Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không thể xem thường; Tổng thống Mỹ muốn làm nhà hòa giải ở Biển Đông nhưng Trung Quốc phản đối là những thông tin mới nhất về tình hình Biển Đông.
Tranh chấp chủ quyền Biển Đông không thể xem thường
Hôm 13/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay các thành viên ASEAN đã đồng thuận chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán với Trung Quốc để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo CNA, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20, ông Lý hoan nghênh những diễn biến tích cực trên Biển Đông trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh những hoạt động diễn ra gần đây ở vùng biển chiến lược này không thể xem thường.
Các cuộc thảo luận chính thức về COC được triển khai sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc thống nhất dự thảo khung COC hồi tháng Tám. Theo ông Lý, đây là một cột mốc quan trọng.
COC là bộ văn kiện tập hợp các quy tắc pháp lý và hướng dẫn để tránh xảy ra xung đột cũng như giảm thiểu nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự ở Biển Đông.
Trong khi đó, lâu nay, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông.
“Điều quan trọng là chúng ta cần hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông tuân theo quy định của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước về Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982”, ông Lý cho biết.
Ông Lý cũng khẳng định, ông tin ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác theo chiều hướng tích cực và sớm tiến tới ký kết COC.
“Một khi giải quyết các vấn đề Biển Đông, chúng ta có thể duy trì quan hệ ASEAN – Trung Quốc theo chiều hướng tích cực hiện thời”, ông Lý nói thêm.
Ông Trump muốn là trung gian hòa giải tranh chấp Biển Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị làm trung gian hòa giải tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có tuyên bố ám chỉ phản đối ý tưởng của nhà lãnh đạo Mỹ cũng như từ chối mọi sự can thiệp sâu hơn của Washington trong các vấn đề liên quan tới chủ quyền Biển Đông.
“Tôi sẽ là một nhà hòa giải và trung gian giỏi”, ông Trump phát biểu trong buổi họp báo với Chủ tịch Trần Đại Quang tại thủ đô Hà Nội trước khi tới Manila tham dự hội nghị ASEAN hôm 12/11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. |
Tuy nhiên, lời đề nghị của ông Trump đã phải đối mặt với rào cản lớn từ phía Trung Quốc. Bởi lâu nay, Trung Quốc vẫn phản đối Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông cũng như chỉ trích mạnh mẽ hoạt động tuần tra mà hải quân Mỹ đang tiến hành gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Khi được hỏi về lời đề nghị của ông Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 13/11 cho hay, Trung Quốc vẫn duy trì cam kết “giải quyết tranh chấp với các bên liên quan thông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
“Chúng tôi tin các nước trong khu vực có đủ năng lực, khôn ngoan và sẵn sàng giải quyết vấn đề Biển Đông theo cách thích hợp. Chúng tôi hy vọng các nước không có chủ quyền ở Biển Đông sẽ tôn trọng nỗ lực của các bên trong cuộc trong việc duy trì hòa bình và ổn định cũng như đóng góp tích cực vào nỗ lực này”, AP dẫn lời ông Cảnh.
Với tư cách chủ tịch ASEAN 2017, Philippines nhấn mạnh các nước trong khu vực đã cùng nhau tham vấn và cảm ơn lời đề nghị của Tổng thống Trump.
Dù không phải là nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ vẫn khẳng định có lợi ích quốc gia ở khu vực cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do hàng không và hàng hải. Mỹ hy vọng các bên liên quan sẽ giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông theo con đường hòa bình.
Nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng ủng hộ hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của hải quân Mỹ và xem đây là thách thức trước hoạt động bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh như xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở vùng biển này trong những năm gần đây.