Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐàm luậnCăng thẳng Trung-Hàn hạ nhiệt

Căng thẳng Trung-Hàn hạ nhiệt

Quan hệ Hàn-Trung trở nên căng thẳng từ tháng 7/2016 khi cựu tổng thống Park Geun-hye đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD (hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm cao) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Nhưng nay thì Seoul khẳng định đã hóa giải được rào cản về Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với Bắc Kinh.

Ngày 17/12/2017, một quan chức Hàn Quốc cho biết hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã “vượt qua được rào cản liên quan đến THAAD”, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài bốn ngày tới Trung Quốc , từ ngày13 đến 16/12 vừa qua. 

Tuy hồ sơ THAAD chưa được giải quyết hoàn toàn, nhưng “mức độ và cường độ Trung Quốc đề cập đến hồ sơ này đã giảm đi rõ rệt”. Thông tin cho hay hôm 14/12, trong suốt 5 tiếng đồng hồ nói chuyện về Bắc Triều Tiên, các mối quan hệ song phương và nhiều hồ sơ khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ một lần nhắc đến hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Trung-Hàn đã đề ra 4 nguyên tắc chính cho việc xử lý tình hình bán đảo: Một là, không để xảy ra bất kỳ cuộc chiến nào trên bán đảo; hai là, phi hạt nhân hóa bán đảo; ba là, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân; bốn là, cải thiện quan hệ liên Triều.

Qua cuộc gặp này, mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Moon và Chủ tịch Tập đã có những cải thiện rõ nét, gần gũi hơn so với hai lần gặp trước tại Berlin (Đức) hồi tháng 7 và tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào trung tuần tháng 11/2017 nhân thượng đỉnh APEC. Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên dĩ nhiên là trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa ông Moon với ông Tập.

Dường như Seoul đã thuyết phục được Bắc Kinh trên hai hồ sơ then chốt từng gây căng thẳng trong quan hệ song phương. Đó là hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD và những biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc nhắm vào Hàn Quốc.

Từ ngày lên cầm quyền Tổng thống Hàn Quốc đã nhượng bộ Trung Quốc rất nhiều về vấn đề THAAD. Tháng 6/2017, Seoul đã đáp ứng một số yêu sách của Bắc Kinh, khi cho biết không để Mỹ triển khai thêm thêm hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, không gia nhập một liên minh quân sự với Mỹ và Nhật… Thế nhưng, có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa hài lòng với các tuyên bố của Hàn Quốc. Trung Nam Hải muốn Seoul phải có những cam kết chính thức, chửng hạn Hàn Quốc sẽ không triển khai thêm bất cứ giàn lá chắn chống tên lửa nào khác, cũng như sẽ không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á của Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là, Nếu Seoul nhượng bộ trên vấn đề THAAD, liệu Bắc Kinh có thu hồi các biện pháp trừng phạt kinh tế đã áp dụng trên các tập đoàn Hàn Quốc hay không? Bởi trước đó Bắc Kinh đã có những thủ đoạn bóp nghẹt các công ty Hàn Quốc hoạt động ở Trung Quốc, với hệ quả là hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Hyundai và Lotte bị tác hại nặng nề.

Trong bài viết đăng trên South China Morning Post hôm11/12, ông Douglas H. Paal, giám đốc chương trình châu Á của Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế, cho rằng, chuyến công du của Tổng thống Hàn Quốc được theo dõi và phân tích để xem khả năng chèo lái của Seoul ra sao. Seoul sẽ xử lý thế nào giữa những tham vọng cạnh tranh nhau của Bắc Kinh và Washington trong việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Bình Nhưỡng?

Ngoài ra, chuyến công du Bắc Kinh còn là một bài trắc nghiệm đối với tổng thống Hàn Quốc. Người tiền nhiệm Park Geune-hye từng trông đợi rất nhiều vào mối quan hệ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, trước khi rơi vào cảnh bối rối vì Chủ tịch Trung Quốc không nhận các cuộc gọi của bà sau một vụ thử nguyên tử nghiêm trọng của Bình Nhưỡng.

Cho đến khi bà Park chấp nhận để Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, Bắc Kinh lại cho rằng sự việc này gây hại đến an ninh quốc gia và tung một chiến dịch tẩy chay nhắm vào thương mại và ngành du lịch Hàn Quốc. Trong khi đó, Seoul lại cần tổ chức thành công Thế Vận Hội Mùa Đông vào tháng 2/2018 và sự đồng thuận của Trung Quốc là chìa khóa giúp các khán đài kín chỗ.

Về phía Hoa Kỳ, nước này từng “chơi khó” tổng thống Moon khi một mặt, đẩy nhà lãnh đạo cánh tả ủng hộ phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn của Washington trước hoạt động phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên; mặt khác, buộc Seoul phải đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại Mỹ-Hàn, đã hai lần được thảo luận lại trước đó dưới thời tổng thống Bush và Obama. Tổng thống Moon như con cá nhỏ giữa bầy cá voi và một kết thúc có hậu rất khó dự đoán.

Ngược lại, Tập Cận Bình, với vị trí được củng cố hơn sau đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, đang điều hành một nền kinh tế vững mạnh với những tham vọng toàn cầu mới và một lực lượng quân đội được cải tổ và củng cố. Ông Tập cố duy trì mối quan hệ khá nồng ấm với tổng thống Donald Trump, dù còn rất nhiều căng thẳng về kinh tế và chiến lược cũng như việc loại bỏ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong khi cả hai đều đồng ý về các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng.

Từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997 đến Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, ngành ngoại giao Trung Quốc tỏ ra ngày càng ôn hòa và có lợi cho các nước láng giềng. Các nhà ngoại giao thì tài tình và cơ hội kinh tế nở rộ. Nhưng với Thế Vận Hội và khủng hoảng tài chính toàn cầu, tính tự cao tự đại có vẻ phổ biến ở Trung Quốc. Còn Hoa Kỳ thì bị coi trên đà xuống dốc. Bắc Kinh hành xử ngạo mạn. Các vụ tranh chấp nổ ra gần như khắp nơi xung quanh Trung Quốc: với Nhật Bản về các hòn đảo ngoài khơi biển Hoa Đông, với Việt Nam về Biển Đông, với Ấn Độ là đường biên giới, với Miến Điện là cách đầu tư tham nhũng của Trung Quốc…

Hội thảo tháng 10/2013 có dụng ý tập trung lại ngành ngoại giao và các nguồn lực Trung Quốc để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Mục tiêu mang tính thực tiễn, theo nghĩa Trung Quốc biết rằng không thể biến các láng giềng thành đồng minh. Nhưng đúng hơn, mục đích còn nhằm ngăn cản khả năng Hoa Kỳ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ hình thành một liên minh với các nước xung quanh Trung Quốc để tạo đối trọng trước sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Đưa ra những cơ hội thương mại, cơ sở hạ tầng như dự án “Một Vành Đai, Một Con Đường” và hạn chế các vụ xung đột, Bắc Kinh có thể sớm gạt bỏ những ý đồ như vậy.

Tuy nhiên, một kết thúc không mấy có hậu của chuyến thăm của ông Moon vừa qua là lực lượng an ninh Trung Quốc đã lôi một phóng viên đi theo Tổng thống Moon Jae-in ra ngoài địa điểm tổ chức sự kiện để đánh đập, bất chấp sự phản đối từ những phóng viên và một số quan chức Hàn Quốc đi cùng.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 17/12, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng điều tra vụ các nhân viên an ninh nước này hành hung một số phóng viên ảnh của Hàn Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Moon và trừng phạt những người có liên quan.

Sự việc xảy ra hôm 14/12 khi lực lượng an ninh Trung Quốc ngăn các phóng viên ảnh Hàn Quốc đi theo Tổng thống Moon Jae-in tại một hội chợ thương mại ở Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ điều tra vụ việc, tuy nhiên không đưa ra lời xin lỗi cụ thể.

Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng đổ vấy trách nhiệm cho phía Nam Hàn thuê bảo vệ người Trung Quốc.

 
RELATED ARTICLES

Tin mới