Monday, December 23, 2024
Trang chủĐàm luậnTrung Quốc quay trở lại sự cai trị của người hùng? (Phần...

Trung Quốc quay trở lại sự cai trị của người hùng? (Phần 2)

Các câu hỏi lớn nhất về kỷ nguyên mới của Trung Quốc xoay quanh nghị trình của Tập Cận Bình. Ít người trông đợi ông sẽ trở thành một nhà cải cách chính trị khi xét tới các hoạt động đàn áp xã hội dân sự và tự do Internet trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Cai trị bằng pháp luật

Thế nhưng những người lạc quan tin rằng uy quyền tối cao mới có được của Tập Cận Bình sẽ đem lại cho ông quyền tự do theo đuổi những thay đổi khác, đề xuất các cải cách ủng hộ kinh tế thị trường và tái cơ cấu hệ thống tư pháp của Trung Quốc để hệ thống này bảo vệ các quyền sở hữu và thúc đẩy sự phát triển một cách hiệu quả hơn. 

Trên thực tế, hầu như không có dấu hiệu cho thấy một làn sóng cải cách kinh tế mới sẽ sớm xuất hiện. Tập Cận Bình giành được quyền lực rất lớn trong nhiệm kỳ đầu của mình, đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng vào năm 2013 để cải tổ nền kinh tế Trung Quốc nhằm mục đích, theo như kế hoạch ghi, “cho phép các lực lượng thị trường đóng một vai trò quyết định”. Thế nhưng ngay cả khi đó, ông mới chỉ đạt được tiến bộ khiêm tốn. Nhờ vào chính sách tiền tệ dễ dãi của mình, mô hình tăng trưởng được tín dụng tiếp sinh lực và được đầu tư thúc đẩy của Bắc Kinh vẫn tiếp tục được giữ nguyên, làm tăng tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc từ 215% vào năm 2012 lên 242% vào năm 2016. Và cho dù các doanh nghiệp nhà nước mắc nợ rất nhiều của Trung Quốc là một sự ngáng trở đối với nền kinh tế đất nước, họ vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong tầm nhìn về tương lai của Tập Cận Bình. Vào tháng 7/2016, ông lập luận rằng các công ty này nên được làm cho “hoàn toàn mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”.

Sự tự tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào những chính sách hiện hành là một lý do nữa để các nhà quan sát giảm bớt hy vọng của họ về cải cách kinh tế. Bất chấp những cảnh báo về nợ không bền vững tạo ra một thảm họa tài chính, Bắc Kinh vẫn chưa phải trả một cái giá thực sự cho việc tiếp tục bám lấy chiến lược hỗ trợ tăng trưởng bằng cách bơm tín dụng. Quả thực, thành tích kinh tế gần đây của Trung Quốc – GDP của nước này gần như chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu chính thức là từ 6,5% tới 6,7% trong năm nay – đã làm sâu sắc hơn nữa niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào mô hình hiện nay. Cuối cùng, vì các cải cách kinh tế quyết liệt trong quá khứ đều được thúc đẩy bởi các cú sốc hay khủng hoảng, các nhà quan sát nên loại bỏ khả năng Bắc Kinh sẽ theo đuổi các thay đổi sâu sắc khi nền kinh tế vẫn phát triển tương đối tốt như hiện nay.

Thay vì vậy, nhiều khả năng ưu tiên chính trị của Tập Cận Bình trong tương lai gần sẽ là cải tổ hệ thống tư pháp của Trung Quốc, không phải nhằm mục đích thiết lập pháp trị thực sự mà là để hiện thực hóa sự cai trị bằng pháp luật, theo đó nhà nước sẽ sử dụng hệ thống tư pháp để duy trì sự kiểm soát về chính trị, xã hội và kinh tế. Nếu điều này trở thành hiện thực, sự thụt lùi, chứ không phải tiến bộ, sẽ là hệ quả dễ xảy ra hơn. 

Có 3 dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình sẽ tập trung vào cải cách tư pháp. Thứ nhất, đại hội đã ủng hộ kế hoạch của Tập Cận Bình cải tổ hệ thống tư pháp bằng việc thiết lập một “tiểu ban lãnh đạo về quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật”, một cơ quan sẽ do Tập Cận Bình lãnh đạo. Tiếp theo, Tập Cận Bình đã chỉ định đồng minh tin cậy nhất của ông, Lật Chiến Thư, làm Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp của đất nước, mà sẽ soạn thảo và thông qua các luật cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn của Tập Cận Bình. Cả hai hành động này đều cho thấy cải cách tư pháp sẽ sớm nhận được nhiều sự chú ý ở cấp cao. Cuối cùng, Tập Cận Bình là người hoàn toàn tin tưởng vào truyền thống cai trị bằng pháp luật của Trung Quốc, và trọng tâm của nhóm lãnh đạo mới về quản lý “toàn diện” phản ánh tham vọng đó.

Chắc chắn là Tập Cận Bình đã thông qua một số luật lớn nhằm mục đích kiểm soát xã hội trong nhiệm kỳ đầu của ông, thắt chặt các hoạt động an ninh mạng của Trung Quốc và hạn chế các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nhưng còn nhiều điều cần phải làm để tái khẳng định quyền lực của đảng đối với xã hội và đem lại một nền tảng pháp lý vững chắc cho chủ nghĩa độc đoán cứng rắn. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể áp đặt các hạn chế bổ sung đối với các tổ chức phi chính phủ trong nước, giới thiệu các luật mới về giáo dục ý thức hệ tại các trường đại học và cao đẳng, hay viết lại luật hình sự để chúng trở thành những công cụ còn hiệu quả hơn trong việc đàn áp sự bất đồng chính kiến trong nước. Mục tiêu là biến Trung Quốc từ một chế độ phân quyền, hậu chuyên chế thành một chế độ chuyên chế cứng rắn do một đảng có kỷ luật theo chủ nghĩa Lenin nắm quyền. 
Hành chính quan liêu 

Trong ngắn hạn, các kế hoạch của Tập Cận Bình sẽ không vấp phải nhiều sự kháng cự công khai. Việc ông đàn áp sự bất đồng chính kiến và xã hội dân sự đã và đang có hiệu quả một cách đáng ngại và đã loại bỏ bất cứ mối đe dọa đáng kể nào đối với sự cầm quyền của chế độ trong tương lai gần. Ưu thế tuyệt đối của Tập Cận Bình bên trong đảng hiện lấn át tới mức khó có thể tin được rằng bất cứ ai trong số các đồng nghiệp của ông dám thách thức ông. 

Sự kháng cự thực sự đối với các tham vọng của Tập Cận Bình sẽ đến từ bộ máy hành chính quan liêu khổng lồ của Trung Quốc. Có số lượng lên tới hàng triệu người, các quan chức cấp trung và cấp thấp của chế độ trước hết là các cá nhân tư lợi, và họ chú tâm đến việc gia tăng đặc quyền và sự giàu sang của chính họ nhiều hơn là thúc đẩy các mục tiêu ý thức hệ mơ hồ. Khi Tập Cận Bình phá bỏ việc chia sẻ quyền lực và lợi lộc vốn đặc trưng cho trật tự hậu sự kiện Thiên An Môn của Trung Quốc, triển vọng về tiền bạc và quyền lực của các quan chức nhà nước này đã mờ nhạt đi đáng kể.

Không còn các phe nhóm của giới tinh hoa để tham gia hay nhiều nhà bảo trợ để phục vụ. Ngày nay, mọi quan chức phải ganh đua để có được ân huệ từ một chế độ do một phe duy nhất thống trị, và có ít con đường để thăng tiến hơn so với trước khi Tập Cận Bình nắm quyền. Tệ hơn, chiến dịch đàn áp chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã loại bỏ quà hối lộ và bổng lộc xa hoa vốn từng đảm bảo cho đời sống của các quan chức trong hầu hết 2 thập kỷ qua. Trừ phi Tập Cận Bình nhượng bộ và cho phép các quan chức bình thường của chế độ lại bắt đầu thu vén cho bản thân, lòng trung thành sẽ mất đi sức hút của nó.

Chắc chắn là hầu hết các công chức cấp thấp sẽ không rời khỏi đảng hay công khai thể hiện sự bất mãn của họ. Thay vì vậy, họ sẽ làm điều mà các quan chức Trung Quốc đã làm trong hàng nghìn năm qua: kháng cự một cách thụ động các sắc lệnh từ phía trên. Mục tiêu của các quan chức sẽ là khiến Tập Cận Bình phải coi trọng giá trị của họ và tưởng thưởng thích đáng cho họ, có lẽ bằng việc chấm dứt chiến dịch chống tham nhũng và đợt vận động thắt lưng buộc bụng của Trung Quốc. Cách thức duy nhất để đạt được mục tiêu này sẽ là làm chậm lại bộ máy hành chính của chế độ và cản trở động cơ kinh tế của Trung Quốc bằng các thủ đoạn hành chính quan liêu nhằm mục tiêu thu hút sự chú ý của Tập Cận Bình. Cho dù uy quyền của Tập Cận Bình có vững chắc tới đâu, nó sẽ nhanh chóng bị xói mòn nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong hơn một vài năm, và các quan chức Trung Quốc biết điều này.

