Bắc Kinh sẽ tấn công quân sự Đài Loan nếu tàu chiến Mỹ viếng thăm vùng lãnh thổ này. Đó là tuyên bố của một quan chức ngoại giao Trung Quốc mới đây -AP đưa tin ngày 10-12.
Căng thẳng Đài Loan-Trung Quốc lên đến đỉnh điểm sau khi Washington tuyên bố muốn lên kế hoạch triển khai tàu chiến viếng thăm Đài Loan. “Ngày tàu chiến Mỹ đến TP Cao Hùng – Đài Loan, cũng chính là ngày Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thống nhất Đài Loan bằng sức mạnh quân sự” – Liberty Times dẫn lời tuyên bố đầy đe dọa của quan chức ngoại giao Trung Quốc Li Kexin.
Ông Li Kexin đưa ra lời cảnh báo nêu trên sau khi Quốc hội Mỹ muốn đưa ra một số giải pháp mới cho phép tàu chiến và giới chức Hải quân Mỹ viếng thăm Đài Loan và ngược lại. Theo ông Li, việc Mỹ triển khai tàu chiến viếng thăm Đài Loan là vi phạm Luật Chống ly khai của Trung Quốc; vi phạm nền tảng tinh thần cơ bản của các mối quan hệ ngoại giao Washington – Bắc Kinh.Luật này đã được thông qua từ năm 2005.
Chính sách chủ chốt của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là thống nhất vùng lãnh thổ này bằng giải pháp hòa bình, nhưng Bắc Kinh cũng không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.
Trước sự đe dọa của Bắc Kinh, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan (MOFA) nói rằng, không rõ chính phủ Mỹ sẽ hiểu phát biểu của ông Li theo nghĩa nào, nhưng khẳng định lời đe dọa của vị này là hồ đồ, không mang lại tác động tích cực trong việc cải thiện quan hệ Đài Loan – Trung Quốc. Đài Loan sẽ tiếp tục thông qua các biện pháp hòa bình và sử dụng các kênh đối thoại để cải thiện quan hệ với đại lục.
Còn theo ý kiến của một chuyên gia đối ngoại tại trường ĐH Tamkang (Đài Loan), ông Alexander Huang, việc ông Li chỉ đề cập đến thành phố Cao Hùng là rất vô lối, bởi vì nó ám chỉ rằng, nếu chiến hạm Mỹ viếng thăm khu vực khác của Đài Loan, vấn đề sẽ không thật sự nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, tương lai của bán đảo này là rất khó đoán định.Nếu nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn không thừa nhận “Nhận thức chung năm 1992” (về quan hệ hai bờ eo biển) hoặc đi theo chủ trương “Đài Loan độc lập”, Bắc Kinh sẽ kiên quyết xử lý vấn đề Đài Loan. Cách xử lý sẽ theo 4 giai đoạn: Quan sát, gây áp lực, đối kháng và xung đột.
Trung Quốc không bao giờ để Mỹ can dự vào vấn đề Đài Loan. Nhà xã hội học Trung Quốc định cư ở Mỹ Lý Nghị nêu chủ trương sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh.
Theo Lý Nghị, từ năm 1994 trở lại đây, các nhà lãnh đạo Đài Loan như Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và Thái Văn Anh đã thành công trong việc sửa đổi sách giáo khoa ở Đài Loan. Các cuốn sách dành cho lứa tuổi học trò đã rót vào đó tư tưởng “phi Trung Quốc”, thuyết “Hai nước Trung Quốc”, hay thuyết “Một bên Một nước”… Tựu chung là, cổ súy chủ trương Đài Loan độc lập, phản đối thống nhất hai bờ eo biển.
Tinh thần ấy cho đến nay, sắp bước sang năm 2018, đã “khai hoa kết quả” bởi lớp người dưới 40 tuổi ở Đài Loan. Mưa dầm thấm lâu. Họ được tiêm nhiễm bằng những cuốn sách giáo khoa kiểu nêu trên. Tình hình càng trở nên nguy hiểm kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền đã chọn một phần tử ủng hộ Đài Loan độc lập làm người đứng đầu ngành giáo dục. Nói cách khác là khả năng hòa bình thống nhất không còn tồn tại nữa.
Ngược lại, Giáo sư Kim Xán Vinh cho rằng, việc thu hồi Đài Loan nhiều khả năng xảy ra vào một ngày trong năm 2021 hoặc năm 2022. Vào cái ngày ấy nhà lãnh đạo Tập Cận Bình “hạ lệnh vào buổi sáng còn vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết xong vào buổi chiều”.
Còn ông Lý Nghị cho rằng, việc thu hồi Đài Loan có thể tiến hành sớm hơn từ 2 – 3 năm. Thêm nữa, việc thống nhất Đài Loan không thể chỉ dựa vào việc Trung Quốc nâng cao sức hấp dẫn của mình. Việc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan sẽ có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với sự nghiệp cải cách của Trung Quốc, nhất là thúc đẩy nội nhu, làm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ở mức trên 10% chí ít trong 3 – 5 năm.
Thêm nữa, vũ lực thống nhất Đài Loan còn giúp Trung Quốc tiết kiệm ngân sách quốc phòng và không những không phải hi sinh tính mạng mà còn có thể giúp cứu vớt nhiều sinh mạng, ông Lý Nghị nhận định
Vậy là Trung Quốc đại lục và Đài Loan đều có lý riêng của mình. Thế cho nên cả hai đều cần đến con hổ lớn Hoa Kỳ. Con hổ ngả về bên nào thì lợi thế sẽ nghiêng hẳn về bên đó. Thế cho nên ngay sau khi Washington tuyên bố muốn lên kế hoạch triển khai tàu chiến viếng thăm Đài Loan, Bắc Kinh đã lồng lộn phản ứng.
Hãy chờ đến hồi sau khi con tàu chiến áp mạn vào xứ Đài mưa bão sẽ trút xuống ra sao?