Đã gần 5 năm kể từ khi ông Shinzo Abe giữ chức Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kì thứ hai.
Ông Abe đảm bảo sẽ giải quyết giảm phát và đưa đất nước vượt lên khỏi hai thập niên kinh tế đình trệ. Những nỗ lực đó đã mang lại nhiều kết quả khác nhau.
Ba mũi nhọn chính của chính sách kinh tế Abenomics – chi tiêu chính phủ, nới lỏng định lượng, và cải cách rộng khắp – đã được thực hiện với cường độ khác nhau.
Cùng với đó, giá trị thị trường cổ phiếu liên tục tăng cao, tầm nhìn kinh tế sáng lạn sau nhiều năm đình trệ trong việc tăng lương, cùng sự già hóa dân số nhanh của Nhật Bản đang trở thành những bài học cho các nước phát triển.
Tỉ lệ thất nghiệp thấp
Tỉ lệ thất nghiệp thấp không đồng nghĩa với thu nhập tăng theo lý thuyết kinh tế thường lệ.
Việc giảm số người không có việc làm được dùng để thúc đẩy sự tăng thu nhập, do các công ty buộc phải trả phúc lợi lớn hơn nhằm thu hút nhân tài trong nguồn nhân lực khan hiếm. Theo đó, giá cả sản phẩm sẽ tăng do các hộ dân chi tiêu nhiều hơn.
Nhưng trong thực tế, tăng trưởng về lương ở Nhật Bản vẫn khá yếu so với thế giới – ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống bằng mức trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tỉ lệ thất nghiệp thấp tại Nhật Bản không làm tăng lương
Nhật Bản là một ví dụ của việc tỉ lệ thất nghiệp thấp không làm ảnh hưởng đến sự tăng lương.
Trên giấy tờ, đất nước này gần như không có người thất nghiệp. Các công ty đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng nhất kể từ những năm đầu thập niên 90, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở mức 2,8%, thấp nhất trong hai thập kỷ.
Tuy nhiên, sự gia tăng hợp đồng làm việc thời vụ và bán thời gian đã dẫn đến thị trường lao động bị chia đôi, khi những nhân sự “theo thời vụ” được trả lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp có hợp đồng dài hạn.
Tại Nhật Bản, tỉ lệ người lao động làm việc theo hợp đồng thời vụ và bán thời gian tăng tới mức 37,5% của tổng số người có việc làm năm 2016, từ 20,3% năm 1994, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tư tưởng một “công việc cả đời” đồng thời vẫn tồn tại trong xã hội Nhật Bản – làm hạn chế tỉ lệ tăng thu nhập, do có ít nguy cơ nhân viên bỏ việc trừ khi họ được đề nghị mức lương cực lớn.
Koichi Hamada, cố vấn đặc biệt của ông Abe, nói rằng sự phát triển của công nghệ tự động hóa cũng đe dọa hàng triệu việc làm tại Nhật Bản, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập người dân.
“Với những nhân sự bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo, thế giới này sẽ rất khó khăn, và tôi không nghĩ rằng mức lương và giá cả tại Nhật Bản, ít nhất, sẽ tăng như [đã từng] 20 năm trước.”
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Koichi Hamada cảnh báo rằng sự phát triển của tự động hóa đe dọa hàng triệu việc làm tại Nhật Bản
Ông bổ sung rằng sự sáng tạo và sự thử nghiệm là điều thiết yếu để đảm bảo người lao động không bị bỏ rơi.
“Tại Nhật Bản, lòng trung thành được nhấn mạnh hơi quá – cùng suy nghĩ người trẻ cần nghe lời. Chúng ta cần một thử nghiệm mới và cho phép xảy ra sự thất bại.
“Để giúp xã hội Nhật Bản tiến về phía người trẻ, hoặc những người đã có kinh nghiệm làm việc với công ty nước ngoài hoặc thế giới tri thức, [người trẻ cần được] lên tiếng thẳng thắn hơn với bậc tiền bối.”
