Náo nức xem gỡ bom, nhảy vào chỗ nguy hiểm nhất xem xả lũ, đồng loạt dừng xe trên cao tốc xem cháy, kéo nhau bằng xe máy đi xem tai nạn – sự hoang dã, mông muội đang quay lại thế giới văn minh.
Hôm qua, báo chí đồng loạt đưa tin, đăng ảnh người ta chen chân lên cầu Long Biên xem bộ đội công binh rà phá quả bom dưới sông. Đây là loại bom lớn, dùng để phá hoại cầu. Nghĩa là, nếu quả bom đó phát nổ dưới sông, với sức công phá khủng khiếp, nó sẽ làm sập cầu. Nói dại, lỡ quả bom phát nổ, những người đứng xem trên cầu liệu còn mạng sống?
Trước đó mấy hôm, một vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ở khu đô thị Linh Đàm, dưới chân đường vành đai trên cao của Hà Nội. Cả đoàn xe tải, xe khách, xe hơi đồng loạt đỗ lại trên cao tốc để… xem đám cháy. Những gã lái xe thản nhiên chỉ trỏ, bình phẩm, khiến đường trên cao tắc nghẽn nhiều cây số.
Còn nhớ hồi tháng 7, khi đập thuỷ điện Hoà Bình xả lũ, đám đông ào ào nhảy vào sát dòng lũ xả với sức mạnh kinh hoàng để xem cho đã mắt. Dòng lũ ấy, nhìn qua ảnh đã thấy sức mạnh khủng khiếp, có thể cuốn phăng bất cứ thứ gì nó gặp trên đường đi.
Vào tháng 3, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa xe khách và xe tải xảy ra ở Nghệ An khiến nhiều người thương vong. Những người hiếu kỳ ở xã Nghĩa Xuân gần đó nghe tin tai nạn kéo nhau đến xem. Trong số đó, 3 chú cháu chở nhau bằng xe máy đi xem tai nạn thì bị xe đầu kéo nổ lốp tông trúng khiến cả 3 chết thương tâm.
Một lần đi ngang qua vụ tai nạn trên đường, tôi tận mắt chứng kiến chiếc xe buýt của Xí nghiệp xe điện Hà Nội đột nhiên phanh gấp lại. Lái xe điềm nhiên kéo cửa sổ ra ngắm nghía tai nạn bên kia đường, mặc do dòng xe đằng sau nối dài còi inh ỏi…
Một giáo sư người Việt đang dạy ngôn ngữ tại đại học Western Sydney (Australia) xuất bản cuốn từ điển giải thích những cụm từ tương đương Anh – Việt. Trong cuốn từ điển này, với hiểu biết văn hoá sâu sắc, ông có thể giải thích những cụm từ rất khó, ví dụ “vải lanh” sang tiếng Anh và người Úc hiểu rất sát nghĩa.
Tuy nhiên, thời ông xuất bản từ điển hơn chục năm trước, có 2 từ mà ông mất nhiều năm nhưng không thể tìm ra cách giải thích cho người Úc nói riêng và người nước ngoài nói tiếng Anh hiểu được. Đó là “rải đinh” và “hôi của”.
Ông cho biết, dù có giải thích thế nào thì người Úc cũng chỉ hiểu rất lờ mờ, không thể sát nghĩa. Theo ông, ở thế giới văn minh đó, người ta không bao giờ mường tượng được ở nơi nào đó trên trái đất lại có những kẻ đang tâm rải đinh bẫy xe qua lại, gây tai nạn, thậm chí lấy đi mạng người để được vá xe, kiếm tiền “mưu sinh”.
Với những hành động gói gọn trong 2 từ này, ông Giáo sư kết luận, đó là sự phi nhân tính, kéo con người quay trở về thủa ăn lông ở lỗ trong môi trường đầy hoang dã, mông muội, chưa có bất kỳ sự tiến hoá nào của loài người.
Trở lại những chuyện nêu ở phần đầu, tôi cũng cho rằng, những kẻ chen chân lên cầu Long Biên xem tháo gỡ quả bom; những kẻ nhảy sát vào dòng nước xiết xem xả lũ hay đồng loạt dừng xe giữa cao tốc xem đám cháy, chở nhau đi xem tai nạn hành động bản năng như thời ăn lông ở lỗ. Họ đang vô tình tích cực kéo xã hội quay trở lại thời kỳ chưa có văn minh loài người.
Đáng lẽ, cái bản năng mông muội ấy của không ít người sẽ phải dần mất đi theo tiến trình văn minh xã hội. Thế nhưng, đáng tiếc là dường như nó lại ngày càng phát triển, lớn mạnh và lan tỏa một cách đáng sợ.
Thiếu giáo dục, vô ý thức, thiếu văn hoá. Đó là những nguyên chính khiến không ít người hành động hoang dã như trên. Nhưng điều đáng sợ là những hành động đó đang ngày càng trở nên bình thường trong một xã hội nỗ lực hoà nhập thế giới văn minh.
Người ta ngày càng tỏ ra thờ ơ với những hành động tưởng như chỉ có ở bộ tộc mông muội nào đó. Không thấy có bất cứ cơ quan chức năng nào đứng ra ngăn chặn sự hoang dã đang quay lại ngày càng mạnh mẽ xâm chiếm không gian văn minh còn ít ỏi. Bao giờ chúng ta thực sự có xã hội văn minh?