Sunday, January 5, 2025
Trang chủQuân sựTQ "giật mình" trước động thái quân sự thành công bất ngờ...

TQ “giật mình” trước động thái quân sự thành công bất ngờ của Ấn Độ

Ấn Độ hôm 22/11 đã lần đầu tiên bắn tên lửa nhanh nhất thế giới BrahMos từ chiến đấu cơ Sukhoi Su-30. Vụ bắn tên lửa này đã diễn ra thành công, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay. Nhà sản xuất tên lửa BrahMos nhận định, vụ bắn thử trên “có thể sẽ là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi cho bất kỳ lực lượng không quân nào trên thế giới”.

“Lần thử nghiệm phóng tên lửa BrahMos từ chiến đấu cơ Su-30MKI đầu tiên đã diễn ra thành công và điều này sẽ giúp tăng đáng kể năng lực chiến đấu tầm xa của Không quân Ấn Độ”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố vừa được phát đi. Một chiếc chiến đấu cơ Su-30 được cải tiến đã cất cánh từ căn cứ không quân Kalaikunda ở Tây Bengal và phóng đi một quả tên lửa nhằm vào một chiếc thuyền hỏng ở Vịnh Bengal.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã chúc mừng quân đội và các nhà chế tạo tên lửa ở BrahMos Aerospace, miêu tả đó là “một thành tựu nổi bật”. Các vụ thử tên lửa từ máy bay được xem là hành động chứa nhiều nguy cơ. Hàng chục máy bay đã từng bị phá hủy trên thế giới trong những vụ thử nghiệm như vậy.

Vụ thử trên cho thấy tên lửa BrahMos hiện giờ đã sẵn sàng được đưa vào biên chế của Không quân Ấn Độ, một quan chức cấp cao trong chính phủ của Ấn Độ cho tờ Thời báo Hindustan biết. Ấn Độ có kế hoạch trang bị cho Không quân ít nhất hai phi đội chiến đấu cơ Su-30, bao gồm 18 chiếc, được trang bị tên lửa hành trình.

Tên lửa BrahMos là một loại vũ khí do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển. Chương trình tên lửa BrahMos là một liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ với Công ty NPO Mashinostroeyenia của Nga. Cái tên BrahMos là sự kết hợp giữa tên hai dòng sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moscow ở Nga.

Tên lửa BrahMos được đánh giá là một trong những tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn nhanh nhất thế giới.

Tên lửa BrahMos có tầm bắn khoảng 290 km và có thể mang tới 300 kg đầu đạn thông thường. Tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa là 2,8 Mach, nhanh gấp 3 lần so với tên lửa hành trình siêu thanh Tomahawk của Mỹ. Tên lửa BrahMos được thiết kế dựa trên phiên bản tên lửa 3M55 Yakhont (SS-N-26) của Nga.

Tổng giám đốc liên doanh Nga-Ấn Độ BrahMos Aerospace – ông Sudhir Mishra từng đưa ra nhận định rằng, một quả tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Nga và Ấn Độ cùng phát triển có thể khiến bất cứ kẻ thù nào cũng trở nên “bất lực”. Một tên lửa như BrahMos “có thể là thứ vũ khí làm thay đổi cuộc chơi của bất kỳ Không lực nào trên thế giới”, ông Mishra nói thêm. Ấn Độ đã đưa các phiên bản hải quân và lục quân của tên lửa Brahmos vào biên chế. Và với vụ phóng thành công mới nhất nói trên, Ấn Độ sắp hoàn thành mục tiêu đưa bộ ba loại tên lửa Brahmos với các phiên bản mặt đất, hải quân và không quân vào biên chế của quân đội, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, trong tương lai, chiến đấu cơ Su-30MKI có thể không chỉ mang một tên lửa BrahMos mà còn mang thêm ba phiên bản nhỏ hơn của loại tên lửa này. Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch triển khai một tên lửa BrahMos được nâng cấp với tầm bắn mở rộng lên tới 450km.

Thông tin về việc Ấn Độ lần đầu tiên bắn thử tên lửa BrahMos từ chiến đấu cơ Su-30 chắc chắn sẽ khiến nước láng giềng Trung Quốc không khỏi lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh hai nước gần đây liên tục có những cuộc đối đầu ở khu vực biên giới tranh chấp.

Có thể nói, dù hai nước Trung, Ấn đã và đang nỗ lực tăng cường hợp tác với nhau nhưng giữa họ vẫn tồn tại nhiều sự nghi kỵ, kình địch và mâu thuẫn. Bắc Kinh cảm thấy bất an trước mối quan hệ Ấn-Mỹ, trong khi New Delhi hoài nghi sự gắn bó giữa Trung Quốc và Pakistan. Hai cường quốc hàng đầu Châu Á còn cạnh tranh quyết liệt với nhau về ảnh hưởng chính trị trong khu vực cũng như các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế ở mỗi nước. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ còn có cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài và đã từng leo thang thành một cuộc chiến tranh năm 1962. Bất chấp hàng loạt vòng đàm phán cấp cao đã diễn ra, Trung Quốc và Ấn Độ đến nay vẫn chưa thể giải quyết được cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới