Wednesday, November 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThép TQ đội lốt hàng Việt vào Mỹ: Phải làm gì?

Thép TQ đội lốt hàng Việt vào Mỹ: Phải làm gì?

Doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc sản phẩm được làm từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nhập từ nước khác không phải Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép các-bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Trên cơ sở quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ, Hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc.

Bình luận về động thái này của Mỹ, ông Trần Sơn Lâm, nguyên chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc Mỹ điều tra và đưa ra kết luận nói trên là có cơ sở của họ.   

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đặt lợi nhuận lên trên hết đã mua phôi thép của Trung Quốc về gia công, chế biến thành sản phẩm gắn mác Việt Nam, thậm chí báo chí từng phản ánh có trường hợp nhập 100% thép thành phẩm Trung Quốc sau đó gắn nhãn mác Việt Nam rồi xuất khẩu.

Trở lại với quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ, ông Trần Sơn Lâm cho rằng, điều doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cần làm là phải chứng minh được tỷ lệ gia công, chế biến của mình chiếm bao nhiêu phần trăm giá trị sản phẩm.

“Tỷ lệ chế biến của Việt Nam phải chiếm 80-90% giá trị sản phẩm thì mới có thể khẳng định rằng mình sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc nhưng vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam vì đã có sự chuyển đổi đáng kể, giá trị chất xám trong sản phẩm thép Việt Nam tạo ra là chính.

Điều này cũng giống như việc các nước mua nguyên liệu thô của Việt Nam về chế biến thành sản phẩm tinh mang nhãn mác, thương hiệu của nước họ”, ông Lâm nói.

Nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ nhấm mạnh, đây cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt phải làm ăn bài bản, đàng hoàng, tôn trọng cuộc chơi của kinh tế thị trường, đặc biệt là với Mỹ bởi họ rất sòng phẳng, rõ ràng và minh bạch.

Bày tỏ một quan điểm khác, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, Mỹ không quan tâm và không cần chứng minh mức độ giá trị gia tăng khi làm ở Việt Nam là bao nhiêu phần trăm để kết luận sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Đơn giản Mỹ coi đó là nguyên liệu của Trung Quốc và Trung Quốc thông qua Việt Nam để trốn thuế khi xuất khẩu thép vào Mỹ.

“Trước đây, Việt Nam nhập rất nhiều thép cán nóng của Trung Quốc rồi xử lý thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để thành tráng tôn và mạ kẽm.

Do đó, Mỹ cho rằng Trung Quốc đưa qua Việt Nam để trốn thuế vì Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ và thép cán nguội của Trung Quốc rất nặng.

Ở Đông Nam Á và một số nước khác, nếu 40% gia công ở nước mình thì coi là sản phẩm xuất xứ ở nước mình. Nhưng như đã nói, Mỹ không quan tâm đến mức độ giá trị gia tăng của Việt Nam là bao nhiêu, họ chỉ làm theo chính sách mới của Tổng thống Donald Trump, cứ thấy nguyên liệu từ Trung Quốc thì bị coi là trốn thuế”, ông Phạm Chí Cường cho biết.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thêm, Việt Nam có nhà máy thép Formosa đã bắt đầu sản xuất ra thép cán nóng. Ngoài ra, Việt Nam không chỉ nhập thép cán nóng của Trung Quốc mà còn nhập nhiều nước khác không bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, chẳng hạn như Hàn Quốc. Trong thời gian tới, có thể sản lượng thép cán nóng sản xuất ở Việt Nam sẽ tăng lên và Mỹ phải đối xử công bằng với Việt Nam trong việc áp thuế.

“Nhiệm vụ của các nhà sản xuất thép của Việt Nam là phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm tôn mạ, thép cán nguội hoàn toàn xuất xứ từ Việt Nam hoặc có đầu vào nhập khẩu từ các nước mà Mỹ không áp thuế chống bán phá giá. Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, phía Việt Nam cần thuê luật sư để chứng minh điều đó”, ông Phạm Chí Cường nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cũng cần phải đoàn kết, thống nhất trong việc nếu nhập nguyên liệu của Trung Quốc thì cũng chỉ nên làm và bán trong nội địa, còn đã xuất khẩu sang Mỹ thì phải minh bạch hồ sơ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, sản xuất thế nào…

“Sợ nhất là bên thương mại nhập nhèm, do đó bên hải quan, quản lý nhà nước phải chặt chẽ trong vấn đề này”, ông Phạm Chí Cường lưu ý.

RELATED ARTICLES

Tin mới