Lục quân Mỹ đã phát hiện nhiều lỗ hổng và thiếu sót trong hệ thống thông tin liên lạc chiến trường mới.
Tờ Foreign Policy cho hay, hệ thống thông tin liên lạc chiến trường trị giá 6 tỷ USD của Lục quân Mỹ, gọi là Warfighter Integrated Network – Tactical (WIN-T), nhiều khả năng sẽ bị Nga hoặc Trung Quốc xâm nhập/phá vỡ trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn, khiến nó trở nên vô dụng trước các đối thủ có trang bị tinh vi.
Lục quân Mỹ cho biết, họ cần ít nhất 2 năm để cho ra đời một hệ thống mới hiệu quả hơn, có thể cung cấp mạng lưới thông tin chiến thuật mà các binh sĩ Mỹ cần đến như khi hoạt động ở Afghanistan và Iraq.
Theo các quan chức Mỹ, mặc dù đã phát hiện nhiều lỗ hổng và thiếu sót trong chương trình này từ vài tháng gần đây nhưng Lục quân Mỹ vẫn sẽ hoàn tất triển khai hệ thống liên lạc mới cho toàn quân trong 2 năm tới. Trong thời gian này, họ sẽ cố gắng nhanh chóng nâng cấp những gì có thể, đồng thời tìm kiếm giải pháp mới.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang thúc giục Lục quân tìm kiếm các phương án khắc phục hệ thống thông tin liên lạc mới và chỉ thông qua một nửa trong khoản chi 420 triệu USD mà Lục quân Mỹ đã đề xuất để hoàn tất triển khai hệ thống này vào năm 2018.
Do WIN-T là ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển và hiện đại hóa của Lục quân Mỹ thời gian gần đây nên phát hiện bất ngờ trên đã làm nổi cộm các vấn đề lớn hơn trong cơ cấu mua sắm trang thiết bị của Lục quân Mỹ.
Đáng nói, phát hiện này lại được nêu ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc gia tăng lo ngại rằng, các lực lượng Mỹ đang mất đi ưu thế công nghệ truyền thống trước các đối thủ chiến lược của mình như Trung Quốc và đặc biệt là Nga. Trước đó, Moscow đã chứng tỏ lợi thế tác chiến điện tử của mình trong cuộc xung đột ở Ukraine.
“Có thể thấy nhiều dấu hiệu cảnh báo qua những gì từng diễn ra ở Ukraine” – một quan chức giấu tên, nắm rõ tình hình phát triển của chương trình WIN-T cho hay.
Tuần trước, Tướng Mark Milley – Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ đã đánh giá hệ thống WIN-T “vô cùng, vô cùng mong manh” và “có thể bị tấn công bằng những phương thức đối phó tinh vi”.
Theo các lãnh đạo Lục quân Mỹ, sẽ phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc để có thể khắc phục được hệ thống này.
“Có lẽ sẽ mất 2 năm để điều chỉnh”, Thứ trưởng Lục quân Ryan McCarthy phát biểu trong cuộc họp với Tướng Milley, “Về việc thay đổi kết cấu của mạng lưới, quy mô sẽ rất lớn”.
Trả lời tờ Foreign Policy, một quan chức Lục quân cho biết, WIN-T “không đáp ứng được yêu cầu hoạt động” trong môi trường tác chiến mà tại đó, đối thủ có khả năng xâm nhập hoặc gây nhiễu điện tử.
“Mạng lưới mà chúng tôi đang có hiện nay không phải là thứ chúng tôi cần cho cuộc chiến đó”, vị này nói.
Kể từ khi được giới thiệu vào năm 2004, các hệ thống máy tính, phần mềm, radio đã được hoan nghênh như một bước chuyển mình đột phá trong lĩnh vực thông tin liên lạc trên chiến trường.
Trên lý thuyết, WIN-T cho phép binh sĩ Mỹ trên chiến trường theo dõi các động thái từ phía lực lượng đối tác và đối địch với Mỹ thông qua các thiết bị cầm tay, đồng thời có thể xem được các video do máy bay không người lái truyền phát tới và liên lạc với sở chỉ huy.
Khi được triển khai tới Afghanistan lần đầu tiên năm 2013, hệ thống này đã chứng tỏ rằng nó có thể truyền thông tin theo cách mà giới chỉ huy Mỹ đã hình dung. Tuy nhiên, khi ấy, đối thủ của Mỹ không có khả năng nghe trộm hoặc gây nhiễu hệ thống liên lạc.
Trong bối cảnh các nhà hoạch định quân sự đang hướng tới những kịch bản chiến tranh phức tạp hơn ở châu Âu thì những thiếu sót của WIN-T càng trở nên rõ ràng.
Hệ thống này có rất ít khả năng chống chọi trước các phương thức tác chiến điện tử của đối phương, nó cồng kềnh và cần tới 2 ngày để thiết lập hoạt động, đòi hỏi phải có trạm chỉ huy lớn với nhiều máy chủ và ăng-ten.
Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại rằng những trạm chỉ huy đó sẽ trở thành mục tiêu thu hút các cuộc tấn công của những đối thủ có trang bị tinh vi.
Đối với bất kỳ cuộc chiến nào có khả năng xảy ra ở châu Âu, Lục quân Mỹ đều ưu tiên khả năng cơ động và tốc độ. Trong khi đó, với hệ thống liên lạc hiện tại, họ khó có thể duy trì 2 tiêu chí này.