Bài viết liên quan tới thông tin chung về vũ khí hạt nhân và cách đối phó trên một tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã phần nào cho thấy sự quan ngại sâu sắc của Bắc Kinh trước cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dù trong hơn một năm qua, truyền thông quốc tế không ngừng đưa tin về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhưng đối với phần lớn người dân Trung Quốc, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là “điều xa vời” và chỉ liên quan tới Mỹ – Triều.
Ngay cả truyền thông quốc gia Trung Quốc cũng thường làm dịu vấn đề khi đưa tin về các vụ thử tên lửa tầm xa liên tiếp của Triều Tiên dù hành động của Bình Nhưỡng bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tăng cường lệnh trừng phạt.
Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành điện đàm với nội dung chủ yếu yêu cầu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cần có thêm hành động nhằm kiềm chế quốc gia láng giềng Triều Tiên, truyền thông Trung Quốc vẫn lái vấn đề theo hướng hai nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sau đó bàn thảo thêm về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Nhưng tình thế đã thay đổi khi mới đây Nhật báo Cát Lâm, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc ở tỉnh Cát Lâm đã cho đăng nguyên một trang bài viết mang tựa đề “Những kiến thức chung về vũ khí hạt nhân và cách bảo vệ”.
Nằm ở phía đông bắc Trung Quốc, Cát Lâm là tỉnh công nghiệp và nông nghiệp chia sẻ đường biên giới dài 1.200 km chung với Triều Tiên. Đây cũng là cửa ngõ trao đổi thương mại và nhân sự giữa Trung – Triều.
Bài báo được Nhật báo Cát Lâm đăng là lần đầu tiên kể từ thập niên 60 một trong những tờ báo lớn của Trung Quốc đưa tin về cách thức chuẩn bị trước một cuộc tấn công hạt nhân.
Bằng những hình ảnh hoạt hình miêu tả, Nhật báo Cát Lâm đã thể hiện những thông tin nền về vũ khí hạt nhân, phương thức phát nổ và hậu quả cùng những biện pháp người dân cần làm để tự bảo vệ bản thân. Dù bài báo không nhắc tới căng thẳng hạt nhân Triều Tiên nhưng với nội dung và thời điểm đăng bài viết, người dân Trung Quốc không khó nhận ra rằng mối đe dọa từ quốc gia láng giềng là “có thật và đang tới gần”.
Trong khi đó, giới chức tỉnh Cát Lâm đã cố gắng bình ổn tâm lý người dân khi khẳng định, bài viết chỉ mang tính phổ cập thông tin. Do đó, ý nghĩa bài báo không nên bị làm quá hoặc hiểu nhầm.
Còn theo SCMP, bài báo đăng trên Nhật báo Cát Lâm cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thực sự quan tâm tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên và lo sợ cuộc khủng hoảng này có thể nằm ngoài tầm kiểm soát, đẩy khu vực đông bắc Trung Quốc vào tình thế phải hứng chịu hậu quả.
Trước khi Nhật báo Cát Lâm đăng bài viết trên, truyền thông quốc gia Trung Quốc thường chỉ mô tả cuộc khủng hoảng hạt nhân là chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong đó, Bình Nhưỡng đang cố gắng phát triển các loại tên lửa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ còn Washington đang tính tới phương án tấn công quân sự để giải quyết mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc cũng tập trung ca ngợi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao sẽ không để xảy ra bất cứ sự hỗn loạn hay chiến tranh ngay gần biên giới Trung Quốc.
Thậm chí, truyền thông Trung Quốc cũng phủ nhận nhiều thông tin như các cơ sở thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên bao gồm bãi thử Punggye-ri nằm cách biên giới Trung Quốc chỉ 80 km, đang trong trạng thái nguy hiểm.
Dù hồi tháng 10, SCMP đã cho đăng thông tin các nhà khoa học Trung Quốc gửi lời cảnh báo tới các đối tác Triều Tiên về nguy cơ sạt lở và sập sườn núi sau các vụ thử hạt nhân.
Nhiều khả năng, lãnh đạo Trung Quốc không muốn người dân phải hoang mang nên đã cho đăng thông tin nhấn mạnh, những người sống ở tỉnh Cát Lâm và các khu vực khác ở phía đông bắc vẫn nằm trong vùng an toàn.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng đã lường trước được nguy cơ Washington có thể triển khai một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như việc Bình Nhưỡng bất ngờ phóng tên lửa tấn công một mục tiêu nằm trên lãnh thổ Mỹ.
Còn trong thực tế, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt khi mà Bình Nhưỡng tiếp tục cho phóng thử tên lửa còn quân đội Mỹ – Hàn không ngừng tiến hành tập trận nhằm phô trương sức mạnh trước nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Cụ thể, từ ngày 4 – 8/11, không quân Mỹ – Hàn đã cho tổ chức cuộc tập trận không quân có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Thậm chí, thượng nghị sĩ Lindsey Graham còn hối thúc Lầu Năm Góc nhanh chóng di tản thân nhân các binh sĩ đang hoạt động ở Hàn Quốc về nước trước nguy cơ Triều Tiên tấn công bất ngờ.
Hawaii, một trong những tiểu bang của Mỹ nằm gần nhất với Triều Tiên, cũng đã bắt đầu cho thử nghiệm hệ thống cảnh báo người dân trước các cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Hệ thống này sẽ được thử nghệm hàng tháng.
Và khi cánh cửa ngoại giao với chính quyền Triều Tiên đang khép dần, mới đây, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã cử đại sứ tới Bình Nhưỡng nhưng đáng tiếc người này cũng không thể gặp mặt để đối thoại với ông Kim Jong-un.
Đáng nói, Triều Tiên còn cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwangsong-15 chỉ vài ngày sau khi đại sứ Trung Quốc kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng về nước.
Trên thực tế, nhiều người dân Trung Quốc tin rằng cả Washington và Bình Nhưỡng sẽ không đơn phương tấn công đối phương bởi sự phản đối mạnh mẽ lâu nay của Trung Quốc.
Nhưng bản tính nóng nảy của ông Trump và ông Kim có thể khiến tình hình trở nên vô cùng khó đoán. Thậm chí, kịch bản tồi tệ nhất là Triều Tiên có thể dùng bom hạt nhân tấn công Trung Quốc một khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.