Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngHải quân Ấn Độ dè chừng TQ

Hải quân Ấn Độ dè chừng TQ

Triển khai cùng lúc nhiều tàu chiến, tuần tra 24/7 trên khắp các khu vực trọng yếu ở Ấn Độ Dương là cách mà hải quân Ấn Độ chuẩn bị để đối phó với sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng.

Hải quân Ấn Độ đang hoàn thành những kế hoạch tuần tra ngày đêm, rộng khắp Ấn Độ Dương giữa thời điểm Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện quân sự và tạo ảnh hưởng kinh tế tại khu vực. Kế hoạch được giới lãnh đạo quân sự nước này bàn thảo tại Hội nghị các chỉ huy hải quân diễn ra ở thủ đô New Delhi hồi cuối tháng 10, theo tờ The Economic Times.

Tuần tra 24/7

Tại hội nghị, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba đồng ý với kế hoạch tăng cường hoạt động tuần tra trên các tuyến đường biển quan trọng trong khu vực. Một số quan chức hải quân giấu tên tiết lộ kế hoạch mới bao gồm việc triển khai tàu chiến, máy bay dọc các tuyến lưu thông hàng hải quan trọng và những nút thắt trên biển như eo biển Malacca hay eo biển Sunda nối biển Java với Ấn Độ Dương.

Theo Đài India Today, tàu chiến nước này đã được triển khai thường trực tại Malacca và sẽ hiện diện nhiều hơn tại Sunda. Khoảng 70% dòng chảy thương mại toàn cầu được ước tính đi qua 2 eo biển chiến lược này.

 

 

 

Hải quân Ấn Độ dè chừng Trung Quốc - ảnh 1

 

 

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 của Ấn Độ Indian Defense Analysis

 

Số lượng tàu chiến được triển khai mỗi lần có thể lên đến 15 tàu, gồm khu trục hạm, hộ tống hạm, khinh hạm và các tàu tuần tra cỡ lớn. Những tàu này sẽ được duy trì, luân phiên hoạt động và được hỗ trợ bằng vệ tinh Rukmini cùng các máy bay tuần tra – săn ngầm P-8I, cất cánh mỗi ngày từ những căn cứ trong vùng.

Hoạt động tuần tra này nhằm duy trì sự hiện diện 24/7 của tàu chiến, kéo dài suốt năm tại khắp các khu vực thuộc Ấn Độ Dương từ vịnh Ba Tư, vịnh Aden ở phía tây cho đến eo biển Malacca ở phía đông, từ vùng bắc vịnh Bengal cho đến vùng biển phía đông nam châu Phi.

Những tàu được triển khai luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất ngờ như khủng bố, cướp biển, buôn người, buôn ma túy hay cứu trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai, tờ Times of India dẫn lời quan chức hải quân giấu tên tiết lộ.

Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Ấn Độ Dương, với giả định tấn công tàu ‘kẻ thù’, trong bối cảnh nước này có căng thẳng quân sự với Ấn Độ tại khu vực biên giới.

Kẻ thách thức khổng lồ

Đương nhiên, kế hoạch quan trọng trên cũng là bước đi nhằm theo dõi mọi động thái của Trung Quốc khi quân đội nước này ngày càng tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương.

Từ tháng 12.2013, Ấn Độ đã phát hiện ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân và 4 tàu ngầm quy ước của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, theo tờ Times of India. Từ tháng 5-6.2017, hàng chục tàu khu trục, tàu ngầm và tàu thu thập thông tin tình báo Trung Quốc xuất hiện trong khu vực.

Điều làm cho Ấn Độ lo ngại hơn là việc Trung Quốc đầu tư thiết lập căn cứ quân sự cũng như việc thuê cảng biển tại các nước lân cận để mở rộng tầm ảnh hưởng.

Hồi tháng 7, Trung Quốc bắt đầu triển khai lính đến căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của nước này tại Djibouti, phía đông châu Phi. Căn cứ nằm ở vị trí giao nhau giữa biển Đỏ với vịnh Aden giúp Trung Quốc tiếp cận với một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới đồng thời duy trì một lực lượng hải quân đáng kể tại khu vực.

 

 

 

Hải quân Ấn Độ dè chừng Trung Quốc - ảnh 3

 

 

Tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn tại Ấn Độ Dương trong vài năm qua Ảnh minh họa: Reuters

 

Trong cùng tháng, công ty quốc doanh CMPort của Trung Quốc đạt thỏa thuận thuê lại cảng nước sâu chiến lược Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm, gây lo ngại về việc Bắc Kinh sử dụng hải cảng này cho mục đích quân sự.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Bangladesh khi công ty CHEC của Bắc Kinh mua được phần lớn cổ phần tại cảng Payra. Ngoài ra, một công ty quốc doanh khác của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ mua lại 85% cổ phần tại hải cảng chiến lược Kyauk Pyu của Myanmar ở vịnh Bengal.

Thậm chí, nước này còn được cho là sẵn sàng từ bỏ dự án đập thủy điện gây tranh cãi Myitsone để được nhượng bộ ở những dự án chiến lược khác tại Myanmar gồm tại vịnh Bengal, theo Reuters. Hải cảng nước sâu này đặc biệt quan trọng với Trung Quốc vì là cửa ngõ cho một tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Trung Đông, tránh phải đi qua eo biển Malacca.

Những bước đi này là một phần trong đại dự án Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh đang từng ngày hoàn thiện. Đồng thời, nó cũng lý giải nguyên nhân mà hải quân Ấn Độ phải khẩn trương đẩy mạnh việc tuần tra kiểm soát tại khu vực trước “kẻ thách thức khổng lồ” Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới