Korybko khẳng định, Nga chỉ được NATO lợi dụng như một mối đe dọa “hợp lý”, nhưng dư luận không nên nhầm lẫn rằng mục tiêu thực sự của Mỹ/đồng minh luôn là “đối đầu Trung Quốc”.
(Ảnh: Sputnik/ Vitaliy Ankov)
Theo nhà phân tích chính trị Andrew Korybko, thành viên hội đồng chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Dự báo tại Đại học Hữu nghị Nhân dân Nga, chiến dịch truyền thông mới được khơi lại gần đây về “mối đe dọa Nga” đối với hệ thống cáp ngầm dưới biển của thế giới trên thực tế là vỏ bọc để Mỹ và NATO gia tăng hiện diện hải quân dọc duyên hải khu vực Phi-Á-Âu, nhằm giám sát các tuyến thương mại hàng hải “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc, và thiết lập vị trí trong tương lai nhằm chống lại tuyến đường này.
Tư lệnh lực lượng vũ trang Anh Stuart Peach, kêu gọi NATO bảo vệ hệ thống cáp ngầm dưới biển trước Nga. Điều này từng được các quan chức phương Tây khác nêu ra trước đây, nhưng lần này thông điệp được nêu lên một cách cấp bách hơn.
Các quan chức chỉ ra rằng nền văn minh thế kỷ 21 phụ thuộc lớn vào các công nghệ thông tin hiện đại, và bất ổn có thể xảy ra nếu các hệ thống này bị gián đoạn. Con số khó tin được đưa ra là 97% thông tin trao đổi toàn cầu, cùng khoảng 10.000 tỉ USD giao dịch tài chính, được chuyển qua các đường cáp này mỗi ngày.
Korybko bình luận, dư luận phương Tây sợ rằng tổng thống Nga Vladimir Putin lúc nào cũng có thể ra lệnh cho tàu ngầm nước này… cắt cáp, “ném nền văn minh nhân loại vào hỗn loạn và thay đổi hoàn toàn cuộc sống thường nhật của hàng tỉ người”.
Mục tiêu của Mỹ là Trung Quốc?
Nga đang bị mô tả như một mối đe dọa thường trực, qua đó lý giải và hợp thức hóa việc Mỹ cùng NATO gia tăng triển khai lực lượng hải quân ở khắp thế giới nhằm “bảo vệ hơn 877.000km cáp nằm dưới đáy đại dương”. Lý do này thuận tiện, ít tốn kém và giàu sức thuyết phục trong môi trường thông tin mà phương Tây bảo trợ, nhưng Korybko chỉ ra rằng không lực lượng nào có thể bảo đảm an ninh hoàn toàn cho mạng lưới cáp dài gấp gần 22 lần chu vi trái đất.
Không có đủ thiết bị cảm ứng để xác định các vụ tấn công trước khi chúng xảy ra hoặc khi các đơn vị hải quân trên mặt nước phản ứng. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Tại sao Mỹ/đồng minh muốn dư luận ủng hộ giải pháp liên quan đến tăng tiền đầu tư vào hải quân và các cuộc tuần tra chung dọc bờ biển các lục địa?
Andrew Korybko đánh giá, câu trả lời trên thực tế không hề liên quan đến Nga, mà tất cả là do Trung Quốc, bởi chính Bắc Kinh chứ không phải Moskva đang có phạm vi hàng hải toàn cầu vào thời điểm này.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc (OBOR) bao gồm một tuyến hàng hải tập trung ở khu vực châu Phi-Ấn Độ Dương. Trong khi đó, gia tăng hiện diện hải quân ở vùng nước này là thành tố cơ bản trong chiến lược lớn của Mỹ trong thế kỷ 21, mục tiêu là giám sát tuyến hàng hải của Trung Quốc và sẵn sàng các vị trí cho phép làm gián đoạn, kiểm soát hoặc tác động lên tuyến đường biển này trong tương lai.
Korybko cho rằng cuộc khủng hoảng cướp biển Somalie vào giữa thập niên 2000 đã khiến phương Tây nhận thấy chỉ một đe dọa tiềm tàng cho lợi ích đa phương trên các vùng nước quốc tế là đủ để “hợp thức hóa” việc triển khai hải quân đến khu vực liên quan.
Theo ông, lập luận “mối đe dọa tàu ngầm Nga cắt cáp biển” đã vượt qua cả điều đó, bởi Mỹ và NATO muốn mở rộng phạm vi tác chiến từ một vùng nước đơn lẻ như Vịnh Aden ra toàn bộ đại dương, đặc biệt là khu vực biển tiếp giáp các đường bờ biển của mỗi lục địa.
Chứng kiến OBOR đang được chính phủ Trung Quốc triển khai ở khu vực Phi-Á-Âu, không khó hiểu khi Mỹ cố gắng mở rộng nhanh chóng khu vực hoạt động của lực lượng Mỹ và đồng minh trên đại dương.