Sự hình thành “bộ tứ” Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia là dấu hiệu những thay đổi kịch tính tiềm ẩn trong bức tranh an ninh châu Á, được Mỹ định hình là phạm vi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Một máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc.
Ông Shen Jinke, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, động thái của máy bay H-6K là “hoạt động thường nhật” nhằm “tuần tra an ninh trên không”. Ông cũng nói thêm rằng các oanh tạc cơ này được triển khai từ một căn cứ ở phía Bắc Trung Quốc, song ông không nói rõ có bao nhiêu chiếc đã cất cánh.
Ông Shen cho biết, hoạt động này đã chứng tỏ rằng Không quân Trung Quốc có thể xuyên thủng “Chuỗi đảo thứ nhất”, tức là một dãy đảo kéo dài từ Nhật Bản đến Đài Loan mà Bắc Kinh khẳng định rằng chúng được dùng để kiềm tỏa Trung Quốc từ thời Chiến tranh Lạnh cho tới nay.
Chuyên gia quân sự người Trung Quốc Li Jie cho biết, hoạt động của máy bay H-6K diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “yêu cầu quân đội Trung Quốc phải luôn sẵn sàng chiến đấu”. Ông cũng nói thêm rằng “các hoạt động tuần tra trên không là nhằm chứng minh rằng Không quân Trung Quốc có thể hiệp lực với Hải quân trên các vùng biển xa xôi để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau”.
Tuần trước, các máy bay H-6K đã cùng với một máy bay do thám Tu-154MD hoạt động gần eo biển Miyako, khiến Nhật Bản triển khai máy bay chiến đấu để ngăn chặn. Đây cũng là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc bay gần đảo Đài Loan kể từ khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc vào tháng 10 vừa qua.
Các quan chức quốc phòng Trung Quốc cho biết, không quân nước này dự định sẽ biến hoạt động tiếp cận đảo Đài Loan là “hoạt động thường nhật” trong các cuộc diễn tập quân sự của họ.
Ông Shen cho biết, kể từ sau khi Đại hội Đảng kết thúc, Không quân Trung Quốc đã “rèn luyện khả năng chiến đấu của mình”. Từ lâu Bắc Kinh coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc chứ không phải một chính thể độc lập.