Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnTPP - đòn phủ đầu đối với Trung Quốc - Kỳ 2:...

TPP – đòn phủ đầu đối với Trung Quốc – Kỳ 2: Nắm vị trí lĩnh xướng, Nhật Bản có toan tính gì?

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp vào tháng 1 năm nay, Nhật Bản liền đảm nhiệm vai trò lãnh đạo khôi phục TPP, tích cực thúc đẩy đạt được thỏa thuận mới. Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) Vương Huy Diệu cho biết hành động này của Nhật Bản trên thực tế nhằm tranh giành quyền chỉ đạo kinh tế thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương hoặc quyền lãnh đạo định ra các quy tắc trò chơi thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, khung TPP hiện nay rất đầy đủ, Nhật Bản có thể dễ dàng chỉ đạo các nước còn lại trong TPP đạt được thỏa thuận mới. 

Toàn cảnh Hội nghị  Bộ trưởng TPP tại Đà Nẵng

Sở dĩ Nhật Bản tích cực chủ động thúc đẩy CPTPP vì mong muốn phát huy vai trò quan trọng chủ động hơn của mình trong việc nhất thể hóa kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thông qua hiệp định thương mại thúc đẩy sự phát triển kinh tế của bản thân. 

Giáo sư Aurelia George Mulgan thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho biết những lợi ích mà Nhật Bản có được từ trong CPTPP không nằm ở lợi ích kinh tế và thương mại mà họ tuyên bố ngoài miệng. Ông cho rằng Nhật Bản ngoài mong muốn lãnh đạo định ra các quy tắc thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thiết lập một trật tự dựa trên quy tắc ở khu vực này, dựa vào đó để đối kháng Trung Quốc, còn muốn coi CPTPP là bản mẫu của hiệp định thương mại tầm cỡ khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ví dụ như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang trong thời gian đàm phán.

Ngoài ra, Nhật Bản còn muốn thông qua việc nhanh chóng đạt được CPTPP để ủng hộ chủ nghĩa thương mại đa phương, đả kích chủ nghĩa thương mại song phương, né tránh yêu cầu của Mỹ muốn đạt được hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản.

Hiện Chính quyền Trump yêu cầu đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường như ô tô, thịt bò, dược phẩm của Nhật Bản… Còn Nhật Bản lo ngại phải đưa ra nhượng bộ nhiều hơn khi tiến hành đàm phán thương mại song phương với Mỹ so với khi tiến hành đàm phán TPP với 12 nước. 

Nhật Bản ủng hộ thương mại đa phương, vì đúng như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Tarō Asō nói thương mại đa phương dễ được sự ủng hộ ở Nhật Bản hơn, bởi ở một số lĩnh vực nhạy cảm cho phép tổn thất mà việc tiếp cận thị trường lớn hơn mang lại sẽ được bù đắp trong nhiều thị trường khác, chứ không phải chỉ ở thị trường đơn nhất như ở Mỹ. 

Tại sao Canada lại “tuột xích” vào thời khắc then chốt 

Sau khi Mỹ rút lui, Canada trở thành nền kinh tế lớn thứ hai chỉ đứng sau Nhật Bản trong TPP. Do ban đầu gia nhập TPP chủ yếu là cân nhắc đến sự có mặt của Mỹ và TPP chưa hoàn toàn phản ánh một số trọng điểm thương mại của Chính quyền Thủ tướng Canada Trudeau trong đó có quy định bảo vệ người lao động, văn hóa…, vào thời khắc cuối cùng trước khi đạt được thỏa thuận khung CPTPP, Canada thể hiện lập trường cứng rắn của mình bằng cách vắng mặt tại hội nghị cấp bộ trưởng nhằm đổi lấy sự thỏa hiệp nhiều hơn của các bên khác trong thỏa thuận. 

11 nước tuyên bố kế hoạch trước đây của Hội nghị then chốt cấp bộ trưởng của 11 nước TPP diễn ra vào ngày 10/11 đã đạt được thỏa thuận khung cấp bộ trưởng, nhưng đại diện Canada buổi sáng hôm đó lại vắng mặt bất ngờ. Theo tin của Nikkei Asian Review, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Trudeau tiến hành hội đàm kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ, đại diện các nước ngay trong buổi tối hôm đó đã gặp mặt lần nữa và cuối cùng đồng ý đạt được thỏa thuận khung cấp bộ trưởng. 

Trên thực tế, ngay từ đầu Trudeau đã bày tỏ Canada sẽ không vội vàng đạt được một thỏa thuận không phù hợp với lợi ích tốt nhất của chính phủ và người dân Canada. 

Có phân tích cho rằng đằng sau thái độ cứng rắn của Canada có nhiều nguyên nhân, trong đó có sức ép cuộc bầu cử sắp tới, Canada muốn đóng vai trò cứng rắn hơn trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang tiến hành với Mỹ, Mexico… Giáo sư Michael Geist thuộc Đại học Ottawa, Canada còn có bài viết cho biết thái độ cứng rắn của Canada trong đàm phán CPTPP là để đạt được thỏa hiệp lớn hơn với các bên khác trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, văn hóa và ô tô. 

Ngoài tạm ngừng 20 nội dung trước đây của TPP, thỏa thuận khung CPTPP còn bao gồm 4 điều khoản chờ xác định, trong đó một điều khoản là ngoại lệ văn hóa mà Canada tích cực khởi xướng. 

Nguyên tắc ngoại lệ văn hóa là một chính sách được định ra để bảo vệ văn hóa nước mình không bị các nền văn hóa khác xâm nhập và tấn công, nó bắt nguồn sớm nhất vào đầu thập niên 1990, khi đó trong đàm phán Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT), nước Pháp ý thức được tầm quan trọng của sự độc lập văn hóa quốc gia và dân tộc, do vậy đưa ra phản đối xếp văn hóa vào thương mại dịch vụ thông thường. 

Cùng ở Bắc Mỹ, cùng là nước có người nhập cư, sự khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và Canada rất ít, do vậy Canada rất nhạy cảm với tính độc lập văn hóa của mình, cũng hết sức cảnh giác đối với sự xâm nhập văn hóa của Mỹ. Do vậy, về mặt phản đối nguyên tắc xâm nhập văn hóa Mỹ, kiên trì “đa dạng hóa văn hóa”, Canada trở thành đồng minh kiên định của Pháp. Giống với Pháp, Canada cũng áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ đối với ngành văn hóa của họ như trợ cấp, miễn giảm thuế… Do thiếu sự bảo hộ mạnh mẽ đối với văn hóa, TPP đã lệch hướng chủ trương ngoại lệ văn hóa mà Canada nhất quán xưa nay. 

Canada là nước đến sau trong thỏa thuận TPP, mới gia nhập TPP trong tình hình khung cơ bản đã đạt được, nhiều chương trong nội dung thỏa thuận đã xác định. Trên thực tế, sau khi Chính quyền của Thủ tướng Stephen Harper ý thức được rằng việc nằm ngoài các thỏa thuận thương mại mà Mỹ tham gia sẽ mang lại rủi ro cho Canada, TPP mới trở thành trọng điểm thương mại của Canada. Chính quyền Canada lúc đầu quyết định gia nhập TPP chủ yếu là xuất phát từ mục đích mang tính phòng ngự, bởi một số nghiên cứu cho thấy gia nhập TPP sẽ chỉ mang lại lợi ích kinh tế rất nhỏ cho Canada.

Hiện Mỹ đã rút khỏi TPP, mục đích chiến lược hàng đầu để Canada gia nhập TPP cũng đã không còn tồn tại. Do Canada hiện đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do với các nước TPP như Mexico, Chile, Peru…, gia nhập TPP hiện nay sẽ chỉ mang lại một số lợi ích cho Canada về mặt thương mại với Nhật Bản. 

RELATED ARTICLES

Tin mới