Trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nếu Trung Quốc thiếu sự chủ động, cuộc khủng hoảng sẽ còn tiếp diễn cho đến khi cộng đồng quốc tế thừa nhận vị thế vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đây chính là cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất mà Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt.
Có đường biên giới với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột xảy ra. Ảnh: Internet
Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên hết sức phức tạp, ngoài Trung Quốc còn liên quan đến các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga… Mặc dù bề ngoài mục tiêu chung của tất cả các quốc gia là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhưng trên thực tế các nước đều có toan tính lợi ích quốc gia của mình trong vấn đề này.
Đối với Trung Quốc, nếu muốn đưa ra chính sách giải quyết một cách hiệu quả vấn đề bán đảo Triều Tiên thì phải hiểu rõ sự khác biệt về lợi ích quốc gia cũng như thái độ và chính sách của các nước.
Lợi ích của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên
Nhiều người cho rằng nguyên nhân cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên kéo dài là do Mỹ và Triều Tiên không thể thỏa hiệp với nhau. Từ khi lên cầm quyền tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cho biết sẽ cân nhắc đơn phương giải quyết vấn đề Triều Tiên. Gần đây, cùng với cuộc khủng hoảng leo thang, Trump cũng đưa ra những lời cảnh cáo gay gắt hơn. Liệu nước Mỹ của ngày hôm nay có phát động chiến tranh Triều Tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân? Trong cuộc sống thực, chiến tranh không phải là trò đùa, nó phải được sự hậu thuẫn bởi một sức mạnh kinh tế vững chắc.
Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình, Obama đã tiêu xài rất hoang phí, khoản nợ của Mỹ trong nhiệm kỳ của Obama hơn tổng nợ của tất cả các tổng thống kể từ khi nước Mỹ được thành lập. Chính quyền Trump đã tiếp quản một núi nợ nần. Hiện nay, ở trong nước Trump đang tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư, vực dậy ngành sản xuất, về đối ngoại, nôn nóng muốn thực hiện cam kết tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS), nếu phát động chiến tranh Triều Tiên vào thời điểm này, dự kiến chi tiêu quân sự hàng năm của Mỹ ở bán đảo này sẽ vượt trên 100 tỷ USD vốn từng chi trong Chiến tranh Iraq (2003-2011).
Vì vậy, mọi người cho rằng việc sẽ phải tiêu tốn số tiền lớn như vậy là điều Mỹ không thể chấp nhận được do bị mắc kẹt bởi trần nợ. Nói cách khác, Mỹ không có khả năng phát động chiến tranh với Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ có phát động chiến tranh hay không lại không hoàn toàn phụ thuộc vào những cân nhắc về kinh tế.
1. Về xác suất xảy ra chiến tranh, ngay cả khi ban đầu hai bên không có động cơ trực tiếp gây chiến, nhưng xu thế diễn biến của cuộc khủng hoảng trên bán đảo vẫn ngày càng gần tiến tới chiến tranh. Đây chính là mô hình tiến thoái lưỡng nan về an ninh điển hình, có nghĩa là hai bên hoặc các bên tiếp tục răn đe đọ sức với nhau, dẫn đến mức độ rủi ro của cuộc khủng hoảng tiếp tục tăng, hai bên siết cò súng ngày càng chặt, cho đến khi nổ súng.
2. Từ diễn biến tình hình có khả năng xảy ra, mặc dù Triều Tiên có những phát ngôn hung hăng, nhiều lần đe dọa sẽ tấn công phủ đầu đối với Mỹ, nhưng thực tế mục tiêu thực sự của Triều Tiên không phải là tấn công Mỹ, mà là tự vệ, ít nhất là ở giai đoạn này. Mỹ vẫn ở thế chủ động trong cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay, và họ có thể phát động chiến tranh hay không còn phụ thuộc vào những đánh giá của nước này đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu chỉ đánh giá liệu Mỹ có phát động chiến tranh với Triều Tiên từ tình hình tài chính của nước này. Cuộc chiến ở Trung Đông đã khiến Mỹ tiêu tốn rất nhiều tiền vì không có nước nào chi trả giúp Mỹ. Đông Á thì khác, nếu Mỹ phát động chiến tranh, các nước khác, nhất là các đồng minh sẽ chi trả giúp Mỹ. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy chiến tranh cũng là một biện pháp và công cụ hữu hiệu nhất góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế của một đất nước.
