Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên dường như đã “vô hiệu hóa” chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau hơn 2 tháng tương đối yên ắng, sáng sớm 29/11, Triều Tiên thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) theo phương gần như thẳng đứng. Quả tên lửa này đã bay vào không gian, xa hơn rất nhiều so với quỹ đạo của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ở độ cao 408km, trước khi rơi xuống vùng biển cách bờ Nhật Bản 210km.
Bước nhảy vọt của Triều Tiên
Triều Tiên gọi đây là tên lửa Hwasong-15. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hiện còn quá sớm để xác định chính xác đây là loại tên lửa nào.
“Đây có thể là Hwasong-14 nhưng được nâng cấp lên rất nhiều “,Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á thuộc Trung Tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, ông Jeffrey Lewis nhận định trên trang National Interest.
Nhiều nhà phân tích khác cũng đồng ý với đánh giá này và cho rằng, Triều Tiên sẽ còn đẩy giới hạn các vụ thử tên lửa đi xa hơn nữa trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách hoàn thiện năng lực ICBM có thể bắn tới mọi mục tiêu trên lục địa Mỹ.
“Tôi đoán rằng đó là một quả tên lửa Hwasong-14 đã được cải tiến giai đoạn 2”, Joshua H. Pollack, biên tập viên trang Nonproliferation Review, một nhà nghiên cứu kỳ cựu khác của trung tâm James Martin cho biết. “Dựa trên những gì chúng ta đã thấy họ làm với tên lửa Hwasong-12 hồi đầu năm 2017, bước tiếp theo sẽ là phóng tên lửa vượt qua những khu vực khác đông dân cư của Nhật Bản như Hokkaido hay Bắc Honshu”.
Sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 28/7/2017, dư luận quốc tế vốn đã cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí có thể đánh trực tiếp đến Mỹ. Nhưng phải đến vụ thử tên lửa lần này dư luận mới không còn nghi ngờ gì nữa về việc Triều Tiên có thể khiến toàn bộ lãnh thổ Mỹ lâm nguy.
“Vụ thử ngày hôm nay (29/11) là vụ thử ICBM thành công lần thứ ba của Triều Tiên kể từ tháng 7”, Kingston Reif, Giám đốc về giải giáp và chính sách giảm nhẹ mối đe dọa thuộc Hiệp hội kiểm soát vũ khí (ACA) nhận định trên National Interest. “Việc quả tên lửa bay xa hơn và cao hơn 2 vụ thử lần trước cho thấy Triều Tiên đã cải thiện năng lực của ICBM Hwasong-14”.
Theo ông, “Triều Tiên dường như muốn tiến hành thêm các vụ thử để củng cố niềm tin vào năng lực của nước này, cụ thể là một loại ICBM với góc bắn tốn ít nhiên liệu nhất và có khả năng trở lại bầu khí quyển thành công. Nhưng kể cả Triều Tiên chưa nắm bắt toàn bộ kỹ thuật cần thiết đó trong vụ thử mới nhất thì với tốc độ phát triển này, Bình Nhưỡng cũng sớm làm được điều đó”.
“Lỗi” tại ông Trump?
Trong khi một số nhà phân tích cho rằng áp lực bên ngoài, cụ thể là từ Mỹ và các đồng minh, đã khiến Triều Tiên tạm dừng các vụ thử tên lửa hơn 2 tháng qua thì các chuyên gia về kiểm soát vũ khí lại chưa bao giờ tin vào điều đó.
Ông Jeffrey Lewis đặt giả thuyết rằng việc Triều Tiên “án binh bất động” thời gian qua chỉ mang tính nhất thời và có thể có nhiều lý do ẩn chứa. Trong khi chuyên gia Kingston Reif nhận định chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy căng thẳng với Triều Tiên đến mức độ này.
“Chiến lược gây sức ép tối đa mà không có cam kết có ý nghĩa nào của chính quyền Tổng thống Trump hiện nay đang thất bại”, ông Reif nêu rõ. “Kể từ khi ông Trump đưa ra lời đe dọa tung ‘hỏa lực và giận dữ’ đối với Triều Tiên ngày 8/8, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử ICBM thứ ba, thông qua kế hoạch tử tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) gần đảo Guam, tử 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và thử 2 quả tên lửa tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản cùng với vụ thử hạt nhân thứ 6 và cũng là vụ thử lớn nhất của nước này”.
Chuyên gia về kiểm soát vũ khí, Chủ tịch Quỹ Ploughshares, ông Joseph Cirincione thì cho rằng, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được thúc đẩy từ nội bộ hơn là do ông Trump.
“Tôi tin rằng lịch trình thử tên lửa của Triều Tiên được thúc đẩy bởi động lực nội bộ nhưng họ cũng đã tính toán thời gian rất tốt”, ông Cirincione nhận định. “Họ quan sát Mỹ rất tỉ mẩn và dù vô tình hay cố ý thì họ cũng đã thử quả tên lửa này vào đúng lúc Tổng thống Trump đang bề bộn giữa nội bộ chính trường và điều đó hạn chế khả năng ứng phó của ông ấy. Họ cũng tiến hành thử quả tên lửa này theo phương gần như thẳng đứng, để hạn chế mối đe dọa, và tất nhiên là không có đạn thật, càng không phải là đầu đạn hạt nhân”.
Đến lúc Mỹ phải xuống thang trước?
Điều mà vụ phóng lần này nhấn mạnh chính là thực tế rằng Mỹ cần phải tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng phát triển “như vũ bão”.
“Sự tiến bộ của Triều Tiên nói lên một điều là bên cạnh những áp lực kinh tế liên tiếp lên nước này, cần phải có giải pháp ngoại giao không đi kèm với các điều kiện tiên quyết nhằm giảm căng thẳng và đóng băng kế hoạch thử tên lửa tầm xa cũng như thử hạt nhân của Triều Tiên” – chuyên gia Kingston Reif nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Kingston Reif, đáng tiếc là chính quyền của Tổng thống Donald Trump dường như không có chiến lược mạch lạc cho phương án đó và điều này cần phải nhanh chóng thay đổi.
Nhưng trên một khía cạnh khác, mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là đạt đến mức độ răn đe cao nhất đối với Mỹ, vì thế khi hoàn thiện chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, Bình Nhưỡng có thể cảm thấy đã ở thế cân bằng đủ an toàn để mở đường đối thoại với Washington.
“Họ có thể tiếp tục làm điều này [phóng tên lửa – ND] một vài lần nữa để chắc rằng nó hoạt động tốt trước khi thử Chim Juche (Juche Bird, tức tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thật)” – chuyên gia Joshua H. Pollack nhận định.
Tất nhiên, tình huống đó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường khi mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên không được xử lý một cách khéo léo.
Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi tình hình hiện nay sẽ diễn biến ra sao. Nhưng tại thời điểm này, dường như Mỹ sẽ phải sống chung với thực tế rằng Triều Tiên là một nước được vũ trang hạt nhân.