Friday, July 26, 2024
Trang chủĐàm luậnNghe bằng hai tai những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald...

Nghe bằng hai tai những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống Mỹ tự đề xuất đứng ra làm trung gian giúp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Cũng là lần đầu tiên, chỉ trong vòng 6 tháng (giữa tháng 5 đến tháng 11 này), hai Tuyên bố chung Việt-Mỹ đã được công khai trước thế giới, khẳng định lộ trình tiếp theo trong bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẵn sàng “sử dụng tài thương lượng” để giúp giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, nếu Hà Nội ngỏ ý. Ông Donald Trump phát biểu, nguyên văn: “Nếu (quý vị) thấy tôi có thể làm trung gian hay trọng tài, hãy cho tôi biết…, tôi là một người làm môi giới rất giỏi”. 

Buổi họp báo chung đã kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ trước khi lên đường sang Philippines. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Trump đã dành được sự ủng hộ của giới lãnh đạo Việt Nam trong chiến dịch gây áp lực tối đa buộc Triều Tiên trở lại lộ trình phi hạt nhân hóa.Hà Nội có thể đạt một vị thế “ngang ngửa” nếu thực hiện được điều mà Tổng thống Trump từng bày tỏ, mong muốn Trung Quốc, Nga và Việt Nam có thể cùng giúp đẩy nhanh tiến trình nêu trên.

Trong Tuyên bố chung Hà Nội, một tuyên bố sẽ để lại nhiều “mốc son lịch sử”, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước lần này. Hoa Kỳ đã loan báo một thỏa thuận mua đất ở Hà Nội để xây dựng khuôn viên Đại Sứ quán mới ở khu vực trung tâm. Đây lại thêm một ví dụ nữa chứng tỏ những tiến bộ đáng kể trong quan hệ.

Về hợp tác quốc phòng, Việt-Mỹ sẽ quyết định một kế hoạch hành động trong 3 năm, giúp tăng cường các hoạt động hải quân giữa hai nước. Mỹ sẽ chính thức bàn giao cho Việt Nam một tàu tuần duyên (lớp Hamilton), giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám sát và bảo đảm an ninh hàng hải. Việt Nam cũng đang chuẩn bị đón một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm Cam Ranh ngay trong năm 2018.

Một thông điệp của ông Trump rồi sẽ được nhắc lại nhiều là: “Chúng tôi (tức là nước Mỹ) mong muốn các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương tự hào về nền tự chủ, chứ không phải làm vệ tinh hay chịu thân phận ủy nhiệm”. Đây là cách ông Trump ca ngợi người dân nước Việt trước hàng ngàn khách dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp. Ông Trump nói:  “Đất nước Việt Nam có tinh thần độc lập không chỉ 200 năm, mà đã có từ 2000 năm trước. Từ những năm 40 sau Công nguyên khi Hai Bà Trưng lần đầu tiên đã đánh thức tinh thần độc lập ấy trên mảnh đất này”.

Tổng thống Trump cùng lãnh đạo Việt Nam đã tái khẳng định trong tuyên bố chung tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở ở Biển Đông và cam kết của hai bên dùng phương thức dựa trên luật lệ để giải quyết tranh chấp hàng hải; cam kết tăng cường các cuộc thảo luận hướng tới mở rộng thương mại và đầu tư giữa hai nước. 12 tỷ USD là con số khá lớn dành cho các thỏa thuận thương mại nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Trump. Song cần lưu ý rằng: con số này liệu có bao hàm các thỏa thuận do doanh nghiệp hai bên đã ký kết trị giá cũng là 12 tỷ USD, cách đây 6 tháng trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay không?

Về việc đàm phán TIFA. Mọi người đã biết, TIFA là một hiệp định khung mà Việt Nam đã đàm phán với Mỹ từ năm 2010, nhưng “giữa đường đứt gánh” vì Việt Nam tập trung cho một Hiệp định lớn hơn là TPP. Đầu năm 2017 khi TPP hầu như tuyệt vọng, Việt Nam mới phải quay lại đàm phán về TIFA như một nỗ lực cuối cùng.

Cho dù giới nghị sĩ Mỹ vẫn còn nhiều lý do can thiệp theo chiều hướng bất lợi cho Việt Nam đối với nhiều vấn đề mà hành pháp Trump phải thông qua Quốc hội, chẳng hạn như việc buôn bán vũ khí, áp đặt thuế và đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ, nếu hiệp định này sẽ được đặt trở lại trên bàn đàm phán. Trong trường hợp này vấn đề nhân quyền sẽ là đòi hỏi sự cải thiện cả gói chứ không phải lẻ tẻ, cải thiện ngay và cải thiện một cách thực chất. Nếu điều này xảy ra, các nhà thương thuyết Việt Nam thậm chí còn khó có thể giữ nổi lượng xuất siêu như năm 2016 và 2017 vào thị trường Hoa Kỳ.

Phía sau sự lạc quan vẫn phải nhắc lại một góc khuất trong quan hệ, đó là tương lai còn xa vời của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (một TIFA thế hệ mới). Chủ đề này vốn là mối quan tâm hàng đầu của Hà Nội, nhất là từ khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP vào đầu năm 2017. Qua APEC vừa rồi, TPP nay đã trở thành CPTTP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. 

11 nước còn lại đã khẳng định thống nhất những vấn đề cốt lõi của TPP theo hướng giữ nguyên nội dung cũ, nhưng cho phép các thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ của mình. Trong bối cảnh này, dù chỉ một thỏa thuận sơ bộ về TIFA, Hiệp định khung Việt-Mỹ có thể giúp Việt Nam duy trì được con số xuất siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hy vọng vay mượn thêm tín dụng từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB).

Một TIFA như thế còn có thể đẩy nhanh hơn việc thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA). Lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ là vô cùng qua trọng, nếu đối sánh với việc phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ Trung Quốc. Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ Mỹ-Việt trong năm 2017 này, TIFA đề cập theo cách của Tuyên bố chung, thì dường như nó vẫn còn “treo” lại đó chưa biết khi nào mới đến hồi kết. Góc khuất này cùng với những bước lùi trong quan hệ Việt Nam-Liên bang Đức (từ nay không còn là “Đối tác Chiến lược” nữa) có thể cộng hưởng lên nhau, dẫn đến việc Quốc hội EU chưa sớm thông qua EVFTA.

Môi trường quốc tế đang có nhiều dấu hiệu khắc nghiệt hơn đối với cả Mỹ lẫn Việt Nam. Những khắc nghiệt này có khi còn vượt cả cái không-thời gian của khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương” mà Tổng trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đề xuất trước khi Trump bắt đầu chuyến công du châu Á: Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc với nhiều chính sách mới nhằm vươn tới mục tiêu tới bá chủ thế giới. Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, do nguồn gốc lịch sử lẫn chuyển động phức tạp của địa-chính trị Đông Á, không ai tin sẽ được giải quyết chóng vánh. Ấn Độ, trụ cột của “bên thứ Ba” (Mỹ-Trung-bên thứ Ba) trong tứ giác Ấn-Nhật-Úc-ASEAN, đang phải đối mặt với nhiều biến số.

Ngay cả nước Mỹ lúc này đây cũng đang chao đảo. Trump lên đường thăm châu Á đúng vào ngày những người từng là cố vấn thân cận của ông bị buộc tội và thêm vào đó là vụ xả súng khiến 27 người thiệt mạng. Các “think-tank” ở Mỹ đang dự đoán điểm rơi cho một xì-căng-đan “Trumpgate”… Khi Trump bước lên “Air Force One” để bay tới 5 thủ đô châu Á, những người trong cuộc cũng như các nhà quan sát đều cảm thấy hồi hộp như đang xem con voi lớn bước vào cửa hàng đồ sứ.

Người Việt có câu : Lời nói là hoa, việc làm mới là quả. Nếu theo dõi từ Tokyo đến Bắc kinh, Trump đều chơi con bài mặc cả với từng cá nhân nhà lãnh đạo, cho dù chính quyền Mỹ đều đưa ra những quan điểm cứng rắn về các vấn đề thương mại và an ninh. Thế lưỡng nan này khi đối mặt với Trump càng tăng lên, ở chỗ này, thì ông kêu gọi phải cùng nhau đối phó với các mối đe dọa chung, khi đến chỗ khác thì ông lại trở về các chủ đề bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hóa như đang đi vận động tranh cử.

Theo Giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei (Hàn Quốc): “Khu vực đang đặt hy vọng vào sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ không chỉ trong vấn đề an ninh mà cả về kinh tế. Việc Trump xúc tiến chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước đã!” không khác gì bỏ mặc các nhà lãnh đạo châu Á trong cơn hoạn nạn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới