Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTên lửa Triều Tiên có thể chạm tới Washington

Tên lửa Triều Tiên có thể chạm tới Washington

Loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Triều Tiên phóng xuống biển Nhật Bản rạng sáng 29-11 có thể “mạnh nhất từ trước tới nay”, báo Guardian (Anh) nhận định.

Sau hơn hai tháng tạm lắng, căng thẳng về tình hình hạt nhân bán đảo Triều Tiên có nguy cơ leo thang trở lại sau hành động phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại một cuộc họp ở Nhà Trắng cùng các lãnh đạo Cộng hòa ngày 29-11 rằng: “Tôi sẽ chỉ nói rằng chúng tôi sẽ lo vụ này… Đó là tình huống mà chúng tôi sẽ xử lý”.

Triều Tiên đã tiến bộ chóng mặt

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định loại tên lửa Triều Tiên phóng lần này “đi theo quỹ đạo cao hơn bất kỳ lần phóng nào trước đây”, theo Reuters.

 Tên lửa vừa qua của Triều Tiên được cho đã di chuyển trong khoảng 50 phút, đạt độ cao 4.500 km so với mặt đất và đi được 1.000 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.

Báo Guardian so sánh rằng độ cao của tên lửa này gấp 10 lần so với quỹ đạo vệ tinh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Ngoài ra theo tính toán, đây là loại tên lửa mạnh nhất trong số ba loại ICBM mà Triều Tiên đã phóng thử tính tới nay. 

Trước đây vào các ngày 4-7 và 28-7, tên lửa Triều Tiên được phóng đi theo quỹ đạo vòng cung và có thời gian di chuyển tương ứng là 37 phút và 47 phút.

Tên lửa Triều Tiên có thể chạm tới Washington - Ảnh 2.
Sơ đồ đường bay của tên lửa do Triều Tiên phóng rạng sáng 29-11 – Ảnh: AFP

Tạp chí New Scientist dẫn lời nhà khoa học nghiên cứu tên lửa người Mỹ David Wright viết trên trang allthingsnuclear.org rằng: “Nếu các số liệu chính xác, thì trong trường hợp tên lửa này đã bay trong một quỹ đạo chuẩn thay vì vòng cung, nó sẽ đạt tầm bắn hơn 13.000 km. Loại tên lửa như thế này sẽ thừa sức bay tới thủ đô Washington (Mỹ)”.

Trong khi đó Mira Rapp-Hooper, chuyên gia an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Trường Luật Yale và Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói rằng việc phóng tên lửa vào ban đêm “là một vấn đề vì nó liên quan tới điều kiện hoạt động”. 

Ông nói: “Bệ phóng di động là vấn đề quan tâm vì điều đó có nghĩa năng lực tên lửa của Triều Tiên đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Chúng ta không thể đẩy lùi một tên lửa trên một bệ phóng nếu không có bệ phóng và không biết nó được phóng từ đâu”.

Dư luận dậy sóng

Mỹ và Nhật Bản ngày 29-11 đã nhanh chóng kêu gọi Liên Hiệp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn về sự kiện phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong khi đó quân đội Hàn Quốc tiến hành một đợt tập trận “tấn công chính xác”, theo hãng thông tấn Yonhap.

Với việc liên tiếp chứng kiến các đợt phóng tên lửa của Triều Tiên rơi vào vùng biển gần mình, Nhật Bản dĩ nhiên là nước phản ứng mạnh mẽ.

Trong tuyên bố trước phóng viên cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ qua hành động khiêu khích (của Triều Tiên)… Cộng đồng quốc tế cần nhất loạt nỗ lực để thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt”.

Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án vụ phóng tên lửa mới đây là “sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với các nghĩa vụ quốc tế của Triều Tiên”.

Phát ngôn viên EU tuyên bố: “Thông điệp của EU rõ ràng là: Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, vũ khí huỷ diệt hàng loạt và các chương trình tên lửa đạn đạo một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, thực hiện ngay lập tức việc chấm dứt tất cả các hoạt động liên quan và trở lại với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các biện pháp tự vệ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA”.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng lên án hành động thử tên lửa của Triều Tiên, cho đây là hành vi “phá hoại an ninh khu vực và quốc tế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới