Tính đến ngày 31/10/2017, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực và đặc biệt, tỷ giá VND/USD đã giảm 0,24% so với cuối năm 2016 chứ không hề tăng.
Đồng tiền Việt Nam đang ổn định nhất khu vực
Việc điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/10/2017, tỷ giá USD/VND trung tâm tăng 1,41%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,22%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,18% so với cuối năm 2016. Nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực.
Như vậy, thực chất VND đang giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính so với cuối năm ngoái (VND giảm giá 4,78% so với CNY, giảm 9,49% so với EUR, giảm 7,99% so với KRW, giảm 2,32% so với JPY, giảm 6,48% so với TWD, giảm 7,48% so với THB, giảm 5,67% so với SGD).
Điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản tiền đồng hợp lý, theo dõi sát tình hình thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá mua phù hợp. Nhờ đó, NHNN đã tiếp tục ngoại tệ từ các TCTD, nâng mức dự trữ ngoại hối nhà nước lên khoảng 45 tỷ USD- Đây cũng được xác lập là mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục từ trước đến nay.
“Thị trường ngoại tệ, tỷ giá về cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời”, một đại diện Vụ chính sách tiền tệ NHNN cho biết.
Kết quả, tỷ giá trong 10 tháng đầu năm nhìn chung diễn biến tương đối ổn định, tỷ giá thị trường giảm 0,24% so với cuối năm 2016; thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, NHNN mua được ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Thống kê trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy” dòng vốn FII vào Việt Nam ước đạt 2,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Hiện một lượng lớn ngoại tệ đã được bán ròng cho các ngân hàng thương mại kể từ đầu năm đến nay, trong đó chủ yếu đến từ các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Cụ thể, ước tính các tổ chức tín dụng đã mua ròng thêm khoảng 2,5 tỷ USD, tương đương với khoảng 55.000 tỷ đồng. Nguồn ngoại tệ lớn chuyển đổi nói trên cũng trùng khớp với sự bùng nổ giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay.