‘Chơi với một người mạnh hơn, giỏi hơn mà không tỉnh táo là tự đẩy mình vào bẫy được giăng sẵn’ – LS Trương Thanh Đức.
PV:- Thưa ông, Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) – Trung Quốc tổ chức hội nghị thu hút vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam.
Mục tiêu của hội nghị nhằm liên kết, hợp tác với các công ty chứng khoán Việt Nam để thu hút, huy động nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ông bình luận thế nào về sự kiện trên? Sự kiện trên sẽ mở ra cơ hội gì cho Việt Nam trong thu hút vốn từ Trung Quốc?
LS Trương Thanh Đức:- Cá nhân tôi vẫn đánh giá đây là cơ hội tốt giúp cho Việt Nam có thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Rõ ràng, Việt Nam phải có tiềm năng, có uy tín, có năng lực… thì Trung Quốc mới nhắm tới. Ở đây là mối quan hệ thương mại, có vay thì có trả, nếu không đủ năng lực trả nợ chắc chắn không một quốc gia nào dám cho vay.
Vấn đề còn lại nằm ở chính phía Việt Nam, tức là chúng ta sẽ sử dụng nguồn vốn đó thế nào? Tận dụng cơ hội để để bứt phá, phát triển ra sao? Câu chuyện ở Việt Nam lâu nay không phải là việc có vay được vốn hay không và vay của nước nào mà là vấn đề quản lý đồng vốn chưa hiệu quả gây thất thoát, lãng phí… khiến nợ công tăng cao. Nếu những tồn tại đó chưa được khắc phục thì càng đi vay sẽ càng nguy hiểm.
Tôi lấy ví dụ, ở Việt Nam rất nhiều đại gia giàu có, có uy tín, có năng lực nhưng lại dễ chết hơn những người vốn ít, làm cò con. Việc này rất dễ hiểu, vì tâm lý chung là càng giàu càng muốn làm to, khi có tiền sẽ muốn mở rộng quy mô sản xuất, để mở rộng được quy mô họ sẽ phải vay thêm vốn. Trong giới hạn nhất định sẽ khiến họ gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, dẫn tới hiệu quả không cao, đồng vốn ngày càng bị thâm hụt, nợ vay không trả được, lỗ chồng lỗ và cuối cùng là phá sản, sập tiệm.
PV:-Trong trường hợp Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) hợp tác với các công ty chứng khoán Việt Nam thì nguyên tắc hoạt động thế nào? Cơ chế quản, điều hành ra sao, xin ông phân tích kỹ?
LS Trương Thanh Đức:- Tôi cũng chưa khẳng định được hình thức hợp tác giữa Ngân hàng Trung Quốc với các sàn chứng khoán Việt Nam theo hình thức nào. Tuy nhiên, về nguyên tắc, nếu đã là ngân hàng đại diện mở văn phòng tại Việt Nam thì hoàn toàn có quyền thực hiện giao dịch nhận – gửi vốn của nhà đầu tư thông qua các tài khoản doanh nghiệp Trung Quốc mở tại ngân hàng này.
Hoặc, có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước niêm yết trên sàn giao dịch Trung Quốc.
Hoặc, Ngân hàng Trung Quốc sẽ đứng ra như một kênh trung gian nhằm tuyên truyền, giới thiệu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Trung Quốc mua chứng khoán tại Việt Nam. Thông qua các ngân hàng này, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể yên tâm thực hiện các giao dịch mua bán mà không phải qua các ngân hàng quốc tế khác.
Vấn đề nằm ở chỗ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng, hoạt động không đúng theo quy luật thế giới. Một khi, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào thị trường chứng khoán hoặc họ đứng ra mua gần như tuyệt đối số cổ phiếu của một tập đoàn, doanh nghiệp hay một lĩnh vực nào đó thì nguy cơ rủi ro là rất lớn.
