Thursday, January 16, 2025
Trang chủQuân sựMỹ đưa công nghệ hạt nhân đến Trung Đông?

Mỹ đưa công nghệ hạt nhân đến Trung Đông?

Đây là kết quả quá trình vận động nhanh, mạnh và bí mật của các nhân vật liên quan đến ông Trump như ông Michael Flynn, Tom Barrack, Rich Gates.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp vua Salman bin Abdulaziz Al Saud trong chuyến công du tháng 5-2017 tới Saudi Arabia. Ảnh: GETTY

Chính quyền Mỹ đang đàm phán cung cấp công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia – một bước đi gây quan ngại về chính sách của Mỹ hàng thập niên nay và có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông.

Đối phó Iran

Những cuộc thảo luận diễn ra giữa bối cảnh nhu cầu năng lượng tại Saudi Arabia ngày càng tăng cao mà đốt dầu thô lấy năng lượng đang dần trở nên thiếu hiệu quả. Chính quyền Riyadh muốn có điện hạt nhân để tăng xuất khẩu dầu nhưng cũng không tránh khỏi các hoài nghi về động cơ chính trị.

Nhiều chính khách Mỹ vẫn lo ngại nước này muốn có công nghệ hạt nhân để phát triển vũ khí hạt nhân đối phó với Iran. Giới quan sát cho rằng Saudi Arabia hiện tại không cố phát triển vũ khí hạt nhân nhưng vẫn muốn có nền tảng công nghệ phòng trường hợp Iran phát triển bom hạt nhân, theo chuyên gia Anthony Cordesman tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Các cuộc đàm phán trước đây đổ vỡ vì Saudi Arabia từ chối cam kết không theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Theo trang tin ProPublica, việc chính phủ Tổng thống Donald Trump mở lại đối thoại với Saudi Arabia cho thấy khả năng Mỹ không còn ưu tiên theo đuổi điều kiện phi quân sự hóa hạt nhân. Tại cuộc điều trần trước Thượng viện ngày 28-11, ông Christopher Ford, Giám đốc cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thừa nhận hai nước đang bàn luận về vấn đề này. Ông cho biết viễn cảnh Saudi Arabia cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân là “một kết quả được mong muốn” nhưng Mỹ không xem đây là điều kiện bắt buộc.

Thỏa thuận hạt nhân giữa chính phủ Mỹ với Saudi Arabia sẽ không cần đến sự chấp nhận của Thượng viện, tuy nhiên Hạ viện sẽ là cửa khó nhằn. Lưỡng viện có 90 ngày để ra nghị quyết chung chấp nhận hay phản đối. Nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin tuyên bố sẽ phản bác vì thỏa thuận thiếu sự bảo đảm. Một nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ dự đoán sẽ có một cuộc tranh cãi lớn trong Quốc hội nếu Mỹ chấp nhận để Saudi Arabia bỏ đi cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân, theo ProPublica.

Đã nhen nhóm từ lâu

Ý tưởng chia sẻ công nghệ hạt nhân với Saudi Arabia đã có từ nhiều năm trước, xuất phát từ một nhóm quan chức quân đội cấp cao về hưu. Nhiều quan chức Mỹ không nghĩ ý tưởng này là nghiêm túc, đáng lưu tâm hay phục vụ quyền lợi quốc gia. Tuy nhiên, nhóm tác giả ý tưởng cuối cùng đã tìm thấy hướng đi trong những ngày bề bộn ban đầu của chính phủ ông Trump. Các cố vấn của Tổng thống Donald Trump là Michael Flynn, Tom Barrack công khai xúc tiến và bảo vệ ý tưởng.

Công nghệ vũ khí hạt nhân khác với công nghệ năng lượng hạt nhân, tuy nhiên có nhiều điểm chung. Nhiên liệu cho nhà máy hạt nhân có thể dùng cho bom hạt nhân nếu nó được làm giàu ở mức cao. Vật liệu thải từ nhà máy hạt nhân có thể được tái chế để dùng cho vũ khí hạt nhân. Đó là lý do tại sao các chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân muốn các nước sản xuất năng lượng hạt nhân mua nhiên liệu từ thị trường quốc tế thay vì tự làm giàu và tái chế.

Năm 2008, Saudi Arabia có cam kết không ràng buộc, không theo đuổi làm giàu và tái chế nhiên liệu hạt nhân. Sau đó nước này vào cuộc đàm phán hợp tác hạt nhân hòa bình với Mỹ, một tiền đề để được nhận công nghệ hạt nhân từ Mỹ. Cuộc đàm phán ngưng trệ nhiều năm vì Saudi Arabia đổi ý và từ bỏ cam kết trên. Trong thời gian này, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama xúc tiến thỏa thuận buộc Iran ngưng phát triển bom hạt nhân nhưng vẫn có thể sản xuất năng lượng hạt nhân.

Saudi Arabia ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng cũng nói rõ mình muốn có công nghệ hạt nhân như Iran. Washington cứng rắn từ chối cũng vì Riyadh không chấp nhận cam kết phi quân sự hóa hạt nhân. Các chính trị gia đảng Cộng hòa chỉ trích ông Obama “phụ lòng” đồng minh mà lại nhượng bộ đối thủ. Một trong những chính trị gia chỉ trích mạnh nhất là ông Michael Flynn, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng.

Đầu năm nay, con rể ông Trump là Jared Kushner đã bày tỏ muốn nối lại đàm phán hạt nhân với Saudi Arabia nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh, theo ProPublica. Thủ phủ Riyadh chính là địa điểm công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump hồi tháng 5. Cuộc đàm phán có bước ngoặt thuận lợi.

Tháng 10 vừa rồi, Saudi Arabia đã gửi đề nghị về thông tin thầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân đến Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới