Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hơn 100 chỉ huy quân sự cấp cao của nước này đã bị xử lý trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Ông Tập Cận Bình thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy sáng ngày 3/11/2017, trong vai trò Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, Tổng chỉ huy Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy (Ảnh: PLA Daily)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa được báo chí trong nước ca ngợi vì đã dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng 5 năm qua, trong đó số lượng tướng lĩnh của Quân giải phóng nhân dân (PLA) bị xử lý còn nhiều hơn số tướng lĩnh tử trận trong thời kỳ chiến đấu để thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Một bản lý lịch dài của ông Tập, do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã công bố hôm 17/11, viết: “Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), hơn 100 sĩ quan của PLA ở cấp quân đoàn hoặc cao hơn, bao gồm hai cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương (Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng), đã bị điều tra và xử lý.”
“Con số này thậm chí còn lớn hơn số lượng tướng lĩnh quân đội thiệt mạng trên chiến trường trong các thời kỳ cách mạng,” Tân Hoa Xã cho hay.
Bản lý lịch, dài hơn 10.000 chữ, được đăng tải khoảng 1 tháng sau khi ông Tập tái cử chức vụ Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng này (18-24/10/2017).
Trong quá trình “đả hổ diệt ruồi” trong PLA, ông Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh quân đội “phải trung thành tuyệt đối với ĐCSTQ”. Phát biểu tại căn cứ Chu Nhật Hòa trong lễ kỷ niệm 90 năm thành lập PLA hồi tháng 7/2017, ông yêu cầu PLA “vĩnh viễn nghe theo đảng, đi cùng đảng, đảng chỉ đâu thì đánh đó”.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập cũng cứng rắn ra lệnh quân đội rút khỏi tất cả hoạt động kinh doanh, bất chấp nhận được cảnh báo rằng cách làm này sẽ đụng chạm đến rất nhiều lợi ích nhóm.
Chống tham nhũng trong quân đội là một phần trong nỗ lực của chủ tịch Trung Quốc nhằm tái định hình các lực lượng vũ trang nước này, hướng tới mục tiêu cuối cùng là cải thiện năng lực tác chiến của PLA.
Trong thời gian đầu năm 2012, trước khi trở thành lãnh đạo tối cao, ông Tập đã chỉ trích quân đội Trung Quốc có nhiều bất ổn trong điều kiện chiến tranh hiện đại, công nghệ cao.
Đọc báo cáo chính trị trước đại biểu Đại hội 19 vào ngày 18/10, ông Tập Cận Bình đề ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2035 sẽ hiện đại hóa PLA, và đến giữa thế kỷ 21 sẽ chuyển mình hoàn toàn thành một lực lượng tầm cỡ thế giới.
“Tôi đọc rất nhiều về lịch sử Trung Quốc hiện đại, và vô cùng đau đớn mỗi khi lướt qua một giai đoạn mà chúng ta bị tụt hậu trong xây dựng quân đội, rồi trở thành nạn nhân của các cuộc xâm lăng,” ông Tập nói, nhấn mạnh sự lạc hậu trên lĩnh vực quân sự cũng là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
5 năm qua, nỗ lực của Bắc Kinh để thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước ở Trung Quốc ngày càng tập trung vào tuyên truyền những nỗi xấu hổ trong quá khứ, bao gồm các câu chuyện về việc triều đình nhà Thanh thất bại thê thảm khi đối đầu với quân đội Anh, Pháp hay Nhật Bản.
Cuộc diễu binh quy mô lớn trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 2015, để kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, cũng nhằm mục tiêu củng cố lòng tin vào quân đội Trung Quốc.