Mặc dù không ai muốn xảy ra chiến tranh, nhưng xét từ góc độ kinh tế, điều này đúng là như vậy. Đây cũng là một phần hữu cơ của bi kịch lịch sử. Hiện nay, các học giả và nhà nghiên cứu chính sách đều thừa nhận rằng Chiến tranh thế giới thứ hai thực sự đã góp phần đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc đại suy thoái năm 1930; hoặc nói Chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến nền kinh tế Mỹ phục hồi thực sự và đi tới hùng mạnh hơn.
3. Nếu Mỹ phát động chiến tranh đối với Triều Tiên thì có khả năng xuất hiện cơ hội mới, khiến vấn đề được giải quyết. Nhưng một khả năng khác là do mâu thuẫn giữa các nước lớn, Triều Tiên sẽ một lần nữa vượt qua cuộc khủng hoảng với phương thức hòa bình, trở thành quốc gia hạt nhân. Nếu điều đó xảy ra, những thiệt hại gây ra cho Trung Quốc còn lớn hơn cả đối với Mỹ.
Sự lựa chọn của Mỹ là rất dễ hiểu. Do vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tổ hợp radar X-band tại Nhật Bản và Hàn Quốc là những việc thu lợi gấp bội, trong đó có cả các cuộc tập trận quy mô lớn đang được nâng cấp. Chỉ xét riêng việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thì sự hiện diện quân sự của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á rõ ràng là dư thừa sức mạnh chiến đấu, và phần dư thừa đó là một phần trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ.
Trên thực tế, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, về tổng thể Mỹ luôn vừa tìm cách hợp tác vừa không từ bỏ việc kiềm chế Trung Quốc. Sự bổ sung lẫn nhau của hai chiến lược này về cơ bản đều nhằm củng cố và mở rộng địa vị bá chủ của Mỹ trên toàn cầu. Cách xử lý của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên chính là sự thể hiện thực tế của những toan tính chiến lược này. Lịch sử chiến lược của Mỹ ở Đông Á sau Chiến tranh Lạnh cho thấy Mỹ không những được hưởng lợi từ việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, mà còn có thể được hưởng lợi từ sự chậm trễ giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Điểm đầu tiên là không khó lý giải, giải quyết được cuộc khủng hoảng này có nghĩa là Mỹ đã loại bỏ được kẻ thù, củng cố vai trò lãnh đạo trong cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, đó sẽ là một chiến thắng kép cả về ý thức hệ và an ninh quốc gia. Điểm thứ hai là việc trì hoãn giải quyết cuộc khủng hoảng không những tạo ra những lý do không thể bàn cãi cho việc Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Tây Thái Bình Dương, còn mà tạo thuận lợi với chi phí thấp để Mỹ kiềm chế Trung Quốc; sau tất cả, ngay cả khi Triều Tiên trở thành quốc gia sở hữu hạt nhân thực sự như Ấn Độ và Pakistan, thì nước này cũng chưa thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với Mỹ, mặc dù khoảng cách này quả thực đang thu hẹp lại.
Mỹ không những có lực lượng đánh đòn phủ đầu hạt nhân mạnh nhất thế giới mà năng lực đánh chặn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đang tăng lên, hơn nữa số lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên rất hạn chế, độ tin cậy của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và khả năng đột phá của nó cũng không cao.
Đối với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, mục tiêu cao nhất của Mỹ là đối trọng với Trung Quốc. Đối với Mỹ, tầm quan trọng của việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc được ưu tiên hơn việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên không những tạm thời chưa làm suy yếu mà còn tăng cường quyền bá chủ của Mỹ. Điều cần nhấn mạnh là không gian để Mỹ ngồi hưởng lợi là do nước này đã dốc sức nắm quyền chủ động chiến lược.
Vì vậy, nếu Trung Quốc không giành được quyền chủ động, hoặc nhượng quyền chủ động cho Mỹ, việc giải quyết hay chậm trễ giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đều gây ra những thiệt hại lớn nhất đối với lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Cụ thể, một khi cuộc khủng hoảng được giải quyết dưới sự chủ đạo của Mỹ, tức là việc Mỹ và Triều Tiên hòa giải hoặc Triều Tiên và Hàn Quốc đi tới thống nhất sẽ được tiến hành theo hướng có lợi cho Mỹ; cuộc khủng hoảng dưới sự chủ đạo của Mỹ nếu cứ dai dẳng, không gian hoạt động của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ ngày càng thu hẹp, không những quan hệ Trung-Triều chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật cũng sẽ có thỏa thuận ngầm với nhau. Điều này sẽ tăng cường cục diện chủ động của Mỹ và bị động của Trung Quốc.
(tiếp)