Đó là câu hỏi được ông Marco Rubio, Thượng nghị sỹ, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Hạ viện Mỹ về Trung Quốc, nêu ra trong một bài viết của mình, được đăng trên tờ CNN hôm 13/12.
Theo Thượng nghị sỹ Rubio, trước những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trước sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc và những thách thức khác, Mỹ đang tái khẳng định cam kết của mình trong việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Ấn Độ và Nhật Bản, hai đối tác chính của Mỹ, đã tăng cường hợp tác về an ninh, để đối phó với những thách thức trong khu vực. Do đó Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho hai nước này, và mở rộng với sự tham gia của Úc và các nước châu Á khác.
Ông Marco Rubio kêu gọi Mỹ Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho Ấn Độ và Nhật Bản, mở rộng với sự tham gia của Úc và các nước châu Á khác (Ảnh: Getty)
Nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn lịch sử của thế kỷ 21 sẽ ‘được viết’ ở châu Á. Với gần 60% dân số thế giới và khoảng 40% GDP toàn cầu, châu Á được coi là nơi có lực lượng quân đội hùng mạnh, chiếm đa số trong tổng số 8 quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân của thế giới, bao gồm cả Triều Tiên.
Theo ông Rubio, Trung Quốc dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, đang cố gắng tạo ra một ‘phiên bản riêng’ về lịch sử của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hoá các thiết bị quân sự truyền thống và phi truyền thống của họ, bao gồm kho vũ khí hạt nhân, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Trung Quốc cũng đang khẳng định mạnh mẽ các tuyên bố về chủ quyền, trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, bao gồm Biển Đông và cao nguyên Doklam ở biên giới Ấn – Trung.
Hơn nữa, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để mở rộng tầm ảnh hưởng, tiếp cận và kiểm soát địa chính trị của họ, đặc biệt là thông qua “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”, để đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Trung Quốc cũng gần đây đã thiết lập một căn cứ hải quân ở nước Djibouti, để tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và khả năng viễn chinh.
Ông Rubio nhận thấy dưới thời Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi, cách tiếp cận “Hướng Đông” trước đây của Ấn Độ đã phát triển thành một chính sách “Hành động Hướng Đông” chủ động cho những quan hệ sâu sắc hơn với các nước châu Á khác.
Yêu cầu Trung Quốc phải “xem xét lại cách tiếp cận của họ” đối với các tranh chấp biên giới và thương mại, Thủ tướng Modi cho biết “Hành động Hướng Đông” phản ánh mong muốn của Ấn Độ bảo đảm rằng các lĩnh vực hàng hải, vũ trụ và không gian mạng “vẫn duy trì những con đường thịnh vượng chung, chứ không trở thành những đấu trường mới”.
Nhật Bản đã nổi lên như một đối tác tự nhiên của Ấn Độ, khi xem xét sự phụ thuộc của Tokyo vào lưu lượng hàng hóa thương mại và năng lượng qua vùng Ấn Độ Dương, những tranh chấp lãnh thổ của Nhật với Trung Quốc, và mối quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 9/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo và New Delhi “sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia mà chúng ta chia sẻ các giá trị phổ quát”.
Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong nhiều năm, và gần đây nhất tổ chức một cuộc tập trận chung, chống tầu ngầm tại biển Arabian hồi tháng 10/2016. Hai nước cũng đã đưa ra những tuyên bố chung, bày tỏ mối quan ngại về những ‘khiêu khích đơn phương’ ở Biển Đông, ý nói đến các hoạt động thù địch của Trung Quốc trong khu vực.
Thượng nghị sỹ Rubio cho rằng các mối quan hệ kinh tế đã phát triển mạnh, với nhu cầu lớn về các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Tokyo là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba của Ấn Độ, và Thủ tướng Abe gần đây đã chào mời dự án đường sắt cao tốc trị giá 17 tỷ USD giữa thành phố Mumbai và Ahmedabad, trong đó Nhật Bản cung cấp các khoản cho vay, với lãi suất thấp.
Ông Rubio kêu gọi Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản, mở rộng hợp tác đa phương. Trong một động thái được xem là đáp lại “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, vào tháng 9/2017 cả ba nước đã nhất trí hợp tác trong việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á. Điều quan trọng là Mỹ phải hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ và Nhật Bản, thực hiện những cơ hội này và các cơ hội khác, để hợp tác với các quốc gia khác, có mong muốn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Rubio cho rằng Mỹ cũng cần tạo điều kiện và thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu quốc phòng từ Mỹ và Nhật Bản, cũng như từ Australia và Hàn Quốc. Doanh số bán thiết bị quân sự của Mỹ cho Ấn Độ trong 10 năm qua, đã lên tới hơn 15 tỷ USD, bao gồm máy bay tuần tra hàng hải và vận tải, máy bay trực thăng và tên lửa chống hạm. Mỹ cần phát triển doanh số quốc phòng nhiều hơn nữa sau khi lựa chọn Ấn Độ là “đối tác quốc phòng quan trọng”. Nhật Bản cũng có máy bay đổ bộ tiên tiến, và các cơ sở quốc phòng khác, mà Ấn Độ có thể sử dụng.
Theo ông Rubio, hợp tác hàng hải mạnh mẽ hơn giữa các nước dân chủ châu Á là rất quan trọng cho sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Vào năm 2015, với tư cách là thành viên thường xuyên, Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận hải quân chung Malabar hàng năm giữa Mỹ và Ấn Độ. Chính phủ Mỹ cũng nên khuyến khích nhiều cuộc tập trận ba bên hơn nữa, thăm dò khả năng kết hợp chặt chẽ với Australia và các nước khác, tham gia các cuộc tập trận trong tương lai. Mỹ cũng cần thiết lập một mạng lưới các bên có liên quan ở Ấn Độ Dương, có thể với mục đích tạo ra một ban thư ký, nhằm thúc đẩy tự do hàng hải, ổn định, hòa bình và thương mại trong khu vực.
Ông Rubio thừa nhận, việc mở rộng phạm vi tiếp cận đa phương của Mỹ với Ấn Độ và Nhật Bản, bao gồm Úc và các quốc gia khác, sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và nhạy bén. Nhưng bốn nền dân chủ này, bao gồm Mỹ, lần đầu tiên trong một thời gian dài, đã gặp nhau ở Manila vào tháng 11/2017. Dự kiến các quan chức Bộ ngoại giao của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, sẽ sớm họp tại New Delhi. Cuối cùng thì bốn nước này vẫn có thể tìm cách hợp tác thường xuyên hơn, thậm chí mở rộng sự hợp tác với các nước khác ở châu Á.
Để đảm bảo Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn tự do và mở rộng, Mỹ và các nước dân chủ trong khu vực sẽ phải tăng cường truyền thông. Rõ ràng là các nước có thể hoàn thành được rất nhiều việc cho lợi ích chung, khi họ hợp tác cùng với nhau, ông Rubio kết luận.
Comments are closed.