Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐàm luậnTPP - đòn phủ đầu đối với Trung Quốc - Kỳ 3:...

TPP – đòn phủ đầu đối với Trung Quốc – Kỳ 3: TPP Phiên bản mới sẽ có ảnh hưởng thế nào đối với Trung Quốc?

TPP thất bại, kinh tế Trung Quốc sẽ được hưởng lợi 88 tỷ USD, còn nếu RCEP và TPP đồng thời đạt được, kinh tế Trung Quốc sẽ được hưởng lợi 72 tỷ USD, còn nếu RCEP thất bại, TPP đạt được thì Trung Quốc sẽ tổn thất 22 tỷ USD. 

Mỹ liệu có “hồi tâm chuyển ý” không?

Nhật Bản vốn chờ đợi cùng với Mỹ thông qua TPP xây dựng quan hệ đồng minh chặt chẽ hơn. Sau khi Mỹ rút lui, Nhật Bản vẫn có sự kỳ vọng rất lớn, hy vọng Mỹ hồi tâm chuyển ý. Tuy nhiên, khi Donald Trump lần đầu tiên tới thăm Nhật Bản vào tháng 11 đã nhắc lại Mỹ sẽ không quay trở lại TPP. 

Mỹ có thể sẽ quay trở lại TPP, cho dù Chính quyền Trump lựa chọn không gia nhập TPP nữa thì chính phủ nhiệm kỳ sau cũng có thể lựa chọn quay trở lại, bởi TPP vốn chính là đạt được theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Cho dù Mỹ không quay trở lại, tiêu chuẩn mà TPP đạt được cũng sẽ được chấp nhận vào hệ thống ngoại thương của Mỹ. Cũng có nghĩa là dù dưới hình thức nào thì CPTPP cũng sẽ có thành phần Mỹ tham gia. 

Mỹ có khả năng quay trở lại TPP, 11 nước TPP hiện nay cũng hy vọng Mỹ quay trở lại, không những là để có thể gia nhập thị trường lớn nhất toàn cầu, mà đồng thời cũng hy vọng Mỹ có thể phát huy vai trò hối thúc các bên tuân thủ tiêu chuẩn CPTPP. Người ta cho rằng nhiệm kỳ của Donald Trump sẽ chỉ kéo dài 1 khóa, sau đó, chính phủ và quốc hội Mỹ nhiệm kỳ sau sẽ cân nhắc lại vấn đề này. 

Xét từ tình hình hiện nay, khả năng gia nhập lại TPP trong nhiệm kỳ của Donald Trump rất ít. Nếu sau này thay tổng thống thì cần phải căn cứ quan niệm cầm quyền của tân tổng thống để phán đoán liệu Mỹ có gia nhập lần nữa hay không? 

Ảnh hưởng của CPTPP đến cục diện thương mại của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương ra sao? 

TPP ban đầu do Chính quyền Obama đề xuất, được coi là một phần của chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ, ở chừng mực nhất định nhằm kiềm chế Trung Quốc phát huy vai trò chỉ đạo trong thương mại châu Á-Thái Bình Dương. GDP của 12 nước TPP ban đầu chiếm 40% toàn cầu. Thương mại giữa 12 nước chiếm 20% tổng lượng thương mại toàn cầu. Mà Trung Quốc và 12 quốc gia này có mối liên hệ thương mại mật thiết, do vậy, các chuyên gia trước đó dự báo việc đạt được TPP sẽ gây ra nhiều tác động đến kinh tế và thương mại xuất khẩu đối với Trung Quốc. 

Theo báo cáo nghiên cứu năm 2016 của Ủy ban thẩm tra kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC) – cơ quan cố vấn trực thuộc Quốc hội Mỹ, trước tình hình RCEP đạt được, TPP thất bại, kinh tế Trung Quốc sẽ được hưởng lợi 88 tỷ USD, còn nếu RCEP và TPP đồng thời đạt được, kinh tế Trung Quốc sẽ được hưởng lợi 72 tỷ USD, còn nếu RCEP thất bại, TPP đạt được thì Trung Quốc sẽ tổn thất 22 tỷ USD. 

GDP của 11 nước CPTPP chiếm khoảng 14% tổng lượng toàn cầu, thương mại giữa 11 nước chiếm 15% kim ngạch thương mại toàn cầu, do vậy, mặc dù không có Mỹ tham gia, ảnh hưởng của CPTPP đến kinh tế Trung Quốc và tình hình kinh tế thương mại của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn không thể đánh giá thấp. Chuyên gia cao cấp Alexander Capri của Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng CPTPP là đòn tấn công phủ đầu của những nước này nhằm ứng phó với tầm ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế đang không ngừng tăng lên của Trung Quốc. Thông qua thực thi CPTPP, 11 nước đã xây dựng một khung có thể cạnh tranh với Trung Quốc, tuy một số nước trong đó cũng sẽ gia nhập RCEP. 

Nếu CPTPP có hiệu lực sẽ có tác động nhất định đối với Trung Quốc, nhưng vấn đề then chốt vẫn phải xem liệu RCEP có thể đạt được nhanh chóng hay không. Hiện RCEP có 16 quốc gia, đó là 10 nước ASEAN cộng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Trước tình hình hiện nay đã có CPTPP, tính tích cực gia nhập RCEP của các nước như Nhật Bản, Ấn Độ… có thể giảm đi. Ngoài ra, bởi CPTPP là một hiệp định thương mại khu vực ở cấp độ cao hơn, việc đạt được nó cho thấy trong phạm vi châu Á-Thái Bình Dương đã hình thành một vòng thương mại tự do của 11 nước, điều này sẽ mang lại ảnh hưởng nhất định đến hệ thống thương mại châu Á-Thái Bình Dương hiện nay. 

Hiện RCEP đã tiến hành hơn 20 vòng đàm phán, nhưng nhiều chi tiết vẫn đang trong quá trình thương lượng, cũng chưa có thời gian biểu rõ ràng, CPTPP gần như sắp thành hình đã xây dựng tiêu chuẩn cao cho RCEP, mà một số tiêu chuẩn cao trong đó có thể không phù hợp với tình hình phát triển hiện nay của Trung Quốc. 

CPTPP có hiệu lực sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc. Cho dù hiện nay không có Mỹ tham gia trực tiếp, khung CPTPP cũng rất gần gũi với phương Tây, nhiều thực tiễn và giá trị thương mại được đề xuất trong đó xung đột với chính sách kinh tế và kế hoạch phát triển mà Trung Quốc thực thi hiện nay. Chẳng hạn, các điều khoản có liên quan đến phương diện bí mật dữ liệu, an ninh dữ liệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, trong CPTPP còn bao gồm các điều khoản chặt chẽ có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước hoạt động như thế nào.

Tại buổi thảo luận của đoàn đại biểu APEC Trung Quốc diễn ra vào chiều ngày 11/11, có phóng viên hỏi rằng liệu Trung Quốc có lo ngại các nước đạt thỏa thuận khung về TPP sẽ gây ảnh hưởng đến RCEP mà Trung Quốc luôn giữ thái độ ủng hộ hay không. Đối với vấn đề này, Trương Huy-Vụ trưởng Vụ kinh tế quốc tế – Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng Trung Quốc không quan tâm quá nhiều đến thành quả của TPP, cũng không cho rằng RCEP sẽ chịu sự ảnh hưởng của TPP. 

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Jose Cuisia cho biết vì có Trung Quốc và Ấn Độ tham gia, RCEP có thể sẽ trở thành hiệp định thương mại thành công hơn so với CPTPP.

Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP tuy không phải không có khả năng, nhưng xét từ tình hình hiện nay là không có khả năng. Bởi nếu Trung Quốc gia nhập thỏa thuận này chắc chắn sẽ chịu sự quy định của CPTPP đối với việc nâng cao độ minh bạch của các doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường rất chặt chẽ… Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đưa ra một số thay đổi đối với chính sách trong các lĩnh vực như công nghiệp, trợ cấp doanh nghiệp, bí mật dữ liệu, IP… 

Vương Diệu Huy lại cho biết ông tán thành với quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đó là bất kỳ sự sắp xếp thương mại đa phương nào cũng đều cần phải phù hợp với tiêu chuẩn mở cửa, vì vậy, CPTPP cần phải là một diễn đàn mở, nó cần phải hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc. Còn nếu thời cơ chín muồi thì Trung Quốc cũng có thể cân nhắc gia nhập CPTPP. Bởi các nước TPP như Australia, New Zealand, Chile, Nhật Bản… đều từng nhắc đến mong muốn Trung Quốc gia nhập. 

Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là phát triển Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), và sau khi gia nhập CPTPP có thể tham gia chỉ đạo nhất thể hóa kinh tế thương mại châu Á-Thái Bình Dương, còn có thể học tập kinh nghiệm mở cửa ở cấp độ cao hơn, thúc đẩy sự kết hợp giữa CPTPP và RCEP, đẩy nhanh sự khởi động và phát triển xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới