Con số gây sốc nhất thuộc về dự án đường sắt đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình.
Một bản tin trên báo Tuổi trẻ cho biết: “Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội có tổng chiều dài 5,9km đi ngầm dưới lòng đất, ước tính chi phí đầu tư trung bình 5.888 tỉ đồng/km, tương đương 259 triệu USD/km theo tỉ giá hiện hành. Sau khi các bộ, ngành cho ý kiến thẩm định về đơn giá, suất đầu tư dự án, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư dự án.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án giảm từ 34.743 tỉ đồng đã được rút xuống còn 28.918 tỉ đồng, tức giảm 5.825 tỉ đồng. Như vậy, trung bình 1km đường sắt đô thị được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỉ đồng.Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình thuộc danh mục các dự án, công trình trọng điểm, được bố trí vốn ngân sách để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020”.
Thật là một con số gây choáng váng. Chỉ một dự án được tính toán lại, các chi phí được điều chỉnh giảm gồm chi phí xây dựng, chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt hệ thống đường sắt, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, chi phí lãi vay, và chi phí dự phòng… thế mà đã dôi ra được khoảng 1.000 tỷ đồng/1km đường sắt. Toàn dự án giảm được 5.825 tỷ đồng, số tiền đủ để đầu tư cho một công trình lớn khác.
Nếu không có sự rà soát, tính toán lại này, ngân sách lại mất đứt gần 6000 tỷ đồng cho các chi phí chưa hợp lý trong dự án, và tiền để làm dự án này có 80% từ nguồn vốn ODA vay từ nước ngoài. Điều đó có nghĩa là gánh nặng nợ công sẽ lại tăng lên.
Có người bình luận: Chỉ một hành động “rà soát lại” mà đã giảm được gần 6000 tỷ đồng thế này, liệu có khi nào “rà soát thêm” lần nữa thì sẽ lại giảm được vài ngàn tỷ đồng nữa không? Thêm vào đó, xem còn dự án nào đang chuẩn bị triển khai thì mang ra rà soát tiếp, chắc sẽ tiết kiệm được cho ngân sách một khoản lớn tiền.
Ý kiến này cũng không phải là không có lý. Nếu không rà soát, tính toán lại, gần 6000 tỷ đồng đã bị chi ra lãng phí, hoặc chưa thực sự cần thiết. Và người dân chúng ta, chứ không phải ai khác, chính là những người phải đóng thuế để trả nợ công quốc gia. Ai biết được nếu không có việc “tính toán lại” này, gần 6000 tỷ đồng ấy sẽ được chi tiêu như thế nào?
Những con số vài chục ngàn tỷ đồng cho những dự án xây dựng hạ tầng giao thông thực sự quá lớn với người nghèo, không ai hình dung ra nổi nó là bao nhiêu tiền. Những người nghèo đang phải chi tiêu tằn tiện với giá xăng, giá điện, chi phí giáo dục, y tế, thực phẩm đều đang tăng lên mỗi ngày. Vì vậy bớt đi được gần 6000 tỷ đồng ở một dự án, những người nghèo sẽ đỡ được gánh nợ công đi chút ít.
Vấn đề là không phải dự án nào cũng được đem ra “rà soát lại” như dự án này.
Và còn biết bao nhiêu những con số ngàn tỷ khác, đã bị chi tiêu cho những mục đích không đáng chi mà không ai biết chúng đã về đâu?
Trả lời được câu hỏi này, gánh nặng nợ công của quốc gia sẽ mới có cơ may giảm nhẹ.