Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 07/12

Bản tin Biển Đông ngày 07/12

Bản tin Biển Đông ngày 07/12/2017.

Đằng sau những thoả thuận, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tăng cường kiểm soát đối với Biển Đông

Ngày 6/12, VOA News đăng bài viết “Đằng sau những thoả thuận, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tăng cường kiểm soát đối với vùng biển Châu Á” của nhà báo Ralph Jennings. Sau khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố việc Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đưa phi cơ chiến đấu J-11B tới đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông Jennings nhận định rằng động thái mới này của phía Bắc Kinh nhằm kiẻm soát vùng trời trên Biển Đông đang làm dấy lên quan ngại đối với các quốc gia mà một tháng trước đó Trung Quốc đã dành cho họ những cam kết về việc giải quyết bất đồng bằng các biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, ông Jennings cho hay các cuộc đàm phán tích cực với các nước láng giềng không có tác dụng ngăn chặn Trung Quốc tăng cường các hoạt động phòng thủ trên không. Trong khi đó, bà Yun Sun, nghiên cứu viên cao cấp tại Chương trình Đông Á, Trung tâm Nghiên cứu Stimson, Washington dự đoán rằng có thể Trung Quốc sẽ không tiến hành ngay bất cứ chuyến bay nào với các máy bay chiến đấu nói trên mà thay vào đó sẽ chỉ giám sát và gây khó dễ cho các máy bay nước ngoài, nhất là máy bay của Mỹ, khi đi vào Biển Đông. Bà cũng cho rằng Trung Quốc sau đó có thể sẽ tiến hành theo dõi hoạt động của ba nước đồng minh của Mỹ là Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, những nước có chung mối quan tâm trong việc răn đe các hoạt động bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Thượng Hải nhận định rằng mặc dù các tổ chức quốc tế từ lâu đã phát hiện máy bay Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa vài lần, ít nhất là trong năm qua nhưng thông tin lần này khá “bất thường” vì đã được chính kênh truyền thông chính thức của Nhà nước Trung Quốc đưa ra. Ông cho rằng Trung Quốc đang tranh thủ tận dụng thời điểm thuận lợi hiện nay để đưa ra thông tin một cách chính thức, sau khi nước này tăng cường xây dựng lại hình ảnh của mình với ASEAN và phát triển quan hệ tốt với Tổng thống của Philippines Rodrigo Duterte nhằm khiến mọi sự chú ý của dư luận tạm thời không tập trung vào vấn đề Biển Đông.

Theo Fabrizio Bozzato, nghiên cứu viên thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan cho hay, Bắc Kinh đang áp dụng xen kẽ “cách hành xử thân thiện” và “các hành động quyết đoán” nhưng về cơ bản “chính sách Biển Đông của Trung Quốc vẫn không có gì thay đổi, vẫn xem Biển Đông thuộc chủ quyền của họ và họ vẫn giữ ý định rõ ràng là biến Biển Đông hoặc đa phần các vùng biển ở khu vực thành vùng biển của họ trước năm 2030”.

Quân sự hoá ở Biển Đông: các máy bay chiến đấu ở Hoàng Sa và các phương tiện hỗ trợ tác chiến

Ngày 6/12, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Quân sự hoá ở Biển Đông: các máy bay chiến đấu ở Hoàng Sa và các phương tiện hỗ trợ tác chiến” của nhà báo Steven Stashwick. Liên quan đến việc truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận nước này đã triển khai các máy bay chiến đấu J-11 tới đảo Phú Lâm, ông Stashwick nhận định dù việc triển khai không có gì bất ngờ song việc Trung Quốc công khai thừa nhận cho thấy nước này đang rất tự tin với lập trường của mình ở khu vực. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, sau khi đánh giá các hoạt động thử nghiệm trang thiết bị quân sự nhằm đảm bảo cho các đảo có đủ điều kiện chiến đấu, có thể thấy được các phương tiện hỗ trợ tác chiến của Trung Quốc vẫn rất “dễ bị tổn thương” và các căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn tồn tại nhiều hạn chế về mặt quân sự. Cụ thể, đó là các phương tiện không người lái (UAVs), dù rất hữu ích nhưng chỉ phù hợp và đủ khả năng để hỗ trợ hậu cần cho các tiền đồ quy mô nhỏ ở Biển Đông, chứ không phải là hàng trăm nghìn héc-ta đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng rầm rộ trên quần đảo Trường Sa. Thêm vào đó, những thông tin cung cấp kèm theo bao gồm các cơ sở vật chất đặc biệt, trong đó có các nhà chứa máy bay bảo vệ trước các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết cũng chứng tỏ rằng các căn cứ mà nước này xây dựng trên Hoàng Sa và kể cả Trường Sa không thể hỗ trợ hậu cần về lâu về dài cho các máy bay chiến đấu hiện đại.

RELATED ARTICLES

Tin mới