Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐàm luậnNước Nga trước thềm bầu cử tổng thống(Kỳ 1)

Nước Nga trước thềm bầu cử tổng thống(Kỳ 1)

Những thành công của chính sách đối ngoại, sự hồi phục của nền kinh tế và các cuộc bầu cử lập pháp gần đây với sự chiến thắng của Đảng Nước Nga thống nhất dường như dọn sẵn đường cho Vladimir Putin một lần nữa đắc cử tổng thống. Nhưng việc các nhóm đối kháng gia tăng và dân chúng không mấy quan tâm đến các cuộc bầu cử khép kín cũng chứa đựng nhiều nguy cơ. Đặt cuộc đua bầu cử sang một bên, giờ đây người ta đặt câu hỏi về những mục tiêu của nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. 

Ít có sự hoài nghi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2018. Theo kết quả thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Levada thực hiện vào ngày 29/5/2017, 63% người Nga sẽ bỏ phiếu cho Putin, trong khi đó các đối thủ cạnh tranh truyền thống của ông như lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Gennady Zyuganov (72 tuổi) và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) Vladimir Zhirinovsky (61 tuổi) chỉ nhận được 3% và 6% phiếu bầu. 

Giới chính trị và chuyên gia ở Moskva vẫn đang bàn tán về khả năng chỉ định một người kế tục. Dù là Putin đệ tứ hay một người kế tục, tổng thống Nga sắp tới sẽ đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc phải bằng mọi giá duy trì hệ thống chính trị và kinh tế như nó đã được hình thành từ 18 năm qua, hoặc phải thực hiện những cải cách về cơ cấu. 

Liệu Nga có thể tăng trưởng kinh tế mà không phụ thuộc vào thu nhập từ năng lượng, trong một thế giới mà nguồn cung về dầu giờ đây đã vượt cầu? Đổi lại, cần đem lại điều gì cho người dân và giới tinh hoa để đảm bảo sự ổn định của chế độ? Cải thiện mức sống? Ổn định chính trị? Tạo dựng uy tín trên trường quốc tế? Ba quân bài này, đã được thử nghiệm trong các nhiệm kỳ tổng thống trước, tuy nhiên dường như ít được sử dụng hơn so với trước đây. 

Bầu cử tổng thống 2018: Một thử thách không có rủi ro? 

18 tháng là khoảng cách thời gian giữa cuộc bầu cử quốc hội (tháng 9/2016) và cuộc bầu cử tổng thống (tháng 3/2018) ở Nga. Mặc dù nền kinh tế Nga dường như đang phục hồi, hệ thống chính trị Nga có vẻ ổn định và chính sách đối ngoại được phần lớn cử tri đoàn ủng hộ, giai đoạn trước bầu cử không phải là một “dòng sông êm đềm”. 

Một nền kinh tế có sức chịu đựng tốt 

Nền kinh tế Nga cho thấy những kết quả tốt hơn mong đợi trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm, bị phương Tây trừng phạt và các khó khăn mang tính cơ cấu. Việc quản lý các yếu tố điều phối đã tỏ rõ tính hiệu quả: duy trì tỉ giá thả nổi của đồng ruble, cắt giảm các khoản chi tiêu ngân sách, và sử dụng Quỹ dự trữ, đã tạo thuận lợi cho sự thích ứng của nền kinh tế với bối cảnh mới. Giá dầu vẫn cao hơn so với dự kiến, một phần nhờ thỏa thuận đã được ký kết hồi tháng 11/2016 (có sự tham gia của Nga), trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ nhằm giảm sản lượng dầu mỏ trên thế giới. Đồng ruble, gắn liền với giá dầu, tỏ ra có sức chịu đựng tốt so với những gì chúng ta nghĩ. Do vậy, GDP thực sự chỉ giảm 0,9% (so với 3,7% vào năm 2015). Một báo cáo của Ngân hàng thế giới thậm chí còn dự đoán mức tăng GDP hàng năm của Nga là 1,3% hoặc 1,4% trong giai đoạn 2017-2019. 
Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất tuy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9/2016, nhưng vấn đề là tỷ lệ cử tri đi bầu thấp (dưới 48% so với trên 60% vào năm 2011). Họ đã giành được đa số ghế trong Duma quốc gia Nga, trong khi ba đảng đối lập có hệ thống trong quốc hội (KPRF, LDPR và Đảng Nước Nga công bằng) đã mất nhiều ghế, và trở nên rất suy yếu. Không một đảng đối lập tự do nào được gọi là “ngoài hệ thống” (như đảng Yabloko) có đại diện trong Quốc hội; còn Đảng Tiến bộ (do Alexei Navalny, đối thủ chính của Putin, thành lập năm 2012) đã không được phép tranh cử. 