Lực lượng lao động già hóa
Dân số Nhật Bản đang già hóa nhanh, và một dân số già sẽ gây áp lực lớn lên túi tiền công. OECD gần đây đã cảnh báo rằng sự thịnh vượng kinh tế của nước này trong tương lai phụ thuộc vào việc quản lý sự suy giảm nhân khẩu học.
Image caption Yoshihiko Kunihiro (trái) nói 10% lực lượng nhân công của ông, giống Nakao Sugiyama (phải) đã ngoài tuổi 60
Sống thọ hơn là một lý do để ăn mừng, nhưng điều này cũng cần phải trả giá. Các gia đình ở những nền kinh tế đã phát triển ngày càng sinh ít con, đồng nghĩa với việc sẽ không có nhiều nhân lực làm việc để trả lương hưu cho người hưu trí.
Dân số già được cho là sẽ làm tăng tỉ lệ chi xã hội liên quan đến tuổi già ở Nhật Bản thêm 7% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 40 năm tới.
Một giải pháp cho vấn đề này là để người dân làm việc lâu hơn.
Yoshihiko Kunihiro, chủ tịch công ty công nghệ Fullheart Japan tại Tokyo, nói rằng 10% lực lượng nhân công của ông tuổi trên 60. Nhân viên lớn tuổi nhất là một người 78 tuổi – và vẫn đang làm việc toàn thời gian.
Tại Anh Quốc, chính phủ cũng đã bắt đầu lưu ý việc kéo dài tuổi đi làm.
Các nhà quan sát chính sách tại Anh đã cảnh báo rằng sự thay đổi nhân khẩu sẽ ảnh hưởng đến việc chi lương hưu trong 50 năm tới – khi số người trên 65 tuổi tại Anh chiếm ¼ dân số.
Theo Ủy ban Trách nhiệm Ngân sách (OBR), mức chi dài hạn cho lương hưu của Anh được dự đoán sẽ tăng từ 5% GDP trong năm 2021-22 lên 7.1% GDP trong năm 2066-67 – hoặc từ khoảng 100 tỷ bảng Anh lên 140 tỷ bảng Anh ở giá trị tiền hôm nay.
Nếu các chính phủ vẫn muốn cân bằng ngân sách, điều này đồng nghĩa họ sẽ phải tăng thuế hoặc giảm chi trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế để phù hợp với chính sách.
Nguy cơ giảm phát
Có ai mà không muốn giá cả giảm? Đây có thể là một điều tốt, nhưng một thời gian giảm phát kéo dài có thể làm nền kinh tế suy thoái.
Một thời kỳ dài giá cả tuột dốc có thể ảnh hưởng tới tâm lý của nhân lực và các công ty.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Sau nhiều năm giảm phát, nợ công của Nhật Bản đã tăng lên và chiếm hơn 200% GDP
Sự đình trệ việc tăng lương vẫn còn đó, niềm tin bị đánh mất, các đơn chi không có tiềm năng, các công ty ngày càng ngại tuyển dụng, quy trình lại lặp lại.
Giảm phát cũng có hại cho các khoản nợ. Lý do cho điều này là vì dù tổng chi trong nền kinh tế có biến động, khoản nợ vẫn không thay đổi.
Vì vậy khi quy mô tiền tệ của nền kinh tế giảm, các khoản nợ sẽ trở nên lớn hơn.
Sau nhiều năm giảm phát, nợ công của Nhật Bản đã tăng lên và chiếm hơn 200% GDP, và đang tiếp tục được dự đoán là sẽ tăng đến 600% vào năm 2060 nếu chính phủ không tăng thu.
Chính sách Abenomics đã giúp nền kinh tế tăng trưởng lại, với việc tăng tổng chi, giúp hạn chế tăng tỉ lệ nợ. Câu hỏi được đặt ra là những tín hiệu này sẽ kéo dài trong bao lâu.