Tầm nhìn mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương” của ông Trump được cho là đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vậy là ông Donald Trump đã hoàn thành chuyến công du 5 nước châu Á, chuyến đi dài nhất của một Tổng thống Mỹ đến khu vực này trong vòng 25 năm qua. Chuyến công du được cho là bước ngoặt chính thức “khép lại” chính sách xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama để mở ra một chương mới, hay cũng có thể nói là “khoác một chiếc áo mới” cho chiến lược của Mỹ đối với khu vực này dưới cái tên “Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Qua các cuộc tiếp xúc và những bài phát biểu hùng hồn, ông Trump đã phần nào đưa ra tầm nhìn khái quát về việc bảo vệ hòa bình và thịnh vượng cho một khu vực “rộng lớn, năng động và vô cùng quan trọng” đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.
Chính tại Đà Nẵng, Việt Nam, điểm dừng chân thứ tư trong chuyến công du này, ông Trump đã vạch ra chính sách chung của chính quyền mới ở Washington với châu Á trước đầy đủ các nhà lãnh đạo trong khu vực, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tập hợp quần hùng…
Cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” có thể không mới, thậm chí khá phổ biển ở Nhật Bản khi đã được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra hơn một thập kỷ trước. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “mượn” những lời này để quy tụ những nước có chung cách nghĩ và tầm nhìn để đặt ra và duy trì các nguyên tắc về tương hỗ cũng như về kinh tế và an ninh quân sự.
Bằng cách khoanh vùng khu vực dưới góc nhìn mới và bỏ qua việc lựa chọn một khẩu hiệu hành động nào đó, Nhà Trắng đã cho thấy ý định rõ ràng của Mỹ là nhấn mạnh vào sự tiếp nối chính sách hơn là sự đột ngột “xoay trục” mà ở đó, Mỹ có thể tái cân bằng hôm nay nhưng cũng sẵn sàng rút lui vào ngày mai.
Dưới nhiều góc độ, chính sách của Mỹ thực chất bắt rễ rất sâu trong lịch sử. Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị cấp cao APEC bằng việc quan sát những gì Washington đã làm được trong lĩnh vực thương mại, tự do hàng hải và an ninh ở khu vực này kể từ khi nước Mỹ giành được độc lập đến nay.
Vị Tổng thống xuất thân là doanh nhân tỷ phú này đã bày tỏ kính nể đối với sự vươn lên của châu Á bằng việc liệt kê ra hàng loạt thành tựu gần đây của những nước cụ thể.
Ông Trump ca ngợi Việt Nam ngay trong phần mở đầu của bài phát biểu và nhắc tới Indonesia như là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới). Ông nêu bật thành tựu của Thái Lan khi vươn lên tốp trên của nhóm các nước có thu nhập trung bình trong vòng chưa đầy một thế hệ. Còn Malaysia được ca ngợi là “một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để làm ăn kinh doanh”.
Tổng thống Mỹ cũng không quên nhắc tới sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Singapore nhờ “cung cách quản lý trung thực” trong khi bày tỏ ấn tượng với việc Philippines đi đầu ở châu Á trong việc thu hẹp khoảng cách giới tích.
Tất nhiên, ông Trump cũng ghi nhận những cải cách thị trường của Trung Quốc với việc giúp 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo. Và cuối cùng, Tổng thống Trump dùng những mỹ từ đặc biệt nhất cho 3 nền dân chủ giàu có nhất châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Cùng với việc nhìn lại lịch sử và tập trung vào sự năng động của châu Á, tầm nhìn của ông Trump xoáy sâu vào một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, khẳng định Mỹ không tìm cách lấn lướt mà mong muốn làm đối tác với những quốc gia mạnh mẽ, độc lập và sẵn sàng “chơi theo luật”.
“Một trong số những lợi ích của Mỹ là phải có những đối tác khắp nơi ở khu vực này và đó là những nước đang ngày càng phát đạt, thịnh vượng và không lệ thuộc vào bất cứ ai” – Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong một phát biểu được cho là nhằm giải tỏa quan ngại của khu vực về sự quyết đoán của một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh.
“Chơi theo luật”
Gần như ngay lập tức bỏ lại đằng sau những cụm từ ngoại giao hoa mỹ và giọng điệu thận trọng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhắc nhở cả thế giới rằng cung cách lãnh đạo của ông khác xa những người tiền nhiệm thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ông cho rằng “mất cân bằng thương mại hiện nay là không thể chấp nhận được”, và rằng “từ ngày hôm nay trở đi chúng ta sẽ cạnh tranh trên một cơ sở công bằng và bình đẳng”. Ông khẳng định nước Mỹ sẽ không đứng yên khi các nước khác đưa ra các chính sách bán phá giá, trợ giá, thao túng tiền tệ và công nghiệp bóc lột, Washington “sẽ không thờ ơ trước hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ” hay “im lặng khi các công ty Mỹ trở thành mục tiêu tấn công tấn công kinh tế bởi các tác nhân có liên quan đến một số nhà nước”.
Nếu tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương này trở thành hiện thực thì cần phải bảo đảm tất cả các nước trong khu vực đều chơi theo luật, ông Trump nhấn mạnh.
Vốn coi thương mại và đầu tư là ưu tiên, ông Trump cho rằng “an ninh kinh tế cũng là an ninh quốc gia”. Nhưng với việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Mỹ tìm cách tập trung vào thương mại đầu tư tiêu chuẩn cao và các hoạt động tài chính không có những vướng mắc nguy hiểm.
Cùng với việc thúc đẩy các thể chế tài chính quốc tế hướng nỗ lực tới đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Tổng thống Trump có ý định “đưa ra những phương án thay thế cho các sáng kiến do nhà nước điều hướng, vốn mang nhiều sợi dây ràng buộc”.
Đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa”
Với việc đưa ra một bộ các nguyên tắc và lợi ích dự kiến được làm rõ hơn trong những năm tới, ông Trump đã phác thảo tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương của riêng mình – một điều rõ ràng là nhằm đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà ở đó Trung Quốc nằm ở trung tâm của vũ đài thế giới vào giữa thế kỷ này.
Tổng thống Trump hình dung ra một thế giới bao gồm các quốc gia mạnh mẽ và độc lập, tự chủ, tuân thủ các nguyên tắc chung và hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp.
“Chúng ta sẽ thật may mắn khi khi sống trong thế giới gồm những quốc gia mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, vươn lên trong hòa bình và thịnh vượng cùng các nước khác”, ông Trump nêu rõ.
Và thay vì một con đường, một cách nói gợi nhắc đến chiến lược “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ chỉ ra rằng “thế giới có rất nhiều nơi, nhiều giấc mơ và nhiều con đường”.
Ông Trump vẫn tìm cách thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Nhưng trọng tâm mới ở Washington là đảm bào rằng Mỹ vẫn duy trì được lợi thế khi đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ Trung Quốc.
Có thể nói, sứ mệnh mà ông Trump đặt ra khi vẽ nên bức tranh Ấn Độ-Thái Bình Dương là phải bảo toàn quyền lực của Mỹ trong lúc đầu tư tìm kiếm những khả năng mới cho phép nền kinh tế số một thế giới duy trì ảnh hưởng chiến lược trên toàn bộ khu vực rộng lớn và năng động này.
Tuy nhiên, chuyến công du châu Á vừa qua mới chỉ là bức phác thảo đầu tiên mà Tổng thống Trump sẽ phải đầu tư công sức trong nhiều năm nữa để hiện thực hóa nó.