Thương mại thế giới tương đối sòng phẳng, xét điều kiện của một nền kinh tế thị trường thì Trung Quốc chưa thể đáp ứng.
Mới đây, Mỹ đã công bố một tài liệu dài 40 trang ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) trong việc không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong văn bản này, Mỹ nêu ra những lập luận pháp lý bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng theo các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc vào năm 2001, nước này sẽ tự động được các thành viên khác công nhận là nền kinh tế thị trường sau 15 năm.
Tuy nhiên, Mỹ và EU phản đối quan điểm này vì cho rằng Trung Quốc không tuân thủ cam kết giảm can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Các quan chức Mỹ cáo buộc Chính phủ Trung Quốc tác động mạnh đến chi phí và giá cả hàng hóa trong nước, gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài.
Bình luận về động thái trên của Mỹ, chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc Mỹ và EU phản đối không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc trong WTO là điều bình thường bởi về nguyên tắc, theo các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc, sau 15 năm, Trung Quốc sẽ được xem xét công nhận là nền kinh tế thị trường chứ không phải nước này sẽ tự động được coi là nền kinh tế thị trường. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, thực tế cho thấy, Trung Quốc chưa phải là một nền kinh tế thị trường thực sự.
“Quy chế kinh tế thị trường trong WTO nói riêng và cộng đồng kinh tế quốc tế nói chung sẽ cho phép quốc gia được trao quy chế đó được trao đổi sòng phẳng trên thị trường, nghĩa là việc kiểm tra, kiểm soát đặc biệt sẽ được bãi bỏ.
Các yếu tố tiên quyết để một quốc gia được công nhận, đó là sự tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế và các hoạt động trong nền kinh tế phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường. Những can thiệp của chính phủ vào các hoạt động kinh tế được giảm thiểu đến mức tối đa, Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo lập những khuôn khổ, thể chế, còn các doanh nghiệp, các bộ phận trong nền kinh tế tự hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, đối với nền kinh tế Trung Quốc, chính phủ nước này vẫn nắm và điều hành sự lên xuống, thay đổi của đồng tiền và các nhân tố khác trong nền kinh tế, đặc biệt là thông qua cơ chế của các DNNN. Việc có những ưu tiên, ưu đãi dành riêng cho DNNN không phải là kinh tế thị trường, chưa nói đến các thể chế, bộ phận của nền kinh tế thị trường chưa được hình thành và phát triển đầy đủ trong nền kinh tế Trung Quốc, từ thị trường lao động, tiền tệ đến các thị trường khác… Các doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn đi len lỏi, không phải là người quyết định thị trường, không được tự do cạnh tranh.
Tình trạng trên Trung Quốc phải tự nhìn thấy và chấp nhận. Không phải Mỹ có ý đồ kiềm chế, muốn gây khó dễ gì cho thương mại Trung Quốc hay sợ sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Thương mại thế giới tương đối sòng phẳng, nếu xét trên những điều kiện của một nền kinh tế thị trường thì Trung Quốc chưa phải là nền kinh tế thị trường”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, nếu Trung Quốc muốn công bằng thì nước này cũng phải có sự công bằng giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước và giữa các doanh nghiệp của nước này với nhau, từ chính sách, chế độ đến các hoạt động thực tế trong nền kinh tế phải theo quy luật của kinh tế thị trường, phải để cho doanh nghiệp tự tiếp cận các nguồn lực, tự do tiếp cận thị trường.
Từ việc Trung Quốc chưa được Mỹ, EU công nhận là nền kinh tế thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào các quốc gia.
Theo đó, hàng hóa Trung Quốc đi vào các quốc gia chưa công nhận nước này là nền kinh tế thị trường sẽ bị phân biệt đối xử và sẽ luôn bị đặt ở trạng thái dễ dàng bị kiểm tra bất kỳ lúc nào. Điều này xuất phát từ việc các nước e ngại doanh nghiệp Trung Quốc có thể bán phá giá do được Nhà nước trợ cấp một cách không chính đáng trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó gây phương hại đến nền sản xuất của các nước. Các nước cũng sẽ xem xét việc đánh thuế cũng như hạn chế định lượng bán buôn của Trung Quốc trên thị trường. Đó là chưa nói các chi phí đội lên, từ phí về kiểm tra, giám sát, thẩm định đến các chi phí liên quan đến những hoạt động khác đều tăng lên.
“Chẳng hạn, khi thanh toán, các nước sẽ không thanh toán toàn bộ và giữ lại một phần tiền. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc không thay đổi tích cực thì sẽ bị các nước trừ đi số tiền họ đang giữ và khi bị giữ thì bản thân số tiền đó không phát huy tác dụng, vòng quay, lượng tính toán lời lãi sẽ phải khác đi. Chưa kể doanh nghiệp Trung Quốc lúc nào cũng nơm nớp bị bị phân biệt, đây mới là điều nguy hiểm nhất vì lúc nào doanh nghiệp cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng bị kiểm tra.
Dĩ nhiên, xét ở một phương diện nào đó, điều này cũng có mặt tốt, doanh nghiệp có thể nâng cao tính chủ động, chất lượng hàng hóa, hậu mãi… nhưng thực ra nếu không phải bỏ tâm trí, tiền của cho việc này thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội để làm việc khác”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.