Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnCạnh tranh ngoại giao Trung-Ấn: Từ Nam Á đến Đông Nam Á...

Cạnh tranh ngoại giao Trung-Ấn: Từ Nam Á đến Đông Nam Á (Kỳ 2)

Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ đều ra sức phát triển kinh tế, mong muốn duy trì môi trường xung quanh ổn định tích cực, tuy quan hệ hai nước có những lúc nổi sóng nhưng tổng thể ổn định. Năm 2003, vào đúng lúc dịch SARS bùng nổ, Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee đã đến thăm Trung Quốc, hai bên đã ký 11 văn bản hợp tác, lần đầu tiên nêu rõ Ấn Độ thừa nhận Khu tự trị Tây Tạng là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bắt tay Vajpayee nói: “Chúng ta đã hoàn thành một việc lớn”.

Từ “kết tình Chu Du-Gia Cát Lượng” đến thách thức đơn phương

Phó Oánh, Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó, nêu rõ: “Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận thức đầy đủ hai nước không đe dọa lẫn nhau, lợi ích chung của hai bên lớn hơn bất đồng, điều này đã xây dựng nền tảng vững chắc để hai nước tăng cường hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. 

Năm 2006, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thực hiện thành công chuyến thăm Ấn Độ, trong tuyên bố chung, hai bên khẳng định: Hai nước không phải là đối thủ hay cạnh tranh, mà là đối tác hợp tác cùng có lợi. Học giả Trung Quốc khi đó từng viết nhiều bài, phân tích lạc quan khả năng Trung Quốc và Ấn Độ cùng trỗi dậy và ý nghĩa của việc đó đối với sự trỗi dậy chung của châu Á. 

Nhưng bắt đầu từ năm 2008, xung quanh các bất đồng như vấn đề Tây Tạng, tranh chấp biên giới, Hiệp định hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn…, các vấn đề mới và cũ trong quan hệ Trung – Ấn đan xen nhau, hai nước dường như quay trở lại trạng thái xung đột và cạnh tranh. 

Sau khi Obama lên nắm quyền, Chính quyền Mỹ thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, cố tình chia rẽ quan hệ Trung-Ấn, một số học giả phương Tây cũng dấy lên khái niệm “rồng – voi cạnh tranh”. Một bộ phận trong giới tinh hoa Ấn Độ đã chìm đắm trong ý tưởng địa chính trị sai lầm và “tâm lý cạnh tranh Chu Du-Gia Cát Lượng” (Thời cuối triều Hán ở Trung Quốc, đất nước rối ren chia năm sẻ bảy, Chu Du là Đô đốc của Tôn Quyền, Gia Cát Lượng là quân sư của Lưu Bị. Gia Cát Lượng sang du thuyết để Tôn Quyền và Lưu Bị cùng hợp sức để đánh Tào Tháo mạnh hơn ở Trung nguyên, nhưng Chu Du luôn ghen tức với tài năng của Gia Cát Lượng, tìm mọi cách để hãm hại Gia Cát Lượng nhưng không được – ND) đã viết nhiều bài thiếu khách quan và mang tính kích động, định hướng sai lầm tai hại cho người dân Ấn Độ. Cộng thêm sự phát triển kinh tế Ấn Độ đã có thành tựu nhất định, sự tự tin mù quáng của dân chúng đan xen với chủ nghĩa dân tộc, hình thành tâm lý phức tạp chống Trung Quốc: Vừa bao gồm lòng tự tin mù quáng rằng “rùa Ấn Độ” vượt “thỏ Trung Quốc”, lại vừa bao hàm sự oán hận và lo ngại đối với việc Trung Quốc ngăn chặn sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ trở thành bá quyền đơn cực. 

  Học giả trẻ của Trung Quốc chuyên nghiên cứu Ấn Độ là Lâm Dân Vượng đã phân tích thái độ của người dân Ấn Độ trong gần ba năm đối với Trung Quốc, nêu rõ mức độ thiện cảm của xã hội Ấn Độ đối với Trung Quốc không ngừng giảm sút, số liệu điều tra dư luận xã hội đến tháng 7/2017 cho thấy chỉ có 26% số người được hỏi giữ nhận thức tích cực đối với Trung Quốc, 41% giữ thái độ tiêu cực. 

Sau khi Modi lên nắm quyền, về vấn đề biên giới, Ấn Độ có ý đồ lấy hành động đơn phương để phá vỡ thỏa thuận ngầm song phương, chống đối mang tầm chiến lược sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời ngày càng hung hăng trong cạnh tranh an ninh biển. Những việc làm đó khiến quan hệ Trung – Ấn ngày càng rời xa quỹ đạo cạnh tranh lành mạnh, nhân tố mang tính đối đầu tăng vọt.

Sự kiện đối đầu ở Doklam là cuộc khủng hoảng biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sự kiện Arunachal Pradesh năm 1987, hai nước suýt nữa đến gần bờ vực chiến tranh. Là người khởi xướng cuộc khủng hoảng, động cơ của Modi không phải là mạo hiểm chiến thuật đơn thuần, nguyên nhân vẫn là muốn tranh giành với Trung Quốc vùng đất xung quanh. Còn sự trùng hợp giữa quân đội Ấn Độ vượt qua biên giới và Modi thăm Mỹ có thể là Ấn Độ thách thức Trung Quốc để làm hài lòng phương Tây, cũng có thể có chủ ý làm việc đó để phát đi tín hiệu khó hiểu cho việc hoạch định quyết sách của Trung Quốc, toan tính tăng thêm cơ hội có lợi cho Ấn Độ. Người viết có khuynh hướng phán đoán thứ hai. Việc lắng dịu tạm thời khủng hoảng Doklam không phải là đã giải quyết hoàn toàn vấn đề, ngược lại điều này có thể là điểm khởi đầu để Trung Quốc và Ấn Độ thay đổi thỏa thuận chiến lược hữu nghị với nhau, quan hệ song phương có thể bước vào thời kỳ bất ổn mới. 

Phán đoán này cũng dần được thể hiện trong việc thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường” và việc xây dựng Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar. Ấn Độ từ chối cử đoàn đại biểu tham dự Diễn đàn hợp tác cấp cao “Vành đai và Con đường”, lại bắt đầu cùng với Nhật Bản thiết lập “Hành lang tăng trưởng Á-Phi”. Ấn Độ còn có ý đồ tăng cường địa vị lãnh đạo của họ trong hợp tác liên kết khu vực. Chẳng hạn như tích cực thúc đẩy Sáng kiến hợp tác kỹ thuật kinh tế nhiều lĩnh vực vịnh Bengal, sáng kiến hợp tác sông Hằng – sông Mekong (đều không có Trung Quốc)…, không mấy nhiệt tình đối với Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar. Từ đó có thể thấy, một khi thời cơ phát triển vùng Đông Bắc Ấn Độ chín muồi, ảnh hưởng của thế lực Ấn Độ ở Đông Nam Á (đặc biệt là bán đảo Trung Nam – phần lục địa Đông Nam Á) ngày càng gia tăng, Ấn Độ (hoặc Ấn Độ và Nhật Bản) sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực mới cho hợp tác Lan Thương-Mekong. 

Từ không liên kết đến lực lượng tiên phong mới 

Xem xét từ lịch sử, có thể thấy Trung Quốc và Ấn Độ đều nhấn mạnh ngoại giao độc lập tự chủ và không liên kết, mặc dù hai nước có cạnh tranh ở một số tiểu khu vực và vùng đất xung quanh, nhưng hai bên đều tránh lôi kéo lực lượng thứ ba đóng vai trò phá hoại đối với khu vực bên ngoài mỗi nước. Xem xét từ xu hướng hiện nay, Ấn Độ có khả năng phá vỡ thỏa thuận ngầm hoặc quy tắc ngầm này, hoặc ngấm ngầm hành động. Về vấn đề này, Trung Quốc có thể tìm được rất nhiều dấu hiệu dự báo trong diễn biến phát triển quan hệ Ấn-Nhật, quan hệ Ấn-Mỹ. 

Cùng với sự cải thiện mạnh mẽ quan hệ Mỹ-Ấn và việc tăng cường dần dần thực lực của Ấn Độ, Nhật Bản bắt đầu coi trọng Ấn Độ, quan hệ song phương đã phát triển nhanh chóng sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi vào tháng 4/2005. Tháng 12/2006, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thăm Nhật Bản, quan hệ Ấn-Nhật được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, Ấn Độ trở thành quốc gia duy nhất duy trì cơ chế hội kiến hàng năm cấp thủ tướng với Nhật Bản. Từ năm 2007 đến 2011, các thủ tướng khác nhau của Nhật Bản như như Shinzo Abe, Yukio Hatoyama, Yoshihiko Noda liên tục đi thăm New Delhi; để đáp lễ, Thủ tướng Singh đã đến thăm Tokyo vào năm 2008 và 2010, lần lượt gặp Thủ tướng Taro Aso và Naoto Kan. Sau khi Shinzo Abe trở lại nắm quyền, quan hệ Nhật-Ấn càng nồng ấm hơn, Abe đã lần lượt đi thăm Ấn Độ bốn lần, đồng thời năm 2014 được coi là khách quý tham dự lễ kỷ niệm quốc khánh của Ấn Độ. 

Điều đáng chú ý là Ấn Độ và Nhật Bản ưu tiên hợp tác về quân sự, đồng thời có xu thế phát triển rất nhanh. Tháng 10/2008, hai bên ký “Tuyên bố chung về hợp tác bảo đảm an ninh”. Trong các chuyến thăm lẫn nhau vài năm gần đây, hợp tác an ninh quân sự trở thành một trong những nội dung chủ yếu. Để đối trọng với Trung Quốc, Ấn Độ có ý đồ lôi kéo sức mạnh của Nhật Bản. Chẳng hạn trong phát triển khu vực Đông Bắc Ấn Độ, Ấn Độ từ chối kiến nghị hợp tác của doanh nghiệp Trung Quốc nhưng ra sức lôi kéo doanh nghiệp Nhật Bản; trong phát triển quan hệ với Myanmar, Ấn Độ cũng duy trì hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản; trong vấn đề Nam Hải, tần suất tuyên bố chung Ấn-Nhật đề cập đến cũng rất nhiều. Trong đối đầu ở Doklan gần đây, quan chức cấp cao của Nhật Bản công khai phát biểu ủng hộ tuyên bố của Ấn Độ, bị Chính phủ Trung Quốc lên án nghiêm khắc, đồng thời đã dẫn đến dự đoán của giới học giả về việc Ấn Độ và Nhật Bản liên kết chống Trung Quốc. 
So với sự thân thiết đến từ Nhật Bản, mấy năm qua, nhiệt tình của Mỹ càng cao hơn, sự thả mồi mua chuộc của Mỹ đối với Ấn Độ cũng lớn hơn. Chính quyền Obama đã cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ấn Độ, về cơ bản là “cần gì có nấy”: Từ máy bay trực thăng C-130, P-8I, C-17, Apache đến máy bay trinh sát MQ-9B, các hợp đồng mua bán vũ khí lớn giữa Mỹ và Ấn Độ liên tục diễn ra hàng năm. Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm góc đều đồng ý nhấn mạnh phát triển quan hệ Mỹ-Ấn, coi Ấn Độ là quốc gia có năng lực tốt nhất để đối trọng với Trung Quốc. 

Sau khi Modi lên nắm quyền, việc hoạch định an ninh chiến lược của Ấn Độ ngày càng lộ rõ xu hướng tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ. Bởi vì “New Delhi phát hiện nếu chỉ thông qua điều động nguồn lực trong nước để đối đầu với Bắc Kinh sẽ càng khó khăn”, Ấn Độ cần triển khai hợp tác mạnh mẽ với Mỹ. Tháng 8/2016, Mỹ và Ấn Độ ký Hiệp định bảo đảm hậu cần; tháng 6/2017, dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-16 đã được trao cho Ấn Độ; tháng 7/2017, ba nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức cuộc tập trận chung Malabar ở vịnh Bengal thuộc Ấn Độ Dương. Việc lựa chọn nội dung và địa điểm tổ chức cuộc tập trận này đều thể hiện rõ hoạt động chĩa mũi nhọn vào hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. 
Trước chuyến công du đầu tiên đến châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thăm Ấn Độ vào ngày 25/10/2017 để chúc mừng 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Khi hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, ngoại trưởng Tillerson nói rằng Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Ấn Độ, khẳng định lại hai nước là đồng minh tự nhiên; một tuần trước khi Rex Tillerson thăm Ấn Độ, trong bài phát biểu với chủ đề “Quan hệ Mỹ-Ấn trong thế kỷ tiếp theo” tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, ông nêu rõ: “Quan tâm đến an ninh của Ấn Độ cũng là quan tâm đến an ninh của Mỹ, tập trận chung giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong năm nay là dẫn chứng tuyệt vời thể hiện sức mạnh chung của ba nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Ngày 25/10/2017, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gặp Tillerson ở New Delhi. 

Có học giả phân tích rõ ràng: Trong bản đồ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tillerson, Ấn Độ là trụ cột ở phía Tây, Nhật Bản là trụ cột ở phía Đông, Australia là trụ cột ở phía Nam đều không thể thiếu, Mỹ đương nhiên là quốc gia chủ đạo tác động đến các trụ cột chiến lược. Còn có học giả lại cho rằng Ấn Độ sẽ trở thành trụ cột mới của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ đó có thể thấy, trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới mà Mỹ đang xây dựng, Ấn Độ sẽ được Mỹ quan tâm nhiều hơn, sự kỳ vọng và cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ sẽ gia tăng. 
Trước sự lôi kéo mới của Chính quyền Trump, Ấn Độ liệu có thay đổi lập trường “không liên kết” truyền thống của họ để đóng vai trò tiên phong mới trong chiến lược của Mỹ hay không? Hoặc với tiền đề duy trì tự chủ chiến lược, sẽ tăng cường phối hợp và điều chỉnh chính sách với Mỹ? Hay là tiếp tục chơi trò cân bằng trong quan hệ ba bên chiến lược Mỹ-Trung-Ấn? Những vấn đề này cần thời gian quan sát. Tuy nhiên, Trung Quốc cần đi sâu nghiên cứu và nhận định toàn diện đối với vấn đề này, đặc biệt là phải nhận thức được khả năng lựa chọn chiến lược của Ấn Độ trong tương lai có sự “đột biến”, coi trọng nghiên cứu “nhân tố gây trở ngại từ Ấn Độ” kìm hãm và ảnh hưởng đến chiến lược ngoại giao láng giềng và sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc

RELATED ARTICLES

Tin mới