Tập Cận Bình sẽ không phải nhà lãnh đạo tối cao đầu tiên của Trung Quốc phải đối mặt với một bộ máy quan liêu ngoan cố. Mao Trạch Đông đã đối đầu với một thách thức tương tự vào đầu những năm 1960, khi ông cho rằng các quan chức trong đảng thiếu sự hăng hái ý thức hệ cần thiết. Một trong số các động cơ của ông trong việc khởi động cuộc Cách mạng văn hóa là sử dụng sự khiếp sợ lan rộng để đưa bộ máy quan liêu vào kỷ cương và khôi phục tinh thần cách mạng của nó. 
Thế nhưng Tập Cận Bình không phải là người tin vào các phong trào quần chúng, và ông thiếu sức hút của Mao Trạch Đông, người có thể huy động hàng trăm triệu người dân Trung Quốc bình thường đi tới hành động. Thay vì vậy, ông phải tìm cách mở rộng quyền lực của mình từ cấp Ban chấp hành trung ương đảng tới các tỉnh, thành phố và huyện của Trung Quốc. Đó sẽ là một tiến trình khó nhọc và tốn nhiều thời gian, cần tới chẳng hạn một động lực lớn để xem xét và tuyển mộ các công chức có triển vọng ở cấp địa phương. 

Nhiều quan chức cấp trung và cấp thấp sẽ tham gia phe cánh của Tập Cận Bình. Nhưng khi cơ sở ủng hộ của ông mở rộng, việc này cũng có thể gieo rắc mầm mống cho các cuộc đấu tranh bên trong đảng. Nhận ra rằng cuộc chiến tiếp theo giành quyền lực chính trị tuyệt đối sẽ được tiến hành trong 10 đến 15 năm nữa, khi Tập Cận Bình sắp từ bỏ quyền lực, những người ủng hộ bề ngoài trung thành với ông sẽ quan tâm đến việc gia tăng quyền lực của riêng họ nhiều hơn là thực thi nghị trình của Tập Cận Bình. Đây là điều đã xảy ra trong cuộc Cách mạnh văn hóa: Sau khi Mao Trạch Đông chế ngự các đối thủ của mình, những người trung thành với ông gồm phe của Lâm Bưu và Bè lũ 4 tên đã nhanh chóng quay sang chống lại nhau do lo sợ nhóm kia đang củng cố vị thế để kế nhiệm vị chủ tịch cao tuổi. 
Dưới sự kiểm soát của Tập Cận Bình 

Trong những năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu ra rằng việc tập trung quyền lực vào tay một nhân vật duy nhất có thể báo hiệu thảm họa cho đảng. Đó là lý do giải thích tại sao những người sống sót sau cuộc Cách mạng văn hóa đã tập hợp lại vào những năm 1980 để đảm bảo rằng một nhà lãnh đạo kiểu Mao Trạch Đông không bao giờ có thể cầm quyền ở Trung Quốc lần nữa. Những thay đổi mà nhóm đó đưa ra – chẳng hạn như sự lãnh đạo tập thể, các quy định không chính thức về việc kế nhiệm, và những đảm bảo ngầm về an ninh cho các lãnh đạo cấp cao – đã đem lại một mức độ ổn định trong giới tinh hoa, điều chưa từng thấy trong lịch sử của đảng. Chúng cũng giúp chế độ tránh mắc phải những sai lầm nguy hiểm mà có thể xảy ra sau việc củng cố quyền lực vào tay một cá nhân.

Các quan chức Trung Quốc dường như đã quên những bài học đó. Giờ đây khi ĐCSTQ đã quay trở lại sự cai trị của người hùng, tương lai của nó gần như sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng các quyết định của Tập Cận Bình. Sẽ có một vài hạn chế đối với cách thức ông đưa ra các quyết định. Lần cuối đảng có một nhà lãnh đạo với quyền lực không được kiểm soát như vậy, hậu quả đã rất tai hại. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng lần này các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết họ đang làm điều gì – và kết quả sẽ khác

RELATED ARTICLES

Tin mới