì bận tâm một điều, rằng Hà Nội và Washington duy trì mối quan hệ thế nào trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bất chấp dư luận quốc tế. Đối với những diễn biến phức tạp hiện nay trên Biển Đông, Việt Nam rất cần được sự ủng hộ của các nước khác, như Nhật Bản, Mỹ.

Có điều Tổng thống Trump không dấn thân vào quan hệ song phương. Các chính sách của Trump không nên hi vọng nhiều, bởi ông là một doanh nhân, luôn bị chi phối bởi tâm lý kinh doanh, thương mại. Việt Nam dễ bị Trump sử dụng như một quân cờ để thúc đẩy một chương trình nghị sự không liên quan gì đến tương lai của vùng Đông Nam Á.

Một nhà báo Đức nhắc lại mối thù truyền kiếp của Việt Nam với Trung Quốc. Miền Bắc Việt Nam từng bị nhà Hán đô hộ vào thế kỷ 2-TCN, cho đến nhà Minh vào thế kỷ 15. Thời hiện đại, ký ức về cuộc chiến tranh biên giới 1979, khiến vài chục nghìn người chết ở cả hai phía chỉ trong vòng một tháng, vẫn còn hằn sâu. Đến hiện tại các tranh chấp đang diễn ra liên quan đến các hòn đảo ngoài khơi Biển Đông được cho là sự tiếp tục của mối hiềm khích thường xuyên. Trung Quốc trước sau kiên trì đòi chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, kể cả các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, Hà Nội phải duy trì mức độ thân thiện với Bắc Kinh là điều cần thiết vì Trung Quốc là hàng xóm. Nói một cách hài hước, Việt Nam không thể… rời đi đâu, cho nên phải giữ quan hệ khôn khéo với Trung Quốc. Nhưng phải tăng cường sức kháng cự hành động của họ ở Biển Đông, cũng không chỉ ở trên biển, mà còn cả trên đất liền.

Trung quốc thì như vậy, Mỹ thì sao? 84% người dân Việt Nam tin vào Mỹ theo tham khảo của Pew được công bố vào tháng 6/2017. Có tới 58% người dân Việt tin tưởng vào tổng thống Donald Trump; đây là tỉ lệ khá cao so với thế giới. Mối quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam hiện cũng được ủng hộ trong giới chính trị gia Washington. Theo nhận định của ông Michael Mazza – nhà nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Washington, chuyên gia về chính sách quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương – các lợi ích của Hoa Kỳ nằm trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Một mối quan hệ song phương vững chắc có tiềm năng làm tăng thêm thịnh vượng cho cả hai nước. – Ông M. Mazza nói. Mối quan hệ này tạo điều kiện cho Mỹ có sự ảnh hưởng lan rộng trong vùng, ngăn chặn hành vi xấu của Trung Quốc, hình thành một Đông Nam Á rộng hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương dẫn tới lợi ích của Mỹ.

Ngày nay những ký ức từ cuộc chiến tranh đau thương ở Việt Nam trong những năm 60-70 của thế kỷ trước không còn đặc biệt quan trọng trong các mối quan hệ. Hai nước đang tích cực hợp tác tìm kiếm hài cốt lính Mỹ và xử lý hậu quả của chất độc da cam. Ông Mazza cho rằng: “Khó mà nói được là quan hệ song phương sẽ đi đến đâu. Hoa Kỳ và Việt Nam phải đi từ hai nước chiến tranh thành hai nước hợp tác và duy trì hòa bình, trật tự ở Biển Đông”.

Do chỗViệt Nam tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, các nhà quan sát tại Washington và Hà Nội tập trung quan sát và đánh giá Trump quan tâm đến việc duy trì của phía Mỹ trên cán cân đến mức nào. Chẳng hạn như Việt Nam rất chú ý theo dõi các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Hải Quân Mỹ (FONOP) để thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Các chiến dịch này được cho là khởi động khá chậm chạp.

Trong chuyến thăm Nhà Trắng của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 05/2017, đoạn nói về Biển Đông trong thông cáo chung đã đề xuất một sự nhất quán về triển vọng và cách tiếp cận của Hoa Kỳ và Việt Nam về thách thức đặc biệt này đối với luật pháp quốc tế. Vẫn theo ông Mazza, thông cáo này cũng tăng thêm khả năng một tầu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam, lần đầu tiên từ khi kết thúc chiến tranh.

Cần chú ý một vấn đề nhức nhối, đó là mối đe doạ hạt nhân từ Triều Tiên. Vấn đề này có thể khiến ông Trump phân tán sự chú ý đến vấn đề Biển Đông, do đó có thể mở ra cơ hội cho Trung Quốc. Nhà Trắng đã tạm ngừng hoạt động tuần tra ở Biển Đông trong vòng vài tháng nay để tìm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong hồ sơ Triều Tiên.

Giáo sư Carlyne Thayer, một chuyên gia về Biển Đông, thuộc đại học New South Wales, nhận xét Việt Nam đã “nhạy bén” sau lễ nhậm chức của Trump để thu hút sự chú ý của tân tổng thống Mỹ bằng cách đánh vào “máu” kinh doanh của ông ta. Giáo sư Thayer nói : “Trong chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều thỏa thuận thương mại trị giá nhiều tỉ đô la đã được ký kết, Việt Nam chấp nhận thương lượng một hiệp định tự do trao đổi mậu dịch với Mỹ, và Việt Nam chấp nhận cải thiện điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ và tăng cường quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ”.

Dù khôn khéo đi giữa hai cường quốc, Việt Nam vẫn hạn chế khả năng xích lại quá gần Mỹ. Hà Nội tôn trọng chiến lược “ba không”: không liên minh quân sự, không căn cứ nước ngoài, không để một nước sử dụng Việt Nam làm phương hại nước khác.

Có nhà chiến lược đặt câu hỏi: Liệu chiến lược này có bị thay đổi đề thích nghi với thực tế đang biến chuyển nhanh chóng? Có thể đến một lúc nào đó Việt Nam sẽ cố gắng tìm đồng minh với các nước thân thiện để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ lợi ích quốc gia khỏi bất kỳ cuộc tấn công thù nghịch nào từ bên ngoài. Đồng minh tiềm năng đó là quốc gia nào? Hãy chờ xem!

RELATED ARTICLES

Tin mới