Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNghìn tỷ lát đá rồi cho đỗ xe thu tiền lẻ?

Nghìn tỷ lát đá rồi cho đỗ xe thu tiền lẻ?

Chi ngàn tỷ lát đá vỉa hè, nhưng tại nhiều tuyến phố lại cấp phép cho ô tô đỗ trên vỉa hè để thu tiền lẻ.

Dùng đá tự nhiên là sai lầm

Mặc dù vỉa hè Hà Nội trên nhiều tuyến phố đã thay thế gạch lát bền vững sử dụng được 50-70 năm tuy nhiên thực tế dù mới được sử dụng một thời gian ngắn đã vỡ nát.

Phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đưa vào sử dụng vào tháng 5/2016, với tổng mức đầu tư hơn 224.6 tỷ đồng, chỉ riêng các hạng mục như hệ thống chiếu sáng, hệ thống bó vỉa, gạch lát hè… chiếm trên 50 tỷ đồng.

Hay như toàn tuyến đường Trần Phú – Quang Trung dài hơn 5km có giá 180 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2015 đến nay cũng đã xuống cấp.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/12, PGS.TS Nguyễn Quang Toản – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết: “TP Hà Nội khi thi công vẫn có chủ trương là vỉa hè dành cho người đi bộ nên thi công chỉ sử dụng vỉa hè lát hay tự chèn, móng không làm cứng.

Bởi vậy, khi có lực xung kích hay có vật nặng đè lên viên gạch rất dễ bị hư hỏng nhanh. Như đỗ ô tô lên vỉa hè thì chỉ có bê tông mới chịu được”.

Bên cạnh đó, theo ông Toản, việc lát đá tự nhiên là không nên làm, chỉ nên làm ở những chỗ bắt buộc. Bởi vì đá tự nhiên rất khó xác định được chất lượng, khi lát đá mà vỉa hè chưa ổn định thì nó sẽ hỏng rất nhanh.

Trên thế giới hiện nay không nước nào lát đường bằng đá tự nhiên, ngay cả đá tự nhiên hay nhân tạo mà lát vỉa hè cũng không ổn định, chất lượng thấp.

Cho nên với móng yếu, với viên gạch kích thước 40×40, dày 3 phân dành cho người đi bộ, mà cứ cho thuê để ô tô, xe máy, thay đổi liên tục trọng lượng tác động thì rất nguy hiểm.

“Vỉa hè là một cấu trúc không thể thiếu của đường phố đô thị, nhưng không phải để cho thuê. Còn việc cho thuê chỉ là giải pháp tình thế, còn nếu đỗ xe thì họ phải làm bãi đỗ xe, không ai làm vỉa hè lên để cho thuê đỗ xe, khi số tiền thu được so với tiền đầu tư, sửa chữa không đáng bao nhiêu.

Chỉ một tuyến đường 5km đã đầu tư 180 tỷ đồng, chưa kể nếu sửa chữa số tiền cũng nhiều tương đương, nhưng năm 2017 số tiền thu được từ cho thuê vỉa hè mới chỉ có 38 tỷ đồng.

Ngay cả như hiện tại có nhiều đề xuất tăng mức thu phí đỗ xe lên gấp 3 lần thì số tiền thu được cũng không cao bằng một đoạn đường đầu tư lát đá”, ông Toản chỉ rõ.

Lát đẹp cho đậu xe thu tiền lẻ rồi lại hỏng

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Long – Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, đa phần các nước trên thế giới, vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, nếu muốn sử dụng chức năng khác thì thiết kế phải khác, giống như đường ô tô thì phải thảm nhựa, bê tông.

Nhưng ở Hà Nội, điển hình là phố Quang Trung, Triệu Quốc Đạt, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt… vỉa hè, lòng đường từ lâu đã được cấp phép bãi trông giữ xe.

Sau đó, thì cả Hà Nội, TPHCM đều đang phải đấu tranh trả lại vỉa hè cho người đi bộ, vô cùng khó hiểu.

Nghin ty lat da roi cho do xe thu tien le?

Hà Nội tận dụng cả vỉa hè, lòng đường “dành cho” bãi trông giữ xe

Hiện tại, cũng có một số nước tiên tiến cho thuê vỉa hè nhưng chỉ ở các địa điểm nhất định, có trọng lượng tương tự trọng tải người đi. Ví dụ như thủ đô Paris ngay bên cạnh tháp Eiffel, tượng đài chiến thắng vẫn cho thuê bán nước ngọt, nhưng vẫn phải dành chỗ cho người đi bộ.

Còn dành vỉa hè để làm chỗ đỗ xe thì chắc chỉ có Việt Nam đi tiên phong, lập thêm kỷ lục mới. Cho nên, với đá lát vỉa hè nhanh xuống cấp, cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc nhiều nơi xe máy, thậm chí cả ô tô đi lên gây hư hỏng.

“Vỉa hè lát đá có chịu được tải trọng ô tô đè lên không? Tôi khẳng định là không. Chỉ có Việt Nam mới tận dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe. Ở nhiều nước như Mỹ không có chuyện cấp phép để kinh doanh dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy trên vỉa hè.

Họ coi vỉa hè là tuyến đường của người đi bộ, cây xanh được trồng xung quanh, có biển báo hiệu, có những thanh chắn bằng thép chỉ dành người đi bộ đi lên được. Chỉ cần ô tô đỗ sai vào vỉa hè, camera ghi lại và CSGT sẽ xử lý ngay.

Hà Nội muốn dùng vỉa hè thu phí trông giữ xe đừng lát đá, hãy dùng bằng bê tông mới chịu được lực”, ông Long lý giải.

Cũng theo ông Long, làm sai để mà làm đi làm lại, cứ vài năm, vài tháng lại lát vỉa hè là tốn tiền của dân, vì vỉa hè cũng làm bằng tiền thuế của dân. Bây giờ phải nhất quán về chủ trương, sau đó bàn về bài toán kinh tế kỹ thuật.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tạm dừng các dự án lát đá vỉa hè

Chiều 7/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo, các dự án đang chuẩn bị triển khai đầu tư, cải tạo xây dựng vỉa hè tạm dừng thực hiện và tiến hành rà soát, trường hợp đủ điều kiện mới tiến hành.

Thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chấn chỉnh việc cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trong thời gian tới.

Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rà soát làm rõ trách nhiệm và xử lý việc làm sai chỉ đạo của thành phố; Thực hiện rà soát lại ngay kế hoạch chỉnh trang vỉa hè, chỉ triển khai làm mới các vỉa hè đã xuống cấp và không đảm bảo chất lượng.

Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng đánh giá tổng thể việc thực hiện thiết kế vỉa hè báo cáo thành phố trước ngày 15/12.

RELATED ARTICLES

Tin mới