Một ảnh hưởng quốc tế nhất định 

Trên bình diện quốc tế, ảnh hưởng của Nga được nhận thấy qua các vấn đề chiến lược quan trọng, từ chiến dịch quân sự ở Trung Đông đến những cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và, ở mức độ ít hơn, ở Pháp. Ba năm liên tiếp, Vladimir Putin đã được quốc tế công nhận là người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Công chúng Nga dường như nhạy cảm với chính sách đối ngoại này. Sự phục hồi uy tín quốc tế “sau nhiều năm tủi nhục” được nói đến trong các cuộc thăm dò dư luận về những thành công nổi bật nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của Putin. Giới tinh hoa cũng ủng hộ chính sách đối ngoại này, song những lập luận của họ có ý nghĩa chiến lược. Chính sách của Putin cho phép ngăn chặn, ở phía Đông, sự “bành trướng chết chóc” của các liên minh phương Tây tại các biên giới Nga và, ở phía Nam, cho phép ngăn chặn “chính sách điên rồ nhằm thay đổi chế độ”. 

Những nhóm đối kháng mới xuất hiện 

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị và quốc tế có lợi cho hình ảnh của Vladimir Putin, khả năng ông tái đắc cử là điều chắc chắn, cho dù các phong trào phản kháng đang gia tăng ở Nga. Chẳng hạn, vào ngày 26/3 và ngày 12/6/2017, các cuộc biểu tình lớn nhất (kể từ các cuộc biểu tình sau cuộc bầu cử lập pháp năm 2011) đã nổ ra với sự tham gia đông đảo của dân chúng, đặc biệt của giới trẻ, nhằm phản đối nạn tham nhũng ở các cấp quyền lực cao nhất. 

Các vấn đề khác, mang tính địa phương hoặc tôn giáo, có thể là nguồn gốc của những phản kháng xã hội: hệ thống đánh thuế đường bộ áp dụng với xe tải (lưu thông trên đường cao tốc), các hành vi xâm phạm quyền sở hữu đất đai ở Crimea, đặt nhà thờ Thánh Isaac ở Saint Petersburg dưới sự bảo trợ của Giáo hội chính thống giáo Nga, việc phá hủy các tòa nhà được xây dựng từ thời Khrushchev ở trung tâm Moskva… Cần lưu ý rằng cho đến nay hầu hết những người chống đối bị cấm đưa ra bất kỳ yêu sách chính trị nào và chỉ giới hạn ở những yêu sách kinh tế và xã hội cụ thể. 

Nguy cơ mất tín nhiệm? 

Trong bối cảnh người dân Nga ít quan tâm tới các cuộc bầu cử, đồng thời các phong trào phản kháng gia tăng, nguy cơ mất tín nhiệm của Vladimir Putin là có thật. Sergei Kiriyenko, Phó Chánh văn phòng tổng thống, phụ trách chính sách đối nội của Nga, dự kiến Tổng thống đương nhiệm sẽ giành chiến thắng ngay ở vòng đầu với 70% phiếu bầu, và tỷ lệ tham gia bỏ phiếu 70%, đồng thời giảm sự gian lận trong bầu cử. Dự kiến này, đặc biệt về tỷ lệ tham gia bỏ phiếu, không dễ dàng đạt được. Người ta chưa nhận thấy có âm mưu chính trị nào, cả ở các ứng cử viên, cũng như ở các chương trình nghị sự chính trị. Dường như không ứng cử viên nào có khả năng thu hút được lá phiếu của những người chống đối như nhà tài phiệt Mikhail Prokhorov đã làm được vào năm 2012. Tiến trình bầu cử, được Điện Kremlin kiểm soát chặt chẽ, không dành cơ hội cho các ứng cử viên đối lập. Tuy nhiên, Alexei Navalny đã lao vào chiến dịch tranh cử tổng thống với những nguy cơ và rủi ro, vì không biết Điện Kremlin sẽ cho ông đi đến đâu. 

Các phương thức nhằm tăng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu có lẽ chỉ mang tính chất kỹ trị (tổ chức bỏ phiếu ở những nơi không có sự vận động trước, kết hợp bầu cử với việc bỏ phiếu về các vấn đề quan trọng với người dân địa phương…). Các thống đốc và những người đứng đầu các chính quyền địa phương muốn sử dụng “nguồn lực hành chính” để không làm mất lòng chính quyền liên bang với những kết quả bầu cử tồi tệ, đặc biệt ở các khu vực ngoại vi mà các chuyên gia Nga gọi là “các tiểu vương quốc bầu cử”. Nhưng ngoài thử thách tranh cử, Vladimir Putin (nếu tái cử) sẽ nhắm tới những mục tiêu nào trong nhiệm kỳ thứ tư tới đây? 

RELATED ARTICLES

Tin mới