Thực hiện các thương vụ mua lại cổ phần công ty lớn của Nga, Trung Quốc có dễ thâu tóm doanh nghiệp trọng yếu chiến lược Nga?
Làn sóng đầu tư từ các công ty Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tại Nga đặc biệt là sau khi Nga tham gia sáng kiến hợp tác kinh tế liên lục địa “Một vành đai- Một con đường” của Bắc Kinh.
Theo ông Alex Methrell, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư toàn cầu của Công ty đầu tư VTB Capital có trụ sở tại Moscow cho biết, trong từ 18- 24 tháng qua, đã có ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trở thành chủ sở hữu tài sản chiến lược ở Nga, Đông Á và Trung Á.
Các hình thức đầu tư của Trung Quốc thường là mua lại cổ phần các công ty lớn của Nga.
Công bố của Công ty cung cấp và phân tích thông tin tích hợp cho đầu tư Dealogic, trong năm nay đã có tới 6 thương vụ mua bán cổ phần các công ty Trung Quốc tại Nga, trị giá 9,1 tỉ USD.
Các thỏa thuận lớn nhất chủ yếu nằm trong lĩnh vực dầu và khí đốt, được mua bởi các công ty quốc doanh của Bắc Kinh.
Từ lâu, Nga đã nằm trong số các nhà sản xuất dầu, khí tự nhiên, niken, vàng, kim cương và bạch kim hàng đầu thế giới, trong khi Trung Quốc lại là nước tiêu thụ và nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng này.
Tháng 9/2017, Tập đoàn tư nhân Trung Quốc CEFC China Energy hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực bao gồm dầu khí, tài chính, cơ sở hạ tầng giao thông, bất động sản… đã mua lại 14,16% cổ phần của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Nga Rosneft, hãng dầu mỏ lớn nhất thế giới được công nhận dựa theo sản lượng.
Thương vụ này trị giá 8 tỉ USD.
Theo con số mới nhất, Quỹ đầu tư chung giữa Trung Quốc và Nga vừa tăng số vốn cơ bản gấp đôi lên 2 tỉ USD, mở đường cho loạt giao dịch mới và tăng cường quan hệ tài chính giữa Bắc Kinh và Moscow.
Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành của quỹ trên cho biết, đây là một kênh hữu hiệu giúp Nga nhận được hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh khi chịu lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây.
Quỹ này đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào 19 dự án, bao gồm dịch vụ chia sẻ xe của Trung Quốc Didi Chuxing, một cây cầu đường sắt ở biên giới Nga- Trung, và chuỗi cửa hàng bán lẻ của Nga Lenta.
Sắp tới, quỹ sẽ rót vốn vào công ty dịch vụ dầu mỏ Nga Eurasia Drilling và công ty United Transport Concession Holding để tài trợ cho hai con đường mới ở Moscow và lưới vận tải đường sắt hạng nhẹ ở St Petersburg.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư 70% ở Nga và 30% ở Trung Quốc. Việc quản lý rủi ro tiền tệ của quỹ được thực hiện khá tốt ở Nga”- ông Dmitriev nói.
Báo SCMP cho hay, có hơn 73 dự án đầu tư trị giá 100 tỉ USD đã được các doanh nhân Trung Quốc và Nga thảo luận trong cuộc họp thứ ba của Ủy ban Tư vấn Kinh doanh Nga – Trung tại Bắc Kinh trong năm nay.
Trong đó, có khoảng 20 dự án trị giá 14 tỉ USD đang được thực hiện.
Con số đáng kể trong hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng cho cả hai bên trong tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn đối với Nga và mục tiêu đưa kinh tế Trung Quốc ra toàn cầu của Bắc Kinh.
Lo ngại kiểu đầu tư thâu tóm cổ phần công ty, tập đoàn chiến lược
Tuy nhiên, hình thức đầu tư thông qua thâu tóm cổ phần các công ty lớn của Trung Quốc đã từng gây nên các mối quan ngại.
Nguy cơ kinh tế Nga bị “nuốt chửng” bởi các Tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc đã được các giới chức Nga cảnh báo.
Bên cạnh các con số đầu tư, nhiều thỏa thuận có lợi cho Nga không được thực hiện thực chất. Trung Quốc đã hứa rất nhiều nhưng dự án của họ vẫn dậm chân tại chỗ, nguồn vốn cũng tới chậm và có khi… không tới.
Tỷ phú Gennady Timchenko- một trong những người bạn thân nhất của Tổng thống Putin được giao nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh cho biết: “Trong số hàng chục các dự án hợp tác với Trung Quốc chỉ có một ít được thực hiện”.
Các dự án của Trung Quốc thoạt nghe thì rất hoành tráng nhưng đến khi trao “tiền tươi thóc thật” thì mới ngã ngửa.
Đại biểu Duma Quốc gia Nga của Đảng Tự do Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban của Quốc hội về y tế, ông Sergei Furgal cho rằng việc Trung Quốc đầu tư và đòi hỏi chuyển các nhà máy của họ sang Viễn Đông chỉ có lợi cho Trung Quốc còn Nga thì gánh hậu quả môi trường nặng nề.
“Các quan chức của Bộ Phát triển Viễn Đông đã thỏa thuận về việc Trung Quốc chuyển tới Viễn Đông các nhà máy và xí nghiệp lạc hậu trong lĩnh vực xây dựng, luyện kim, năng lượng, chế tạo máy và đóng tàu, hóa chất, dệt may và xi măng, công nghệ thông tin và nông nghiệp” – ông Sergei Furgal nhấn mạnh.
Theo ý kiến của ông Furgal, gần như tất cả các lĩnh vực được liệt kê đều vô cùng ô nhiễm và nguy hiểm cho môi trường.
Các làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng như sự bất thành của nhiều dự án kinh tế mà Bắc Kinh hợp tác với châu Âu bị hủy bỏ đã giúp Nga có được các bài học nhãn tiền.
Đầu tư của Trung Quốc với số vốn dồi dào vẫn là lực hấp dẫn đối với Nga. Các thỏa thuận với giá trị khổng lồ được Trung Quốc ưu ái không chỉ riêng cho Nga nhưng chỉ qua vài trường hợp “trục trặc”, Moscow cũng sẽ hiểu ra cách thức đầu tư thâu tóm và vẽ bánh của Bắc Kinh.
Dẫu vậy, trong hợp tác song phương, Nga luôn bày tỏ tự tin vào lời Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong một cuộc họp báo: “Nga không phải là một quốc gia đang sợ bất cứ điều gì, và chắc chắn, hành động của Trung Quốc không nhằm vào bất cứ sự hấp thụ nào, chúng tôi quyết định cùng nhau, và chúng tôi không có những quyết định có hại mà chỉ sẽ tốt cho chúng tôi”.