Những dự án trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan liên tục gặp trở ngại do bất đồng quan điểm giữa hai bên.
Trung Quốc ngày 7.12 đã lên tiếng khẳng định không có chuyện nước này đặt ra những yêu cầu không thể đáp ứng cho phía Pakistan, dẫn đến dự án thủy điện Diamer-Bhasha trị giá 14 tỉ USD giữa hai nước bị hủy hồi tháng trước.
Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức giấu tên tại Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho hay Bắc Kinh không đòi quyền sở hữu, quyền vận hành con đập, hay ra điều kiện để xây thêm đập thủy điện tại Pakistan. Quan chức của NDRC nhấn mạnh các điều kiện nêu trên không tồn tại.
“Các thông tin đăng tải bởi truyền thông Pakistan chứa nhiều điểm sai sự thật hoặc có thể chúng chỉ thể hiện lập trường của một số quan chức với tư cách cá nhân”, ông nói.
Quan chức Trung Quốc còn cho biết chính phủ hai nước vẫn duy trì hợp tác liên quan đến đập Diamer-Bhasha và công trình này đang trong giai đoạn thi công ban đầu.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã vấp phải nhiều trở ngại tại Nam Á khi lần lượt Nepal rồi Pakistan gần đây hủy các dự án thủy điện lớn với Bắc Kinh.
Trước đó hồi tháng 11, Pakistan tuyên bố rút đập thủy điện Diamer-Bhasha ra khỏi đại dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) vì “những đòi hỏi hết sức khắt khe” của Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh sẽ nắm quyền sở hữu dự án, quản lý hoạt động, chi phí bảo trì và được xây dựng thêm một đập thủy điện khác, trong khi nước chủ nhà Pakistan phải trả chi phí xây dựng đập thủy điện công suất 4.500 megawatt này.
Tờ Express Tribune dẫn lời ông Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nước và năng lượng (WAPDA) của Pakistan nói rằng những điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra là “không thể đáp ứng và trái với lợi ích của Islamabad”. Theo ông Hồ Trí Dũng, nghiên cứu viên tại Viện Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, đập Diamer-Bhasha sẽ khó có thêm tiến triển trước khi Pakistan tổ chức bầu cử.
Nối tiếp rắc rối
Trung Quốc mới đây cũng quyết định tạm ngưng rót vốn cho ít nhất 3 dự án đường bộ quy mô lớn ở Pakistan. Theo tờ Times of India, tổng chiều dài của 3 dự án đường bị đình trệ do thiếu vốn lên đến 356 km. Ban đầu, cả 3 dự án đều nằm trong chương trình phát triển của riêng chính phủ Pakistan. Tuy nhiên đến tháng 12.2016, Cơ quan Đường cao tốc quốc gia (NHA) của nước này tuyên bố đưa các dự án vào khuôn khổ CPEC nhằm thu hút nguồn tài chính từ Trung Quốc.
Những khó khăn trong việc di chuyển vốn giữa các nước tham gia ‘Vành đai – Con đường’ đang hạn chế thành công đối với dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh.
Tờ Dawn dẫn lời một quan chức của NHA cho biết quy trình rót vốn mà hai bên thống nhất đã bị hủy bỏ. “Nguồn vốn cho ba dự án đường bộ đã được thống nhất vào năm ngoái tại kỳ họp thứ 6 của Ủy ban Hợp tác chung và việc thông qua chỉ còn mang tính quy trình hình thức. Đáng lẽ việc ký kết rót vốn cho 3 dự án này đã được hoàn thiện trong cuộc họp ngày 20.11, thế nhưng phía Pakistan lại được thông báo tại cuộc họp rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra “các hướng dẫn mới”, trong đó cách thức tối ưu để luân chuyển nguồn vốn sẽ được nêu rõ”, theo quan chức trên.
Phía Trung Quốc khi thông báo “đổi ý” nói rằng quy trình vốn chỉ dành cho các dự án hồi vốn ngắn hạn. Theo truyền thông địa phương, các quan chức Pakistan đã rất sốc trước thông báo trên. Tuy nhiên, NHA cho rằng nguyên nhân của rắc rối này xuất phát từ những thông tin gần đây liên quan đến tình trạng tham nhũng trong các dự án CPEC.
Phó giáo sư Chu Nhân tại Đại học Quan hệ quốc tế Bắc Kinh nhận định Pakistan sẽ “nhạy cảm” hơn với các vấn đề về nguồn vốn do không có sức mạnh tài chính như Trung Quốc nhưng lại phải tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. “Trung Quốc và Pakistan có cách nhìn khác nhau về chia sẻ rủi ro. Có một số quan điểm ở Pakistan cho rằng Trung Quốc nên cho các công ty địa phương tham gia nhiều hơn vào những dự án cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn khởi đầu của hợp tác song phương, tính quan trọng về chiến lược của các dự án này đã lấn lướt những toan tính về thương mại. Nhưng giờ đây sự tập trung đã quay trở lại với các điều kiện thương mại”, theo ông Chu.