Sau khi gây thiệt hại đáng kể cho xe tăng gốc Nga và Mỹ tại Trung Đông, Trung Quốc tự tin so HJ-8 với dòng tên lửa chống tăng Kornet của Nga.
Mới đây tờ Hoàn Cầu đã có nhận định cho rằng tên lửa chống tăng HJ-8 do Tập đoàn NORINCO của Trung Quốc phát triển sở hữu sức mạnh xuyên phá và tầm bắn hơn hẳn tổ hợp Kornet của Nga. Tuy nhiên, khi so sánh tính năng của 2 dòng tên lửa này đã cho thấy thực tế hoàn toàn khác.
Theo Jane’s Defense, tên lửa HJ-8 được NORINCO thiết kế với kiểu dẫn đường bằng dây, cách điều khiển này khiến xạ thủ có thể gặp nguy hiểm nếu lộ vị trí và đối phương bắn trả.
Trong khi đó, thiết kế của HJ-8 khá cồng kềnh càng làm cho trắc thủ dễ bị lộ hơn. Ngoài ra tầm bắn của HJ-8 chỉ khoảng 3 km, kém xa so với 5 km của 9M133 Kornet.
Các biến thể mới của HJ-8 như HJ-9 được giới thiệu sử dụng hệ thống dẫn hướng bám chùm laser bán tự động, có thể là sao chép từ tên lửa Hellfire của Mỹ. Tuy nhiên, HJ-9 có trọng lượng tới 37 kg nên chỉ phóng đi từ trực thăng hoặc xe thiết giáp.
Tên lửa chống tăng HJ-8 đã được xuất khẩu cho khoảng 20 quốc gia, chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi. Trong thực chiến, HJ-8 đã từng chiến thắng trước tăng Abrams do Mỹ sản xuất và một số phiên bản tăng do Liên Xô sản xuất tại Iraq và Syria.
Trong khi HJ-8 điều khiển bằng dây thì tên lửa Kornet được trang bị hệ thống dẫn hướng bám chùm laser bán tự động cho phép mở rộng tầm bắn tới 5 km, lên đến 10 km với bản Kornet-EM.
Khả năng xuyên giáp chính là điểm nổi bật của Kornet. Đầu đạn của tên lửa có sức xuyên tới 1.200mm sau khi phá giáp phản ứng nổ. Kornet đủ khả năng tiêu diệt mọi xe tăng hiện đại nhất bằng cú đánh trực diện.
Một số tên lửa Kornet đã được sử dụng để đánh bại xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 hiện đại nhất của Mỹ. Xét ở tất cả các chỉ số, tên lửa chống tăng chủ lực của Trung Quốc kém xa Kornet của Nga.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến Trung Quốc so sánh HJ-8 với Kornet?
Theo Jane’s Defense, chỉ có cách giải thích duy nhất là nhà sản xuất Trung Quốc muốn đưa HJ-8 và những phiên bản của nó xâm nhập vào chính những thị trường Nam Mỹ, châu Phi và một số quốc gia Trung Đông – nơi tổ hợp Kornet Nga đang làm mưa làm gió.