Riêng với các nhà đầu tư Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều bài học cho tới nay vẫn chưa thể khắc phục được. Cụ thể, trong quan hệ thương mại, Việt Nam đã phải chịu nhiều trái đắng từ cách thức làm ăn không đàng hoàng, minh bạch từ giới thương lái, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Hàng loạt những động tác giả như thu mua cau non, mua đỉa, thanh long… giá cao rồi tự nhiên “biến mất”, gây nhiễu loạn thị trường, khiến người nông dân phải chịu thiệt hại nặng nề.
Còn trong quan hệ hợp tác, đầu tư các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang cho thấy sự thiếu tin tưởng, nói không giữ lời. Điển hình tại một số dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, liên tục mắc sai phạm, đội vốn, kéo dài thời gian… thậm chí còn gây áp lực cả về mặt chính trị.
Còn trong chứng khoán, nguy cơ bắt tay, liên kết giữa nhiều nhà đầu tư cùng mua một doanh nghiệp, sau đó liên kết với nhau, thao túng, làm khuynh đảo thị trường chứng khoán Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu việc này xảy ra, Việt Nam sẽ rất khó đối phó, xử lý vì về nguyên tắc đây là hành vi hợp pháp, một kịch bản thao túng thị trường chứng khoán đúng quy định của pháp luật.
Ngoài hạn chế về trình độ, năng lực thì tình trạng tham nhũng cũng là điều kiện để các nhà đầu tư Trung Quốc có cơ hội thực hiện hành vi trên thuận lợi hơn.
PV:- Trong một bài phân tích mới đây, một chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết gánh nặng dư thừa sản lượng và tỷ lệ nợ gia tăng của các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với Trung Quốc để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ. Trong đó, có cả phương án tăng cường thuyết phục các quốc gia vay vốn đầu tư của nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng nằm trong những số nước được Trung Quốc để ý.
Nếu điều này xảy ra thì việc xuất khẩu nợ có thể diễn ra theo những cách thức nào? Với sự tham gia của Trung Quốc vào sân chơi chứng khoán, việc xuất khẩu nợ có được đẩy mạnh hơn không và theo cách thức thế nào? Xin ông phân tích kỹ về những nguy cơ, hệ lụy Việt Nam có thể phải đối diện? Việt Nam phải ứng phó thế nào thưa ông?
LS Trương Thanh Đức:- Việc này không phải bây giờ mới được nói tới. Đã từ lâu, Trung Quốc luôn có những toan tính kỹ lưỡng trong mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh với các quốc gia khác.
Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, cho vay vốn cũng chính là một cách thức bán hàng. Thông qua việc bán hàng, họ xuất khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ sang nước được đầu tư. Đây chính là một hình thức Trung Quốc muốn xuất khẩu nợ. Do đó, Việt Nam phải xem xét cẩn trọng, phải đặt lợi ích của doanh nghiệp đứng trong tổng thể lợi ích của toàn quốc gia để quyết định. Không nên tiếp tục chạy theo giá rẻ mà đẩy mình vào thế nguy hiểm, luôn thấp thỏm, không thể yên tâm.
Thời gian qua, chúng ta cũng đang cố gắng xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế mua bán nợ theo thị trường. Nếu thị trường mua bán nợ đi vào hoạt động, cùng với việc hợp tác giữa Ngân hàng Trung Quốc và các sàn chứng khoán tại Việt Nam được hình thành thì đây sẽ là mảnh đất mới để các nhà đầu tư Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn.
Tôi rất lo ngại, vì chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ chế, thể chế, trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế, cùng với đó là vấn nạn tham nhũng chưa được xử lý triệt để thì việc hợp tác với Ngân hàng Trung Quốc để thu hút vốn thông qua sàn chứng khoán là rất mạo hiểm. Chơi với một người mạnh hơn, giỏi hơn mà không tỉnh táo, không có kinh nghiệm là tự đẩy mình rơi vào bẫy đã được họ giăng sẵn.
Những hệ lụy mà ai cũng có thể nhìn thấy trước chính là sự lệ thuộc, phụ thuộc thậm chí còn bị thao túng.